Nao nao Tết quê...

(Baonghean) - Nhớ Tết, lạ vậy, là tâm hồn cứ quay về một miền quê. Có ai trên đất Việt này lại đã không ăn gạo quê, uống nước giếng quê, tắm nước sông quê, hít bầu khí quyển của đồng quê chứ?

Trong vườn Xuân
Trong vườn Xuân. Ảnh: Văn Song Nguyễn.

Tết quê bắt đầu từ một không gian quê, đó là những nếp nhà ẩn sau những lũy tre xanh ngàn đời ngoằn ngoèo ngọn khói cơm thơm gạo mới. Ta nhớ Tết quê bắt đầu từ ngọn khói quê. Ngọn khói cứ nâng nhẹ bẫng, quấn quýt nhau, giăng mắc đó đây. Một nỗi nhớ sực ấm mà đầm đậm có khi lan man chập chờn mà níu kéo. Ngọn khói bếp đêm 30 Tết của nồi bánh chưng sôi, ngọn lửa reo và bóng người quây quần bên nhau in lên vách tường rôm rả tiếng cười nói…

Tết quê bắt đầu từ hương vị quê, từ nén hương trầm thơm. Vị thơm ngòn ngọt như có cả vị mía của đồng quê. Mía ngọt dần lên ngọn trong vị phù sa ruộng đồng sông quê. Hương ngọt dần lên khói bởi bao sao tẩm qua bàn tay tài hoa thơm thảo của tình người. Hương vị quê có khi bắt đầu từ những món ẩm thực dân dã. 

Nguyên liệu được chắt chiu, chắt lọc qua bao sương nắng để dành dụm, để đãi đằng thành các đặc sản tết của làng quê. Cũng là tấm bánh chưng thôi nhưng phải bắt đầu từ vị nếp quê, hạt đậu quê và cả miếng thịt lợn được nuôi bằng cám quê. Rồi lại bắt đầu từ tay người gói bánh, gói từ lá dong vườn nhà. Tự tay nhóm lửa, vớt bánh để ngấm được cái hương, cái vị chầm chậm đến với mình xuýt xoa với mình.

Bên nồi bánh chưng Tết.
Bên nồi bánh chưng Tết. Ảnh: Cảnh Yên.

Tết quê không thể thiếu được hương sắc quê. Mâm cỗ được dọn ra đủ món nhưng thiếu đi một câu đối đỏ ấm áp thì vẫn canh cánh trong lòng. Và khi tưởng đã đủ đầy tất cả kể từ mâm ngũ quả mà thiếu đi một cành đào Xuân thì vẫn chưa có Tết. Một cành đào thôi mà mang cả thông điệp của mùa xuân như là một cánh thiếp xuân đã có từ bao đời trong truyền thống Tết của người Việt. 

Cành đào vườn quê mới hôm qua còn chúm chím ươm nụ, khiêm nhường, thế mà sáng nay rạng rỡ nở bung những cánh hoa mỏng mảnh mà trắng ngần thiết tha, mà nồng nàn đỏ ấm làm sáng cả căn phòng, mang theo cả hơi Xuân, sắc Xuân, tình Xuân, có chút ngập ngừng kiêu hãnh như những tín hiệu Xuân tốt tươi cả lòng người. 

Hoa mận nở
Mùa hoa vùng cao. Ảnh Hồ Lài.

Lại nhớ những ngày này trên các đảo xa những người lính che chắn để giữ lấy những nụ đào hiếm hoi mỏng mảnh như giữ lấy tình người đất liền ra với đảo khơi. Và trên những bản làng heo hút xa xôi trập trùng với bước chân biên phòng là những cành đào núi da thô nhám xù xì mọc rêu mà hoa đào rực thiết tha  một màu lửa ấm – màu lửa tin yêu mang Xuân về xua đi lạnh giá.

Tết quê đã về đầu ngõ. Ngọn gió mai lành sáng nay mang theo cả hơi mưa xuân lất phất đâm chồi nhú lộc. Mỗi mầm mưa nhú một mầm Xuân. Mưa giăng giăng như một tấm lụa mịn màng với một sức sống đang âm thầm chuyển  nhựa.

Cảm thức tết quê, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải viết rằng: “Chiều 30 Tết ở quê – Mẹ còn chân vấp nón mê ra đồng”. Mẹ già của làng quê suốt một đời gắn bó với ruộng đồng sao mà vất vả, mà tảo tần đến thế. Tết quê vẫn còn theo mẹ ra đồng để cấy nốt đon mạ cuối năm: “Cho sang năm hết nợ nần – Mẹ tin rảnh mạ đang cầm trên tay”. Rảnh mạ xuân của mẹ sẽ gieo xuống tết quê cho một mùa màng bội thu sang năm. Tết quê có gì mà mong mỏi thế? Tết quê chờ người về và người cũng mong về quê ăn Tết.

                                                          Nguyễn Ngọc Phú

TIN LIÊN QUAN

Tin mới