Nghê An: Gần 43% cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh là phụ nữ

(Baonghean.vn) - Cần quan tâm và có cơ chế chính sách riêng cho nữ giới, đặc biệt là đối tượng như công nhân nữ, phụ nữ nông thôn và trẻ em gái…là một trong những vấn đề được đặt ra tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Thi hành Luật Bình đẳng giới được tổ chức vào sáng 19/10.

Đồng chí Lê Minh Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Bằng Toàn - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc sở Lao động Thương binh và Xã hội chủ trị hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Minh Sinh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy.


Rút ngắn khoảng cách về giới

Đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng từ khi Luật Bình đẳng giới ra đời, tập trung chính trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, gia đình.

Đồng chí Lê Minh Thông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Hà
Đồng chí Lê Minh Thông yêu cầu:  "Các cấp, ngành cần rà soát tình hình cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở các cấp cơ sở để tăng cường tham mưu giới thiệu nhân sự trong các cơ quan, đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia vào các vị trí lãnh đạo". Ảnh: Mỹ Hà

Taị Nghệ An, sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới đã có 16 chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011-2015, 2016-2020 đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Nổi bật như, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, tỷ lệ các sở, ban, ngành và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, tỷ lệ nam, nữ được tạo việc làm mới, tỷ lệ nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật; bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới...

Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới vấn đang có những  bất cập do cơ chế, chính sách chưa thích hợp. Cụ thể, trong công tác cán bộ, ông Lê Đình Lý, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Hiện quy định về tuổi bổ nhiệm lần đầu chức danh phó trưởng phòng cấp huyện và tương đương đối với cán bộ nữ còn bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế. Quy định còn phân biệt đội tuổi giữa nam và nữ, làm giảm cơ hội của nữ cán bộ, chưa tạo được môi trường phấn đấu bình đẳng với nam.

Phụ nữ xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) tham gia dệt thổ cẩm phát triển kinh tế. Ảnh: Mỹ Hà
Phụ nữ xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) tham gia dệt thổ cẩm phát triển kinh tế. Ảnh: Mỹ Hà

Báo cáo tại hội nghị tổng kết, ông Vi Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định trong Luật Bình đẳng giới. Trong đó, một trong những nguyên nhân chính là chưa có chế tài đủ mạnh để bắt buộc các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ nữ trong các cơ quan đơn vị.

Ngoài ra, nhiều địa phương còn thiếu sự quan tâm, đầu tư nguồn lực cho các hoạt động bình đẳng giới; nguồn lực đầu tư cho công tác bình đẳng giới chưa nhiều đặc biệt là trên lĩnh vực đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; một số bộ phận chị em còn tự ti, tâm lý an phận, chưa mạnh dạn phấn đấu vươn lên để tạo được niềm tin…

Xây dựng các chính sách ưu tiên về bình đẳng giới

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, nhận thức về giới và bình đẳng giới của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng được nâng cao. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện lồng ghép có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới vào kế hoạch phát triển của tỉnh đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn có những bước tăng trưởng đáng ghi nhận. 

Trong những năm tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi Luật Bình đẳng giới, công tác bình đẳng giới và hoạt động VSTBPN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng , chính quyền đối với công tác bình đẳng giới.

Ngoài ra, cần rà soát tình hình cán bộ nữ tham gia lãnh đạo các cấp, các ngành để tăng cường tham mưu giới thiệu nhân sự trong các cơ quan, đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp...

Nghiên cứu tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2020 và các chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, trong đó quan tâm đến các đối tượng như công nhân nữ, phụ nữ nông thôn và trẻ em gái…

Đồng chí Lê Minh Thông và Nguyễn Bằng Toàn tặng hoa cho các đại biểu nhân dịp Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10 (ảnh: Mỹ Hà)
Đồng chí Lê Minh Thông và Nguyễn Bằng Toàn tặng hoa cho các đại biểu nhân Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20 - 10 (ảnh: Mỹ Hà)


Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bình đẳng giới và kịp thời nắm bắt các thông tin, tình hình thực hiện công tác này để có biện pháp khắc phục hoặc kiến nghị, đề xuất giải quyết.

Theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và xã hội: Hiện, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy Đảng ở cấp tỉnh chiếm 11,30%; cấp huyện 16,66%; cấp xã 20,6%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khoá XIV đạt 30,8%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu HĐND cấp tỉnh chiếm 27,5%, cấp huyện là 29,2%, cấp xã 28,1%; tỷ lệ các sở, ban, ngành và UBND các cấp có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ cấp tỉnh đạt 42,86%, cấp huyện 76,19%, cấp xã 34,38%.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới