Nghệ An góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

(Baonghean.vn) - Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), ý kiến các đại biểu đồng ý phương án giao Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; có nhận xét về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động ở địa phương.

Chiều 10/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Ảnh: Đ.C

Đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Ảnh: Đ.C

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cần thiết, nhằm bảo vệ tốt hơn cho người lao động làm việc ở nước ngoài, đảm bảo phù hợp quan điểm, đường lối của Đảng về vấn đề việc làm ngoài nước đối với người lao động Việt Nam.

Hội nghị đã dành thời gian đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật (sửa đổi). Theo đó, tập trung vào các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của luật, đối tượng áp dụng, chính sách của nước ngoài về người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, thời hạn giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về tiền dịch vụ, về quỹ hỗ trợ việc làm nước ngoài, trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Ảnh: Đ.C
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội góp ý tại hội nghị. Ảnh: Đ.C

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, hiện nay số lao động của tỉnh đang làm việc ở các nước hơn 60 nghìn người, hàng năm số kiều hối lao động này gửi về nước khoảng hơn 500 triệu USD. Qua đó, góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng bộc lộ những bất cập nhất định như điều kiện liên quan đến việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ cho các doanh nghiệp, quy định về khu vực, ngành nghề và công việc bị cấm ở nước ngoài...

Ảnh: Đ.C
Tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn. Ảnh tư liệu

Bởi vậy, cùng với ý kiến của nhiều đại biểu, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, về đối tượng áp dụng tại điều 2 và điều 5, đồng ý với phương án giao Trung tâm Dịch vụ việc làm do UBND tỉnh thành lập thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Hồ sơ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại khoản b, điểm 2, điều 46, đề nghị sửa đổi sơ yếu lý lịch của người lao động có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú và có nhận xét về đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật của người lao động ở địa phương.

Ảnh: Đ.C
Đại diện Sở Nội vụ phát biểu. Ảnh: Đ.C

Ngoài ra, các đại biểu còn thảo luận về quyền tham gia tổ chức đại diện người lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các hành vi bị cấm, về công bố niêm yết giấy phép, nộp lại giấy phép, thu hồi giấy phép, về chuẩn bị nguồn lao động, về đăng ký cung ứng nguồn lao động, tiền ký quỹ của người lao động; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp...

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời sẽ tổng hợp ý kiến để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tin mới