Nghệ An: Đường hoàn thành 8 năm, dân chưa nhận hết tiền đền bù

(Baonghean.vn) - Tuyến đường giao thông Hạnh Dịch – Mường Đán (xã Hạnh Dịch, Quế Phong) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Nhưng 8 năm trôi qua, hàng chục hộ dân nơi đây vẫn chưa được nhận đầy đủ tiền đền bù dù trước đó đã hồ hởi nhường đất thực hiện dự án.

Thông qua đường dây nóng của Báo Nghệ An, người dân xã Hạnh Dịch phản ánh, dự án đường giao thông Hạnh Dịch – Mường Đán (tại xã Hạnh Dịch, Quế Phong) được triển khai và hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến nay nhiều hộ dân trong diện bị thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vẫn chưa được nhận hết tiền đề bù GPMB. Việc nợ kinh phí đền bù GPMB của dự án đã làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Ông Lô Văn Long (trú bản Cóng, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong), một trong những gia đình bị ảnh hưởng một phần diện tích đất nhà nằm trong quy hoạch đường giao thông Hạnh Dịch – Mường Đán cho biết, sau khi được chính quyền địa phương giải thích, vận động, ông đã nhường đất cho dự án triển khai. Đến nay, con đường đã bàn giao đưa vào sử dụng 8 năm nay nhưng gia đình ông vẫn chưa nhận được hết tiền đền bù .

Tuyến đường mặc dù hoàn thành đã 8 năm nhưng đến nay vẫn còn 24 hộ chưa nhận đầy đủ tiền đền bù. Ảnh: P.B
Tuyến đường mặc dù hoàn thành đã 8 năm nhưng đến nay vẫn còn 24 hộ chưa nhận đầy đủ tiền đền bù. Ảnh: P.B

Trường hợp của gia đình ông Long không phải là duy nhất. Trên địa bàn xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong có 135 hộ dân đã nhường đất để thực hiện dự án nhưng đến nay vẫn còn 24 hộ dân ở các bản Khốm, Chăm Pụt, Mứt, Cóng, Na Cày... chưa được nhận đầy đủ tiền đền bù đất và tài sản trên đất.

Tréo nghoe hơn, do đã đưa vào sử dụng một thời gian dài nên nhiều điểm trên tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp. Nhiều đoạn bị bong tróc, đá nổi lên trên mặt đường khiến việc đi lại của người dân trên tuyến đường gặp khó khăn.

Nhắc đến vấn đề này, ông Lương Tiến Lê – Chủ tịch UBND xã Hạnh Dịch lắc đầu cho biết, bà con cũng nhiều lần đến hỏi xã, trong nhiều lần họp HĐND, tiếp xúc cử tri cũng chất vấn, xã cũng kiến nghị lên các cấp nhưng chưa được giải quyết. Đa số các hộ chưa nhận được hết tiền đền bù đều là hộ nghèo.

“Mong muốn của bà con là sớm được chi trả tiền đền bù phần tài sản bị ảnh hưởng dự án bởi đây là quyền lợi chính đáng của người dân”, ông Lê nói.

Dự án đường giao thông Hạnh Dịch – Mường Đán được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4855 ngày 17/12/2004 với tổng mức đầu tư hơn 27,5 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Dự án được bố trí từ nguồn vốn xin tài trợ, hỗ trợ của tổ chức JICA; ngân sách nhà nước đầu tư vốn đối ứng và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trên tuyến đường, nhiều điểm đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: P.B
Trên tuyến đường, nhiều điểm đã hư hỏng, xuống cấp. Ảnh: P.B

UBND huyện Quế Phong chịu trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2007, hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2010.

Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án là 135 hộ, với kinh phí được phê duyệt bồi thường là gần 1,5 tỷ đồng. Đến nay, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng mới được bố trí hơn 620 triệu đồng. Số tiền giải phóng mặt bằng vẫn còn nợ người dân là hơn 860 triệu đồng.

Bà Lô Thị Nguyệt - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Quế Phong cho biết, dự án được triển khai xây dựng bằng vốn Jica Nhật Bản, còn đối với các kinh phí khác như; đền bù giải phóng mặt bằng, tiền rà phá bom mìn, giám sát…là từ nguồn ngân sách tỉnh.

“Khi dự án triển khai, người dân hết sức đồng thuận nhường đất cho dự án triển khai xây dựng. Tuy nhiên, do nguồn vốn từ ngân sách tỉnh chưa được bố trí để chi trả đền bù cho bà con. Huyện cũng đã nhiều lần kiến nghị lên tỉnh đề nghị sớm bố trí nguồn vốn này nhưng vẫn chưa được giải quyết”, bà Nguyệt nói.

Huyện Quế Phong cũng khẳng định, đây là thiệt thòi cho bà con khi dự án đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng khá lâu, có nơi xuống cấp nhưng vẫn chưa được nhận tiền đền bù.

“Năm tới đây (2019), huyện cũng xin tỉnh đưa vào danh mục được cấp vốn trong lĩnh vực đầu tư công nhưng không được duyệt nên cũng chưa có ngân sách để chi trả cho bà con. Ngân sách của huyện thu không đủ bù chi, luôn thiếu hụt nên cũng khó có nguồn để chi trả", bà Lô Thị Nguyệt - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Quế Phong và cho biết thêm, vừa qua, UBND huyện cũng đã kiến nghị với Hội đồng nhân dân huyện sẽ tiết kiệm chi phí để có một phần nào đó tiền trả cho người dân trong thời gian tới nhưng cũng không biết khi nào đủ được.

Lãnh đạo huyện Quế Phong cho rằng, quan điểm của huyện là luôn ưu tiên mọi nguồn vốn để bố trí đền bù đảm bảo quyền lợi cho bà con. Huyện cũng áp giá đền bù thời điểm mới nhất để người dân không bị thiệt thòi, nhưng cái khó vẫn là chưa thể bố trí được nguồn vốn.

Và như vậy, người dân vẫn phải chờ... chưa biết đến khi nào được nhận tiền đền bù./.

Tin mới