Nghệ An gỡ 'điểm nghẽn', phát triển nhanh dịch vụ logistics

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Nhằm cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế, Nghệ An đã và đang nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết yếu. Một trong những ưu tiên hàng đầu là từng bước tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và kết nối, phát triển dịch vụ logistics xứng tầm trung tâm của khu vực.

Gỡ điểm nghẽn

Không phải ngẫu nhiên mà tại các diễn đàn về thu hút đầu tư vào Nghệ An, cùng với chỉ số tiếp cận đất đai thì chất lượng dịch vụ logistics là một trong những điểm nghẽn, nút thắt. Ngay tại hội thảo về giải pháp cải thiện chỉ số PCI Nghệ An giữa tháng 10 năm 2022, chuyên gia Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban pháp chế, Tổng thư ký Phòng thương mại CN Việt Nam VCCI đã thẳng thắn chỉ ra: Kinh tế thế giới đang hội nhập và ngày càng phẳng hơn, các nhà đầu tư FDI khi xem xét đầu tư rất coi trọng yếu tố hạ tầng.

Sở dĩ Nghệ An vẫn chưa thu hút được “đại dự án” về FDI là vì tỉnh ở khá xa các cực tăng trưởng kinh tế, hạ tầng giao thông kết nối giữa Khu công nghiệp với cảng biển, sân bay, ga đường sắt còn nhiều bất cập, yếu kém; các ngành công nghiệp phụ trợ, trong đó bao gồm cả dịch vụ logistics chưa phát triển nên chưa trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhà đầu tư lớn.

Đội tàu đánh cá đang neo đậu gần cảng Cửa Lò hiện là điểm nghẽn, gây khó cho các tàu container quốc tế vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hải

Đội tàu đánh cá đang neo đậu gần cảng Cửa Lò hiện là điểm nghẽn, gây khó cho các tàu container quốc tế vào cập cảng bốc dỡ hàng hóa. Ảnh: Nguyễn Hải

Quan điểm trên một lần nữa được đại diện Công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ tại diễn đàn tháo gỡ khó khăn dịch vụ vận tải biển hậu Covid-19 do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức mà Nghệ An là một điểm cầu tham dự.

Theo đó, nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển này cho rằng hội nhập kinh tế toàn cầu nên một kiện hàng đóng container không chỉ phục vụ cho vận chuyển bằng tàu thủy mà còn bằng đa phương thức. Cụ thể, nếu chọn chi phí cước rẻ nhất thì đi bằng tàu biển, nhưng khi cần cũng có thể vận chuyển tăng bo bằng đường bộ hoặc đường sắt. Vì vậy, hạ tầng bốc dỡ, dịch vụ logistics phải được đầu tư tương ứng và kết nối với nhau.

Với lợi thế đi trước, hạ tầng được đầu tư bài bản, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Singapore, Malaysia, Hồng Kông… và trong nước là Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… đã vươn lên trở thành trung tâm dịch vụ logistics của khu vực và quốc tế. Công nghiệp dịch vụ logistics trở thành "con gà đẻ trứng vàng". Tại Nghệ An, mặc dù có một số lợi thế nhất định nhưng do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, năng lực bốc dỡ hàng hóa của cảng biển còn một số hạn chế, dịch vụ logistics phát triển chưa tương xứng nên dù cố gắng nhưng cái khó bó cái khôn.

Tàu vào bốc hàng tại cảng Cửa Lò. Mặc dù đã nỗ lực cố gắng để tạo điều kiện làm thủ tục nhanh, thuận lợi, nhưng các Công ty xuất, nhập khẩu vẫn mong muốn có một Trung tâm dịch vụ logistics riêng để làm thủ tục cho các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Tàu vào bốc hàng tại cảng Cửa Lò. Mặc dù đã nỗ lực cố gắng để tạo điều kiện làm thủ tục nhanh, thuận lợi, nhưng các Công ty xuất, nhập khẩu vẫn mong muốn có một Trung tâm dịch vụ logistics riêng để làm thủ tục cho các doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Mới đây, sau khi lần đầu tiên đón tàu quốc tế chở 1000 TEU (đơn vị container) cập cảng Cửa Lò, để kết nối, thúc đẩy hàng hóa lưu thông, xuất khẩu qua cảng Cửa Lò, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp với Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh tổ chức hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy hàng container qua cảng Cửa Lò với gần 200 doanh nghiệp xuất khẩu tham gia.

Tại diễn đàn, đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chia sẻ kế hoạch kết nối, mở tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh của mình và hỗ trợ tỉnh thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, Tổng Công ty vẫn lo ngại là lượng hàng hóa không đủ 300-500 container/tuần, chất lượng dịch vụ logistics và kho bãi chưa đảm bảo.

Tàu hàng từ 10.000 -15.000 tấn thường xuyên vào cập cảng bốc hàng tại Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Tàu hàng từ 10.000 -15.000 tấn thường xuyên vào cập cảng bốc hàng tại Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Lo lắng trên của các nhà vận tải là có cơ sở khi dây chuyền, trang thiết bị lắp đặt nhà xưởng của các doanh nghiệp FDI về Nghệ An đều qua cảng Hải Phòng thay vì Cửa Lò. Bên cạnh đó, do số lượng container hàng còn ít nên các doanh nghiệp phải tìm đối tác gom đủ container thì tàu mới xuất bến đúng lịch. Kết nối, mở tuyến vận tải quốc tế bằng container cập cảng Cửa Lò hàng tuần không chỉ là mong muốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư mà là hiện thực hóa quyết tâm gỡ điểm nghẽn của tỉnh.

Logistics - ngành kinh tế của tương lai

Nhận rõ điểm nghẽn trên và nhận thấy dịch vụ logistics là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng, tháng 8 năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cùng với ưu tiên, đầu tư kinh phí để nạo vét, nâng công suất bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cửa Lò… Nghệ An đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy hoạch đầu tư cảng nước sâu Nghi Thiết (Nghi Lộc); cho áp dụng cơ chế huy động vốn theo hình thức công - tư kết hợp để đầu tư nâng cấp Nhà ga T2 và hạ tầng đường băng để nâng công suất vận chuyển hàng khách và hàng hóa qua cảng lên gấp đôi hiện nay.

Nạo vét thường xuyên cảng Cửa Lò đảm bảo độ sâu từ 9-10,5 m để đảm bảo cho tàu đến 15.000 tấn ra vào thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải

Nạo vét thường xuyên cảng Cửa Lò đảm bảo độ sâu từ 9-10,5 m để đảm bảo cho tàu đến 15.000 tấn ra vào thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp đó, nhằm tạo điều kiện cho Nghệ An, Trung ương cũng đồng ý để tỉnh có cơ chế huy động nguồn lực khai thác quỹ đất giải phóng mặt bằng, đầu tư làm đường nối từ Quốc lộ 7C (đường N5) về cảng Cửa Lò. Các chính sách hỗ trợ cho dự án này đã được HĐND tỉnh thông qua. Trước đó, để tăng cường khả năng kết nối, liên vận giữa đường sắt và đường bộ với cảng Cửa Lò, tỉnh Nghệ An đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty Đường sắt nâng cấp ga Nghi Long (Nghi Lộc) nhằm phục vụ chuyên chở hàng hóa từ các KCN Nam Cấm, WHA, VSIP về cảng Cửa Lò được thuận lợi.

Đường N5 (Quốc lộ 7C) sau khi có cầu vượt đường sắt về cảng Cửa Lò sẽ giúp kết nối KCN WHA với cảng và tăng chất lượng dịch vụ logistics cho tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Đường N5 (Quốc lộ 7C) sau khi có cầu vượt đường sắt về cảng Cửa Lò sẽ giúp kết nối KCN WHA với cảng và tăng chất lượng dịch vụ logistics cho tỉnh. Ảnh: Nguyễn Hải

Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam đang quy hoạch các khu phi thuế quan, hệ thống kho bãi để từng bước hình thành Trung tâm dịch vụ logistics khu vực Bắc miền Trung tại Nghệ An để kết nối hàng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ và tuyến Đông Bắc Thái Lan- Lào về qua cảng Cửa Lò.

Theo các chuyên gia, cùng với hội nhập và số hóa nền kinh tế, dịch vụ logistics không chỉ là một chỉ số thành phần để thu hút đầu tư là một ngành kinh tế của tương lai. Không phải ngẫu nhiên mà mấy năm lại đây, các thương hiệu lớn, mỗi năm doanh thu hàng tỷ USD đều gắn liền với tên tuổi và uy tín của Tập đoàn thương mại điện tử chuyên vận chuyển và dịch vụ logistics thế giới. Tương tự, tại Việt Nam đã có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và thành công từ dịch vụ logistics.

Hạ tầng đường N2 nối Quốc lộ 1A với KCN Thọ Lộc, huyện Diễn Châu thuộc Khu kinh tế Đông Nam đã cơ bản xong và đang kêu gọi nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Hải

Hạ tầng đường N2 nối Quốc lộ 1A với KCN Thọ Lộc, huyện Diễn Châu thuộc Khu kinh tế Đông Nam đã cơ bản xong và đang kêu gọi nhà đầu tư. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhận thấy tiềm năng này, từ tháng 5/2020, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã đầu tư và đưa vào vận hành Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực Bắc miền Trung tại KCN VSIP. Sự kiện này có ý nghĩa trong việc đưa Nghệ An trở thành Trung tâm vận tải hàng hóa và dịch vụ logistics khu vực. Với diện tích lên tới 21.600m2, hệ thống dây chuyền chia chọn tự động công suất 12.000 kiện/giờ, độ chính xác cao, nhiều chế độ chia chọn chi tiết đến từng bưu cục. Hoạt động giao nhận, vận chuyển được thực hiện thông qua phương thức giao nhận bằng xe lồng lưới đã giảm thời gian giao nhận, nâng cao hiệu suất của phương tiện, giảm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng.

Thi công lắp đặt hạ tầng điện cho KCN WHA tại xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Hải

Thi công lắp đặt hạ tầng điện cho KCN WHA tại xã Nghi Thuận (Nghi Lộc). Ảnh: Nguyễn Hải

Thế giới đang bước vào thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương và dịch vụ logistics. Thành phố Vinh với tư cách là đô thị, cực tăng trưởng phía Nam của Nghệ An đang phát triển theo hướng khai thác lợi thế về cảng biển và phát triển du lịch biển Cửa Lò, TX Hoàng Mai - Quỳnh Lưu là cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh cần đi theo định hướng này và không nên bỏ lỡ lợi thế này. Với việc phát triển dịch vụ logistics ở phía Bắc, Nghệ An sẽ tận dụng được lợi thế sẵn có về hạ tầng cảng biển nước sâu Đông Hồi- Hoàng Mai, qua đó đưa hàng hóa từ cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh với thị trường lớn thế giới; đồng thời khai thác hiệu quả lợi thế so sánh của vùng kinh tế động lực Nam Thanh - Bắc Nghệ để thúc đẩy, chuyển dịch nhanh cơ cấu nền kinh tế.

KTS Trần Ngọc Chính- Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội kiến trúc quy hoạch đô thị Việt Nam

Tin mới