Làm dịu đau đớn cho bệnh nhân bằng tiếng hát

(Baonghean.vn) - Chương trình văn nghệ từ thiện “Mang tiếng hát đến với người bệnh” do các thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An lên ý tưởng đã thực hiện được 4 lần. Không chỉ mang đến nguồn động viên tinh thần lớn lao cho các bệnh nhân, mà số tiền quyên góp được từ chương trình này đã giúp được nhiều bệnh nhân nghèo có cơ hội được điều trị, nhiều bệnh nhân và người nhà khó khăn có được những suất ăn miễn phí.

Những thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An hóa thân làm diễn viên trên sân khấu Mang tiếng hát đến với người bệnh.
Những thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hóa thân làm diễn viên trên sân khấu Mang tiếng hát đến với người bệnh. Ảnh: Hoàng Yến.

Có thể thấy, mỗi lần được xem chương trình ca nhạc được tổ chức ngay sảnh bệnh viện hoặc trong hội trường lớn, các bệnh nhân trong viện đều rất háo hức. Họ thực sự đã được quên đi những phút giây buồn bã, tuyệt vọng, quên đi những cơn đau đớn do bệnh tật hành hạ. Nhiều câu chuyện cảm động đã diễn ra ngay tại sân khấu này. Tình cảm giữa thầy thuốc và bệnh nhân, nhờ vậy thêm gắn bó, thêm chia sẻ.

Bà Nguyễn Bích Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ tổng hợp của Bệnh viện chia sẻ: Hàng ngày có 1.500 đến 1.600 bệnh nhân điều trị nội trú tại viện. Phần đông trong số họ là bệnh nhân nghèo. Nhiều người mắc bệnh nặng, thời gian điều trị dài nên gia đình rơi vào khốn quẫn. Xuất phát từ sự thấu hiểu, sẻ chia ấy, cán bộ, nhân viên Bệnh viện đã có nhiều giải pháp nhằm giúp đỡ họ, trong đó có hoạt động từ thiện. Và “Mang tiếng hát đến với người bệnh” cũng là một trong nhiều hoạt động từ thiện ấy.

Bà Nguyễn Bích Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ tổng hợp của Bệnh viện:

"Chúng tôi muốn nói rằng, không chỉ có những mũi tiêm, những viên thuốc sẽ giúp họ hồi sinh, mà cả niềm vui, sự phấn chấn và sự giúp đỡ từ cộng đồng nữa sẽ cho người bệnh có thêm cơ hội để mau chóng được trở lại với nhịp sống đời thường.”
Thầy thuốc và bệnh nhân cùng cất cao tiếng hát. Ảnh: Hoàng Yến.
Thầy thuốc và bệnh nhân cùng cất cao tiếng hát. Ảnh: Hoàng Yến.

Bác sỹ Lê Mạnh Hà (Khoa Nội thận), thành viên của Đội văn nghệ Bệnh viện cho hay: “Sau mỗi ngày làm việc, thậm chí sau những ca trực, nhiều y bác sỹ lại hăng hái đến hội trường để luyện tập văn nghệ chuẩn bị cho đêm diễn (thường 3 tháng 1 lần)”. 

Bác sỹ Võ Dũng (Khoa Xét nghiệm vi sinh):

 “Chúng tôi mong mỏi mang đến liều thuốc tinh thần cho bệnh nhân. Và chính niềm vui, sự hào hứng của người bệnh tham gia những đêm diễn lại khiến chúng tôi có được niềm vui, có thêm động lực”.

NSND Hồng Lựu là người theo sát với hoạt động này tại Bệnh viện cũng đã từng tâm sự, chị rất vui và xúc động khi được cùng tham gia chương trình giàu ý nghĩa này. Bao giờ khi hát cho những “khán giả đặc biệt” này, chị đều có cảm giác rưng rưng. Và chính những khát vọng sống trong trái tim họ, chính những nghị lực và xúc cảm của họ đã cho chị hiểu về hạnh phúc khi mình còn sức khỏe.

Đã có những người bệnh vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần như bệnh nhân Vi Lưu Bình (Phường Cửa Nam, Thành phố Vinh) nhập viện trong tình trạng nhiễm khuẩn do áp xe phổi, nhưng chị đã xin được cất tiếng hát trong đêm giao lưu ca nhạc. Ngồi trên xe lăn, chị đã cất lời hát ngọt ngào của mình như một lời tạ ơn đến những người thầy thuốc. Sau đó, chính con trai của chị đã chạy lên sân khấu ôm lấy mẹ, xin được hát tặng mẹ và mọi người bài hát "Mẹ yêu”.

Nhiều y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã đóng góp để giúp đỡ những người bệnh nghèo ngay trong đêm ca nhạc. Ảnh: Hoàng Yến.
Nhiều y bác sỹ, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã đóng góp để giúp đỡ những người bệnh nghèo ngay trong đêm ca nhạc. Ảnh: Hoàng Yến.

Có những bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn, nhưng nhờ được chăm sóc, điều trị tốt đã có thêm thời gian sống vui, sống khỏe. Họ đã xin được đứng trên sân khấu để nói lời cảm ơn đến những thầy thuốc bằng những vần thơ, bài hát. Bệnh nhân Văn Huy Lĩnh ở Quỳnh Dị (Hoàng Mai) là một ví dụ. Dù giọng ông không còn được khỏe, nhưng khi bài hát “Tấm áo mẹ vá năm xưa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý cất lên, cả sân khấu đã lặng đi vì những xúc động dâng trào.

Qua 4 lần tổ chức trong năm 2016 và đầu năm 2017, chương trình đã nhận được sự ủng hộ trực tiếp ngay trong đêm diễn và từ các tổ chức, cá nhân tổng số tiền 200 triệu đồng. Cùng với số tiền góp từ quỹ thùng từ thiện và một số đóng góp khác, Ban trợ giúp Xã hội của Bệnh viện đã hỗ trợ trên 15.000 suất ăn cho 5.500 bệnh nhân nghèo điều trị tại viện, hỗ trợ chi trả viện phí, xe vận chuyển cấp cứu cho nhiều trường hợp người bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Dương (cha của bệnh nhân Nguyễn Hữu Phúc) nhận được sự giúp đỡ quý giá của chương trình Mang tiếng hát đến với người bệnh .
Ông Nguyễn Hữu Dương (cha của bệnh nhân Nguyễn Hữu Phúc) nhận được sự giúp đỡ quý giá của chương trình Mang tiếng hát đến với người bệnh.

Ông Nguyễn Hữu Dương, xóm 11 Nam Trung, Nam Đàn:

..."23 năm đưa con đi viện, là 23 năm ròng tôi gắn bó và trân trọng biết bao màu áo trắng của những thầy thuốc. Lần đi viện tháng 1 vừa qua là lần đi viện cuối cùng của con. Cháu không còn, nhưng tôi đã chứng kiến tất cả nỗ lực lớn nhất mà những người thầy thuốc giành cho con mình. Không chỉ là những loại thuốc tốt nhất, những bác sỹ giỏi nhất đã đến với con những ngày này, không chỉ là những lần hội chẩn liên khoa căng thẳng, mà cả những chuyến xe miễn phí, miễn phí cả tiền viện phí, cả những bữa cơm của cha và con.

Điều đó, đã làm cho tôi, một người lính đổ máu xương của mình ở chiến trường cảm thấy thật thanh thản, rằng những hy sinh sẽ không bị lãng quên. Có thể nói đợt điều trị cuối cùng của con trong cuộc đời, lần đầu tiên con tôi đã có những phút giây hạnh phúc. Dù rằng cháu sinh ra nằm một chỗ, chỉ biết la hét, ai cũng nói cháu là người không có suy nghĩ, nhưng tôi - một người cha 23 năm ôm con trong tay, nghe từng nhịp thở của con, có thể khẳng định rằng, lần đầu tiên cháu đã biết đến niềm hạnh phúc, chính là lần đầu tiên cháu được xem ca nhạc ngay tại sảnh bệnh viện.

Mãi mãi, tôi muốn nhớ đến cái giây phút ấy trong quãng dài dằng dặc 23 năm. Nó thức tỉnh trong tôi, rằng tiếng hát có thể xoa dịu đi những đau đớn, rằng con người ta khi còn muốn cất tiếng hát, là còn tha thiết mến yêu cuộc sống này. Những người thầy thuốc, mới đây đang tất bật trong ca trực đêm, cởi bỏ tấm áo blouse, để hóa thân thành những diễn viên.

Những bệnh nhân, chỉ cách đây dăm ba ngày, trong cơn nguy kịch ở phòng cấp cứu, tưởng như không còn cơ hội để sống, họ đã trở lại bằng sự hồ hởi trên sân khấu. Những tiếng hát ấy đã hòa quyện vào như quấn quýt, như nâng đỡ.

Chương trình đặc biệt ở chỗ, nó là khởi xướng và cũng được thực hiện bởi chính những người thầy thuốc của bệnh viện. Tôi và con mình thật may mắn đã nhận được những đồng tiền quý giá từ chương trình ‘Mang tiếng hát đến với người bệnh” ấy. Thế đấy, lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng của cuộc đời mình, con tôi đã được xem hát. Và tôi đã tin, đó cũng là lần đầu tiên con tôi biết hạnh phúc!”


T.V

TIN LIÊN QUAN

Tin mới