Nghệ An: Gắp thành công dị vật trong đường thở bé trai 26 tháng tuổi

(Baonghean.vn) - Ngậm đồ chơi là cái còi kèn nhựa và vô tình nuốt vào miệng, bé trai 26 tháng tuổi rơi vào trạng thái tím tái, khó thở và nguy kịch.

Vào tối 26/3, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi Hồ Nghĩa Anh Bình ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) nhập viện với tình trạng mệt, tím tái, khó thở, khi thở có tiếng còi kêu và được bác sỹ Khoa Tai - Mũi - Họng chẩn đoán bị hóc dị vật đường thở.

Chiếc còi kèn sau khi được lấy ra khỏi đường thở của bé Anh Bình. Ảnh do bệnh viện cung cấp
Chiếc còi kèn sau khi được lấy ra khỏi đường thở của bé Anh Bình. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Kíp phẫu thuật là bác sỹ Đinh Xuân Hương, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng và bác sỹ Trịnh Thanh Hưng - bác sỹ điều trị cho biết: “Sau khi hội chẩn, kíp mổ đã quyết định dùng phương pháp gây mê tĩnh mạch nội soi phế quản để gắp dị vật ra. Sau khi gắp dị vật trong đường thở, bé Anh Bình dần phục hồi sức khỏe và đang được theo dõi tích cực”.

Sau khi lấy được dị vật, chức năng hô hấp của bé được phục hồi nhanh, bé Anh Bình đã tỉnh táo, đã ăn được cháo và uống sữa.

Cán bộ y tế đang thăm khám lại sức khỏe cho cháu Anh Bình sau khi gắp dị vật. Ảnh Thúy Hiền
Cán bộ y tế thăm khám sức khỏe cho cháu Anh Bình sau khi gắp dị vật. Ảnh: Thúy Hiền

Trước tình trạng hóc dị vật ở trẻ có tình trạng gia tăng và gây nguy hiểm đến tính mạng, bác sỹ Đinh Xuân Hương  khuyến cáo: Dị vật đường thở và đường ăn rất hay gặp ở trẻ nhỏ, chiếm tỷ lệ 90% trẻ dưới 4 tuổi. Lỗi không phải do trẻ mà chính là ở những phụ huynh bất cẩn. Phụ huynh nên cảnh giác với đồ chơi kích thước nhỏ như đồng xu, bi, pin đồng hồ dạng tròn, bút hoặc nắp bút, bánh xe của đồ chơi cao su có kích thước nhỏ, hạt xâu chuỗi, cúc áo, nắp chai nhựa… là những thứ vừa miệng, nên trẻ hay ngậm và dễ gây ra hóc, mắc.

Nguyên tắc bố mẹ cần tránh để trẻ không bị hóc, mắc dị vật: 

- Không cho trẻ chơi những đồ chơi có kích thước nhỏ mà trẻ có thể ngậm và nuốt được; không để đồng xu, các mảnh vụn đồ chơi, vật tròn, nhỏ ở nơi dễ thấy và dễ lấy; tháo pin ra khỏi đồ chơi… Và nhất là đặt trẻ trong tầm quan sát của cha mẹ và người trông coi.

- Nếu dị vật rơi vào thanh quản sẽ làm trẻ khàn tiếng, ho. Rơi vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn vì dị vật di động trong khí quản. Nếu dị vật rơi vào phế quản sẽ gây khó thở giống như viêm phế quản hay viêm phổi. Tình trạng này rất dễ nhầm khi chẩn đoán bệnh. Vì thế, phụ huynh phải cho bác sĩ  biết trẻ đã ngậm vật gì trước khi có các triệu chứng trên xuất hiện. Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.

- Việc sơ cứu trẻ khi mắc dị vật ở nhà trong một số trường hợp là cần thiết, nhưng chỉ khi trẻ bị hóc, sặc nhẹ. Những lúc này chỉ cần vỗ lưng, ấn ngực để trẻ nôn hoặc nhổ dị vật ra.

- Với những trường hợp trẻ nuốt dị vật làm ngưng thở, tím tái, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn giúp trẻ dễ thở hơn rồi đưa đến bệnh viện chuyên khoa để bác sĩ có chuyên môn lấy ra. Tuyệt đối không dùng tay hay bất cứ vật dụng gì lấy dị vật ra, vì như thế vô tình lại đẩy sâu dị vật vào bên trong, chưa kể làm trầy xước hầu họng, gây xuất huyết khiến trẻ khó thở hơn./.

                                       Thúy Hiền

TIN LIÊN QUAN

Tin mới