Nghệ An: Đột phá trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT

(Baonghean) - Đồng chí Lê Trường Giang - Giám đốc BHXH Nghệ An trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

P.V: Năm 2016 là năm nhiều chính sách mới trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực thi hành. Đồng chí có thể cho biết một số kết quả nổi bật của ngành BHXH Nghệ An sau một năm thực hiện các chính sách mới này?

Thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu chính sách BHXH ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Đ.C
Thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu chính sách BHXH ở Nghĩa Đàn. Ảnh: Đ.C

Đồng chí Lê Trường Giang: Nghệ An là địa bàn rộng lớn, dân số đông, trong khi nội dung chính sách, chế độ về BHYT, BHXH được sửa đổi, bổ sung nhiều, điều kiện nguồn nhân lực ngành BHXH tỉnh và BHXH huyện  còn thiếu, trước tình hình đó, BHXH tỉnh xác định việc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến với đông đảo nhân dân và mọi người lao động là “khâu đột phá”. Không chỉ dừng lại ở việc phổ biến, tuyên truyền những điểm mới của chính sách, định hướng dư luận, giải quyết trực tiếp các vấn đề đối tượng đang băn khoăn; bức xúc, xây dựng hình ảnh tốt đẹp của ngành, công tác tuyên truyền còn hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động, người dân từ bắt buộc sang tự giác tham gia BHXH, BHYT; từ đó góp phần thúc đẩy việc tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHYT, nhất là trong điều kiện các chế tài xử lý vi phạm về BHXH, BHYT còn chưa đầy đủ và không đủ sức răn đe. 

Nhờ đó, tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 81,48% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (81%). Trong đó, một số nhóm đối tượng có tỷ lệ bao phủ cao như học sinh, sinh viên (95,82%)...; Tổng thu BHXH, BHYT, BHTN là 4.706.950 triệu đồng, đạt 103,77% dự toán BHXH Việt Nam giao, tăng 515.270 triệu đồng (tỷ lệ đạt tăng 2,89%) so với cùng kỳ năm 2015; Tổng số nợ toàn tỉnh tính đến ngày 31/12/2016 là 70.671 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 1,56% so với số phải thu theo kế hoạch BHXH Việt Nam giao, giảm 1,14% so với năm 2015. Một số nhóm đối tượng có tỷ lệ bao phủ vượt chỉ tiêu UBND tỉnh giao: nhóm đối tượng do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT (87,2%; vượt 0,2% so với chỉ tiêu giao) mặc dù trong năm 2016, số lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm nhiều; nhóm tham gia theo hộ gia đình (đạt 33,8%; vượt 4,8% so với chỉ tiêu giao)...  

P.V: Để đạt được kết quả trên, BHXH Nghệ An đã có những giải pháp “đột phá” gì trong công tác tuyên truyền, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trường Giang: Thứ nhất: Chúng tôi xác định nhóm đối tượng để xây dựng mục tiêu, giải pháp tuyên truyền, như đối với các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan nhà nước: Chúng tôi tuyên truyền để được chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách. Thông điệp truyền thông: BHXH, BHYT là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. 

Đối với người sử dụng lao động: Tuyên truyền những điểm mới của Luật BHXH liên quan đến việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, trách nhiệm, quyền lợi của người sử dụng lao động, các chế tài xử lý vi phạm, các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT quy định trong Bộ Luật Hình sự sửa đổi; tuyên truyền về công tác cải cách thủ tục hành chính của ngành. Thông điệp truyền thông: BHXH đồng hành cùng doanh nghiệp.

Đối với người lao động khu vực chính thức: Tuyên truyền về trách nhiệm, quyền lợi của người lao động, vai trò của tổ chức Công đoàn, những khó khăn và những giải pháp của cơ quan BHXH trong thực hiện nhiệm vụ thu, giải quyết chế độ BHXH. Thông điệp truyền thông: BHXH với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Ảnh: Đ.C
Tư vấn các chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương. Ảnh: BHXH

Đối với người lao động phi chính thức, học sinh, sinh viên: Tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ, chính sách hỗ trợ của Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đối với người tham gia BHXH tự nguyện, tham gia BHYT theo hộ gia đình, người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT; Học sinh, sinh viên... Trên cơ sở đó thông tin cụ thể về mức đóng, phương thức đóng, địa điểm đóng phí BHXH, BHYT cho từng nhóm đối tượng.

Thứ hai: Xác định hình thức tuyên truyền, truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng: Về truyền thông đại chúng: Đây là hình thức hướng tới tất cả các nhóm đối tượng. Trong năm 2016, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền trực quan bằng pano, băng rôn, phướn tuyên truyền vào từng thời điểm; BHXH tỉnh Nghệ An đã ký quy chế phối hợp với Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Nghệ An; ký hợp đồng tuyên truyền với Báo Lao động Nghệ An; Trang Thông tin nội bộ của Đảng ủy Doanh nghiệp, Ban Tuyên giáo Tỉnh, Thành, Thị ủy; Cổng Thông tin điện tử của tỉnh; Trang Thông tin nội bộ của các sở, ngành đều có link kết nối với trang Thông tin điện tử BHXH tỉnh... Trong hình thức tuyên truyền này, một vấn đề được quan tâm là mối quan hệ với các cơ quan báo chí. BHXH Nghệ An phân công một Phó Giám đốc làm người phát ngôn báo chí. Bên cạnh việc cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan báo chí, nhà báo thì chúng tôi chủ động cung cấp, chủ động đề nghị các nhà báo viết bài, đưa tin về lĩnh vực hoạt động của ngành. 

Về truyền thông hướng tới nhóm đối tượng: Đối với giải pháp này đòi hỏi phải có sự quan tâm đặc điểm của nhóm để xây dựng và thực hiện các giải pháp tuyên truyền. Cụ thể như: Đối với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể: Hình thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua chế độ báo cáo: Bằng văn bản, qua các phiên họp thường kỳ, các hội nghị, hội nghị báo cáo viên, hội nghị tập huấn do các sở, ngành, đoàn thể tổ chức. Đối với người sử dụng lao động: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại doanh nghiệp, qua các buổi làm việc giữa cán bộ BHXH với đơn vị. Đối với các đơn vị nợ BHXH, BHYT: Ngoài các hình thức thông thường, BHXH tỉnh còn tổ chức tuyên truyền tại các buổi làm việc giữa Thanh tra lao động, BHXH và đơn vị nợ (tổ chức định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 phiên làm việc), như chế tài xử lý, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết hợp tuyên truyền các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đóng BHXH, BHYT. 

Đặc biệt, đối với người lao động khu vực phi chính thức; học sinh, sinh viên: Bên cạnh việc tổ chức hàng trăm cuộc tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với nhân dân, người lao động ngay tại địa phương; Ban Giám hiệu nhà trường, học sinh, sinh viên, phụ huynh ngay tại trường học; thông qua hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội đồng đội để thực hiện công tác tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu, diễn đàn thanh thiếu niên do nhà trường tổ chức; BHXH tỉnh, huyện đã phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức các Hội thi bằng hình thức sân khấu hóa. 2 Hội thi “Nông dân với chính sách BHXH, BHYT” được tổ chức tại Hưng Nguyên, Nghi Lộc đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nhiều tác phẩm sân khấu với sự dàn dựng, đầu tư công phu đã phản ánh một cách rõ nét ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH, BHYT và quá trình triển khai thực hiện tại địa phương. Các Hội thi Tìm hiểu chính sách BHYT trong học sinh, sinh viên bằng hình thức sân khấu hóa được tổ chức tại 4 địa phương có tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt thấp, như “Tuổi trẻ Thanh Chương với chính sách BHYT”; “Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu chính sách BHYT trong học sinh, sinh viên” tại Diễn Châu, Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai đã có sức lan tỏa, đem lại hiệu ứng tuyên truyền rõ nét.

Thứ ba: Huy động nguồn lực và tận dụng các lợi thế cho công tác tuyên truyền. Trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền và dự toán kinh phí tuyên truyền BHXH Việt Nam giao, BHXH Nghệ An đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, lập danh mục công việc tuyên truyền, phân khai kinh phí cho từng công việc, từng đơn vị thực hiện. Cùng với việc bố trí kinh phí, giao văn phòng chủ trì tham mưu, khi tổ chức hoạt động tuyên truyền phân công lãnh đạo các phòng nghiệp vụ tham gia về nội dung... Bên cạnh phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của ngành, BHXH tỉnh đã tận dụng lợi thế của các đơn vị phối hợp để thực hiện công tác tuyên truyền. Xem đây là giải pháp trọng yếu nhằm huy động sức mạnh, nhân lực, kỹ năng truyền thông của các ngành vào cuộc với phương châm “mỗi cán bộ viên chức các ngành là một tuyên truyền viên đem chính sách BHXH, BHYT đến với nhân dân và mọi người lao động”...

Với những giải pháp tuyên truyền cụ thể, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, các địa phương, công tác tuyên truyền của BHXH tỉnh trong năm đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng thiết thực, hiệu quả, tần suất thông tin cao, phạm vi thông tin rộng rãi hơn, các hình thức tuyên truyền trực tiếp tới tận người dân và người lao động được đẩy mạnh, đã có một số hoạt động tuyên truyền tạo được dấu ấn đậm nét trong đông đảo các tầng lớp nhân dân; góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn ngành, góp phần tăng diện bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh.

P.V: Từ thực tiễn ở Nghệ An, để công tác tuyên truyền của ngành BHXH ngày càng phát huy hiệu quả, đồng chí có kiến nghị gì?

Đồng chí Lê Trường Giang: Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ được giao, để công tác tuyên truyền phát huy được hiệu quả cao trong thời gian tới, BHXH Nghệ An có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất: Nghiên cứu cho thành lập phòng Tuyên truyền thuộc BHXH tỉnh, tăng biên chế làm công tác tuyên truyền tại BHXH các huyện, thành phố thị xã thực hiện chức năng về công tác tuyên truyền và hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động, người dân trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Thứ hai: Nghiên cứu những tổ chức các sự kiện như Lễ phát động toàn dân tham gia BHYT; đồng thời nghiên cứu tổ chức hoạt động truyền thông huy động nguồn kinh phí để hỗ trợ kinh phí cho người lao động khu vực phi chính thức đóng BHXH, BHYT.  

P.V: Cảm ơn đồng chí!

Đức Chuyên (Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới