Nghệ An: Đồng loạt tiêm trên 50.000 liều vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu, bò

(Baonghean.vn) - Hiện các địa phương trên địa bàn tỉnh đang gấp rút tiêm vắc-xin viêm da nổi cục khi dịch bệnh này diễn biến ngày càng phức tạp, khiến nhiều trâu, bò bị ốm, chết.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tính đến ngày 2/4, Nghệ An đã tiếp nhận 50.600 liều vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò và đã triển khai phân phát cho các địa phương.

Vắc xin viêm da nổi cục được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Q.A
Vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu, bò được nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Q.A

Các huyện được cấp số lượng vắc-xin nhiều nhất bao gồm: Thanh Chương (9.300 liều), Anh Sơn (6.000 liều), Đô Lương (5.000 liều), Nghi Lộc (3.200 liều)... Đây là những địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

Hiện lực lượng thú y tại các địa phương đang tiêm phòng đồng loạt cho đàn trâu, bò, đặc biệt là ưu tiên cho những xã đang có dịch để hạn chế lây lan trên diện rộng.
Mặc dù vậy, với tổng đàn trâu, bò toàn tỉnh lên đến 750.000 con thì hiện số lượng vắc-xin chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ. Nguyên nhân là do đây là loại vắc-xin mới, phải nhập khẩu từ nước ngoài (Thổ Nhĩ Kỳ) nên lượng vắc- xin trên toàn quốc nói chung và Nghệ An nói riêng không nhiều.
Các địa phương tiến hành tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò. Ảnh: Q.A
Các địa phương tiến hành tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu, bò. Ảnh: Q.A

Bên cạnh đó, do không có thú y cơ sở nên việc tiêm phòng vắc -xin viêm da nổi cục cho trâu, bò cũng gặp nhiều khó khăn. Ở một số địa phương, lực lượng cán bộ thú y của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phải xuống trực tiếp tiêm cho các xã. Một số xã phải hợp đồng ngoài với cán bộ thú y cũ để kịp tiến độ tiêm phòng. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò, cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi gấp rút đăng ký tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục và mua thuốc đặc hiệu diệt côn trùng (muỗi, ve, mòng...). Đây là 2 phương pháp tối ưu có thể ngăn chặn được dịch bệnh. 
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt việc vận chuyển, giết mổ trâu, bò trong vùng dịch, vùng dịch bị uy hiếp; xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy trâu, bò bệnh, trâu, bò chết; giết mổ trâu, bò bệnh, trâu, bò chết theo quy định của pháp luật.
Dịch viêm da nổi cục ngày càng lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.A
Dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò ngày càng lây lan mạnh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Q.A
Hiện nay, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra trên diện rộng với 17/21 địa phương có dịch, chỉ còn 4 huyện chưa xuất hiện dịch này là: Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông và Yên Thành. Tổng số trâu, bò mắc bệnh là 668 con ở 481 hộ chăn nuôi. Số trâu bò chết, buộc phải tiêu hủy 26 con, tổng trọng lượng 3,3 tấn.

Tin mới