Nghệ An dừng tổ chức lễ hội đến hết tháng 3 âm lịch

(Baonghean.vn) - Ngoài tạm dừng các lễ hội, UBND tỉnh cũng yêu cầu phải hạn chế tối đa số người tham gia cùng thời điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ, giỗ chạp, các hoạt động vui chơi giải trí.

Ngày 14/1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đã ký văn bản về việc tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động văn hóa, thể thao đảm bảo đón tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành, thị.

Theo đó, UBND yêu cầu tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội trước, trong và sau tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ tháng 1 Âm lịch đến hết tháng 3 Âm lịch) và bắn pháo hoa nổ trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần trên địa bàn tỉnh. Hạn chế tối đa tổ chức các sự kiện và hoạt động văn hóa, thể thao tập trung đông người. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên phát huy vai trò làm gương, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đề cao cảnh giác, thực hiện yêu cầu phòng chống dịch.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật; thường xuyên cảnh báo để người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận trong xã hội để người dân vui Xuân, đón Tết trong trạng thái bình thường mới.

Lễ hội Đền Cờn năm 2019. Ảnh tư liệu
Lễ hội Đền Cờn năm 2019. Ảnh tư liệu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh tại địa phương, tổ chức các hoạt động tại bảo tàng, di tích, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn nghệ thuật, thể thao theo Văn bản số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID -19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các di tích lịch sử văn hóa theo quy định.

Tổ chức trang trí, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, tập trung về chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc; ca ngợi Đảng, Bác Hồ; ca ngợi những thành tựu sự nghiệp đổi mới của đất nước và của tỉnh, mừng Đảng, mừng Xuân tại trung tâm các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn, khu dân cư; tạo không khí đón Tết đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và địa phương.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu phải hạn chế tối đa số người tham gia cùng thời điểm trong tổ chức việc cưới, việc tang, tảo mộ, mừng thọ, giỗ chạp, các hoạt động vui chơi giải trí... Vận động các hộ gia đình giảm thiểu quy mô, hạn chế tối đa số lượng khách đến dự, phục vụ; khuyến khích các gia đình dùng hình thức báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới, tiệc cưới; thực hiện nghiêm 5K. Hạn chế tối đa tổ chức hoặc tổ chức quy mô phù hợp các sự kiện của mỗi gia đình, đơn vị, cộng đồng, xã hội đảm bảo phù hợp với quy định của ngành Y tế tại địa bàn theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong các hoạt động văn hóa, thể thao trước, trong và sau tết Nguyên đán; đảm bảo phục vụ nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của dân tộc và tình hình dịch bệnh COVID-19 của từng địa phương.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An phải dừng các hoạt động lễ hội dịp đầu năm mới vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mỗi năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn 30 lễ hội, trong đó khoảng 20 lễ hội tập trung trong khoảng tháng 1 đến tháng 3 Âm lịch./.

Tin mới