Chuyện lạ: 13/14 thôn đặc biệt khó khăn ở xã có đảo chè 'đẹp nhất Việt Nam'

(Baonghean.vn) - Vừa qua, thông tin xã Thanh An (Thanh Chương) có 13/14 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ cao hơn nhiều so với các địa phương vùng đặc thù khiến dư luận không khỏi ngờ vực.

Nghịch lý từ những con số

Không thể phủ nhận, là xã thuộc vùng trung du Thanh An là địa bàn khó khăn và gặp những bất lợi trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, con số 13/14 thôn đặc biệt khó khăn (chiếm 92,8%) là điều bất thường.

Có thể làm phép so sánh tỷ lệ này ở một số xã miền núi đặc thù khác của tỉnh Nghệ An để như: xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) có 6/11 bản, chiếm 54,5%; xã Bồng Khê (Con Cuông) có 1/9, tương đương 11,1%; xã Long Sơn (Anh Sơn) 1/17 thôn, chiếm 5,8% để thấy sự chênh lệch cách biệt. Trong khi đó, các địa phương trên là những huyện miền núi cao, thậm chí có huyện thuộc diện 30a, có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Hiện tại tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Thanh An là 64,27%. So sánh ngay với các xã lân cận là Thanh Thịnh và Thanh Chi có tỷ lệ này lần lượt là 37,69% và 51,14%. 

Một góc thôn 9, xã Thanh An (thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn) nhìn từ phía sau.
Một góc thôn 9, xã Thanh An (thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn).

Tìm hiểu tại thôn 9, được biết hiện tại thôn có 135 hộ, trong đó tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 59,16% trong khi đây là một trong những thôn trung tâm của xã, giao thông thuận lợi và cơ sở vật chất khá ổn so với một xã trung du miền núi. Được biết từ năm 2016 này thôn mới "được công nhận" thuộc diện đặc biệt khó khăn.  

Điều tiếp theo khiến dư luận khó hiểu là xét theo Quyết định 447/QĐ - UBND tỉnh Nghệ An ngày 19/9/2013 (về quy định thôn đặc biệt khó khăn), thời điểm đó xã Thanh An chỉ có 6 thôn thuộc trong diện là: thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 8, thôn 14 và thôn Thượng Lâm (chiếm 42,8%).

Quang cảnh khu vực đảo chè (xã Thanh An, huyện Thanh Chương). Ảnh: Sách Nguyễn
Đảo chè ở xã Thanh An, huyện Thanh Chương được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam. Ảnh: Sách Nguyễn

Tuy nhiên, đến nay, dựa theo  Quyết định số 50/2016/QĐ - TTg ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ thì tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 thì toàn xã có 13/14 thôn đặc biệt khó khăn (tăng 50%). Tỷ lệ hộ nghèo ở mức 27,68% (chiếm 359 hộ); cận nghèo là 36,59% (chiếm 475 hộ).  

ryhe5
Không khó để bắt gặp những ngôi nhà khang trang dọc theo tuyến đường liên xã từ UBND xã Thanh An tới thôn 9.

Tìm hiểu tại địa bàn khó khăn nhất của xã Thanh An là thôn Thượng Lâm - đây là vùng trọng điểm trồng chè của Thanh An.

Xã Thanh An Xã Thanh An có diện tích 37.8 km², tiếp giáp với các xã Thanh Thịnh, Thanh Thủy, Thanh Khê, Thanh Chi và một phần tiếp giáp với Sông Lam; có đường Hồ Chí Minh chạy qua; mấy năm gần đây, vùng đảo chè của xã Thanh An nổi lên là điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Một doanh nghiệp lớn đang tiến hành khảo sát để đầu tư khu du lịch tại đây.

Thôn Thượng Lâm có tổng số 44 hộ đều canh tác chè với tổng diện tích trên dưới 75 ha. Theo người dân ở đây cho biết, bình quân, mỗi ha chè cho thu hoạch 4 đến 5 lứa/năm, năng suất trên 17 tấn. Với mức giá trên dưới 40.000 đồng/yến chè búp tươi thì mỗi ha mang lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng/năm. Trừ chi phí đầu tư vẫn còn lãi xấp xỉ 60 triệu đồng mỗi năm. 

Nếu xét riêng về tiêu chí thu nhập theo Quyết định 59/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người dưới 700.000 đồng/tháng. Còn hộ cận nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người từ 700.000 - 1 triệu đồng/tháng. 

Người dân thu hoạch chè tại đảo chè Thanh An. Anh Trần Văn Thành (xóm 3) cho biết: hiện diện tích trồng chè của gia đình là 4,5ha. Mỗi năm có khoảng 8 lứa chè. Ước tính thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm gần 200 triệu đồng.
Người dân thu hoạch chè tại đảo chè Thanh An. Anh Trần Văn Thành (xóm 3) cho biết: hiện diện tích trồng chè của gia đình là 4,5ha. Mỗi năm có khoảng 8 lứa chè. Ước tính thu nhập bình quân của gia đình anh mỗi năm gần 200 triệu đồng.

Hiện tại mức thu nhập bình quân của xã Thanh An là 17,9 triệu đồng/người/năm. Và nếu chia bình quân, mỗi tháng thu nhập của người dân Thanh An là xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người, cao hơn mức quy định đối với hộ cận nghèo là 500.000 đồng. 

Những diện tích chè tươi tốt tại đập Cầu Cau
Những diện tích chè tươi tốt tại đập Cầu Cau (thôn 8, Thanh An). Đây cũng là thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn của địa phương.

Một yếu tố khác khiến dư luận đặt ra nghi vấn khi lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ở địa phương cũng khá đông đảo. Trong những năm gần đây, bình quân mỗi năm có trên dưới 50 lao động tham gia thị trường lao động nước ngoài. Riêng năm 2016 có trên 60 người xuất khẩu lao động. Hiện, Thanh An có khoảng 300 lượt người đi lao động nước ngoài, bình quân mỗi người có mức thu nhập bình quân cũng trên dưới 150 triệu đồng/năm.

Cuối cùng, hiện tại, số người trong độ tuổi lao động trong toàn xã Thanh An là: 2680/3190 người, đạt tỷ lệ 84%. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động ở Thanh An đang ở “mức lý tưởng” để phát triển kinh tế.

Tại Hội nghị Thẩm định kết quả xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của các huyện trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 50/2016/QĐ – TTg ngày 3/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn hướng dẫn số 1138/UBDT – CSDT ngày 8/11/2016 của Ủy ban dân tộc được UBND tỉnh tổ chức vào sáng 5/12, nhiều đại biểu tỏ ra băn khoăn, nghi vấn về số liệu 13/14 thôn của xã Thanh An thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Chính quyền địa phương nói gì?

Trước những thắc mắc trên, ông Nguyễn Cảnh Nam, Chủ tịch xã Thanh An cho biết, con số 13/14 thôn đặc biệt khó khăn đã phản ánh đúng tình hình địa phương.  

Ông Nam còn cho hay, về quy trình rà soát hộ nghèo và cận nghèo, xã đã thực hiện thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản. Các bước bao gồm: xác định lập danh sách các hộ gia đình cần rà soát, tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình. Tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát. Niêm yết danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo. Sau đó báo cáo và xin ý kiến thẩm định của UBND cấp huyện. 

Mặc dù cho rằng việc đánh giá hộ nghèo, thôn nghèo ở xã Thanh An của ông chủ tịch xã là chính xác, khách quan. Tuy nhiên thực tế đã cho thấy điều trái ngược.

Điều mà dư luận đặt ra là có hay không việc làm bất minh trong vấn đề này?.

P.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới