Nghệ An đối mặt với áp lực bố trí ngân sách trả nợ hàng năm

(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được đại biểu Lê Xuân Đại - đơn vị huyện Nghĩa Đàn cho biết tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII sáng 11/12.

Năm 2019 phải trả nợ 1.032 tỷ đồng

Dành thời gian phân tích vấn đề an toàn về mặt tài chính của tỉnh, đại biểu Lê Xuân Đại cho biết đến nay các khoản nợ của Nghệ An bao gồm nợ kho bạc, nợ vay ngân hàng đang ở dưới trần được phép bội chi là 1.900 tỷ đồng.

Về mặt tổng thể, các khoản nợ của tỉnh không vượt trần bội chi, song đại biểu Lê Xuân Đại bày tỏ lo lắng khi các khoản nợ của Nghệ An chủ yếu nợ vay ngân hàng và áp lực trả nợ hàng năm rất lớn.

Đại biểu Lê Xuân Đại phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Lê Xuân Đại phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Cụ thể, có 2 khoản nợ là vay vốn tồn ngân của Kho bạc Nhà nước và vay tín dụng ưu đãi của Nhà nước qua ngân hàng (đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông…)

Cả hai khoản này đều chịu áp lực bố trí ngân sách trả nợ hàng năm. Tuy nhiên, nhiều năm nay Nghệ An đều phải xin giãn nợ, năm 2019 xin giãn nợ 215 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, Nghệ An phải trả nợ đến hạn khoảng 1.032 tỷ đồng nhưng sau khi trừ giãn nợ 215 tỷ đồng sang 2020 thì phải trả nợ khoảng 816 tỷ đồng nhưng chỉ mới bố trí được khoảng 716 tỷ đồng, còn khoảng 100 tỷ đồng phấn đấu cân đối từ nguồn vượt thu tiền cấp quyền sử dụng đất năm 2018 -2019.

Đại biểu Lê Xuân Đại phân tích và cho biết thêm, ngay trong bố trí trả nợ năm 2019 cũng phải vay 200 tỷ đồng từ ngân sách để bố trí trả nợ, có nghĩa là “đảo nợ”. 

Không để tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá đất

Đề cập đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, đại biểu Lê Xuân Đại đánh giá nỗ lực lớn của tỉnh khi năm nay, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh đạt 8,77% và thu ngân sách ước đạt 13.141 tỷ đồng, cao hơn so với dự toán được giao là 12.691 tỷ đồng. 

Một số khoản thu vượt so với dự toán, trong đó đáng chú ý thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giao 1.260 tỷ nhưng đã đạt 1.700 tỷ. Thu tiền từ cấp quyền sử dụng đất, ban đầu xác định khoảng 2.000 tỷ đồng nhưng đến nay đã đạt 2.600 tỷ. 

Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ đấu giá đất tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu.
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ đấu giá đất tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh tư liệu.

“Tôi tin rằng, đến 31/12/2018, con số thực thu về ngân sách có thể cao hơn con số dự báo”, đại biểu Lê Xuân Đại nói.

Tuy nhiên, theo đại biểu của đơn vị Nghĩa Đàn, thu ngân sách tổng thể hoàn thành dự toán thu ngân sách. Nhưng thu nội địa, nếu trừ tiền cấp quyền sử dụng đất thì hụt thu, chỉ đạt 94% so với dự toán.

Ông Lê Xuân Đại cho biết có 5 khoản thu quan trọng nhất đều không hoàn thành là: thu từ doanh nghiệp Trung ương quản lý, doanh nghiệp địa phương quản lý, thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh.

Đặc biệt, đại biểu Lê Xuân Đại bày tỏ trăn trở khi năm 2018, số lượng dự án và số vốn đăng ký đầu tư thấp hơn so với năm 2017; trong khi đây là một trong những động lực quan trọng để tăng thu ngân sách. 

Ông Lê Xuân Đại cũng trao đổi về chỉ tiêu thu ngân sách vào cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII là 25.000 -30.000 tỷ đồng nhưng đến nay con số đạt được còn ở khoảng cách xa mà nhiều đại biểu quan tâm.

Xếp dỡ hàng container ở Cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu
Xếp dỡ hàng container ở Cảng Cửa Lò. Ảnh tư liệu
Đại biểu Lê Xuân Đại khẳng định, mục tiêu thu ngân sách đặt ra không phải là duy ý chí. Tỉnh đạt kỳ vọng vào các dự án lớn như: VSIP, các dự án xi măng lớn, nhiệt điện Quỳnh Lập… nhưng trong quá trình thực hiện không đạt như mong đợi. 

Bên cạnh đó, các khoản thu từ viện phí, học phí theo cơ chế thời điểm xây dựng chỉ tiêu Đại hội được đưa vào khoản ghi thu, ghi chi nhưng nay không được đưa vào…

Đề cập về chỉ tiêu thu ngân sách năm 2019 là 13.498 tỷ đồng, đại biểu Lê Xuân Đại đánh giá, đây là mục tiêu mà UBND xây dựng đảm bảo cao nhất và trên cơ sở đảm bảo tính khả thi. 

Đối với vấn đề thu tiền từ cấp quyền sử dụng đất năm 2019 đưa ra là 2.300 tỷ đồng, đại biểu Lê Xuân Đại đánh giá là không cao và đã được thảo luận kỹ.

“Vấn đề cần quan tâm khai thác tiền sử dụng đất phải thực hiện theo đúng quy hoạch, công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải khách quan hơn, minh bạch hơn, không để tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, đảm bảo nguồn vào ngân sách tối đa nhất”, đại biểu Lê Xuân Đại nói.

Tin mới