Nghệ An: Hạn hán nặng, xâm nhập mặn đe dọa sản xuất Hè thu

(Baonghean) - Nắng nóng gay gắt từ đầu mùa đã khiến nhiều hồ đập ở Nghệ An cạn kiệt nước. Nguy cơ hạn hán nặng và xâm nhập mặn là những thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi cần có giải pháp cấp bách phòng, chống ngay từ đầu vụ sản xuất Hè thu.
Nhiều hồ đập không tích đủ nước
Trước vụ sản xuất hè thu, lượng nước trong hồ Khe Dứa (TX Thái Hòa) hiện chỉ còn chưa đầy 50% dung tích. Với dung tích 0,5 triệu m3, hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 60 ha lúa xã Nghĩa Thuận.
Ông Hoàng Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phủ Quỳ lo ngại: Không tích đủ nước, nguồn nước xuống thấp so với trung bình nhiều năm là tình trạng chung của nhiều hồ đập trên địa bàn ngay từ khi chưa bước vào thời kỳ cao điểm phục vụ nước tưới cho sản xuất hè thu.
Hồ chứa nước Vệ Vừng ở xã Đồng Thành (Yên Thành) cạn kiệt, thậm chí có một số khu vực lòng hồ cỏ đã mọc xanh. Ảnh tư liệu: Văn Trường
Hồ chứa nước Vệ Vừng ở xã Đồng Thành (Yên Thành) cạn kiệt, thậm chí có một số khu vực lòng hồ cỏ đã mọc xanh. Ảnh tư liệu: Văn Trường

Nếu thời gian tới không có mưa bổ sung thì sẽ rất khó đảm bảo đủ nước cho sản xuất, vì khi nguồn nước xuống đến dưới mực nước chết, sẽ không có biện pháp gì có thể bổ sung nguồn nước để tưới cho các diện tích lúa khô hạn.

Vụ Hè thu 2019, nhiều diện tích ở Nam Đàn đã phải gặt non vì mất mùa do hạn hán. Ảnh: Phú Hương
Vụ hè thu 2019, nhiều diện tích ở Nam Đàn đã phải gặt non vì mất mùa do hạn hán. Ảnh: Phú Hương
Nghệ An hiện có hơn 1.060 hồ đập, 615 trạm bơm và 5.950 km kênh mương. Trong đó, doanh nghiệp quản lý 96 hồ và địa phương quản lý 965 hồ. Tính đến ngày 8/5, trong 96 hồ do doanh nghiệp quản lý hiện nay chỉ có 1 hồ đầy nước. Số lượng hồ chứa có dung tích từ 50% - trên 70% đều ít hơn hẳn, trong khi số hồ còn lượng nước dưới 50% dung tích thiết kế là 39 hồ. Trong khi đó, 965 hồ chứa nhỏ do xã và HTX quản lý đều chỉ đạt 50% - 65% dung tích thiết kế. Mực nước tại các công trình đầu mối như thượng lưu cống Nam Đàn, cống Nghi Quang (Nghi Lộc)... đều thấp hơn mực nước thiết kế; tại hồ Bản Vẽ cũng trong tình trạng tương tự.
Theo ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, với thực trạng nguồn nước hiện tại và thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, thì nếu thời gian tới thời tiết diễn biến bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, không có mưa, nắng nóng và gió Tây Nam xuất hiện sớm, thì hạn hán sẽ xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, năm nay nhuần hai tháng Tư (âm lịch) nên tình trạng hạn hán sẽ dự báo khả năng xảy ra nặng nề hơn. 
Nhiều hạng mục tại bara Nghi Quang đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, giữ ngọt. Ảnh: Phú Hương
Nhiều hạng mục tại bara Nghi Quang đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng yêu cầu ngăn mặn, giữ ngọt. Ảnh: Phú Hương
Đề phòng nguy cơ xâm nhập mặn
Bara Bến Thủy có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng và chống lũ cho hơn 3.000 ha lúa vùng Nam - Hưng - Nghi. Từ 5 - 7 năm nay, mặn xâm nhập sớm ngay từ vụ Xuân do lượng mưa ít, từ tháng 4, tháng 5 mực nước trên đồng đã cạn.

“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành, thường xuyên ứng trực kiểm tra chất lượng nguồn nước, chèn chắn những vị trí có nước mặn vào để hạn chế tối đa mặn xâm nhập. Năm nay, độ mặn xuất hiện tăng, ngay từ đầu tháng 5 phía hạ lưu đã có mặn nên hiện vào mỗi buổi sáng và chiều chúng tôi đều phải đo nồng độ mặn ở nhiều điểm khác nhau để có kết quả chính xác, khuyến cáo bà con sử dụng nước hợp lý, hạn chế thấp nhất tác hại của mặn xâm nhập”.

Ông Lê Đình Nam - Trạm trưởng Trạm quản lý bara Bến Thủy

chú thích
Bara Bến Thủy có chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng và chống lũ cho hơn 3.000 ha lúa vùng Nam - Hưng - Nghi. Ảnh: Phú Hương

Nắng nóng gay gắt, mực nước nội đồng, sông suối xuống thấp là những yếu tố dẫn đến nguy cơ nước biển xâm thực, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trong vấn đề phòng, chống xâm nhập mặn hiện còn nhiều khó khăn. Có nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và phục vụ tưới tiêu cho vùng Nam Nghệ An với 23.000 ha lúa khu công nghiệp, dân sinh, thế nhưng hiện tại công trình Bara Nghi Quang đã xuống cấp nghiêm trọng.

Toàn bộ hệ thống cửa tự động, cửa van phẳng, cửa cung, khóa cửa tự động đều đã hỏng từ năm 2015; cầu giao thông xuống cấp, các dầm cầu bị hỏng. Mặn xâm nhập vào qua chỗ rò của cửa; vào mùa tiêu, hệ thống khóa bị hỏng nên không thể chủ động tiêu thoát lũ.

Thực tế, từ năm 2010 đến nay, do mực nước sông Lam xuống quá thấp, nước ngọt về vùng đuôi sông Cấm không có, nên từ cuối vụ xuân đến đầu vụ hè thu, năm nào cũng bị mặn xâm nhập, nhất là từ khu vực cống Nghi Quang đến cầu Phương Tích, làm vùng sản xuất nông nghiệp ở cuối sông Cấm không có nước để sản xuất.

chú thích
Kiểm tra bảo dưỡng máy móc phục vụ ngăn mặn giữ ngọt tại cống Nghi Quang. Ảnh: Phú Hương

Trước thực tế đó, thường xuyên kiểm tra độ mặn, tu sửa tạm các công trình, đắp đập ngăn sông cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là giải pháp được các địa phương và đơn vị thủy nông phối hợp thực hiện. Bên cạnh chỉ đạo bám ruộng, bám kênh dẫn nước đảm bảo cung cấp nước tưới, đơn vị thủy lợi tập trung theo dõi cập nhật chất lượng nguồn nước, thường xuyên đo kiểm tra nồng độ mặn ở các đầu mối công trình; hàng ngày theo dõi tổ chức kiểm tra nồng độ mặn ở các tuyến sông, các trạm bơm có nguy cơ nhiễm mặn.

Đồng thời, thông báo cho địa phương về chất lượng nguồn nước, yêu cầu kiểm tra trước, trong và sau khi bơm, tuyệt đối không được bơm khi nồng độ mặn >= 1%o. Cập nhật đường mực nước lên xuống của từng con triều và đo chất lượng nguồn nước, ép mặn và xả mặn một cách phù hợp.
Khi mực nước tại cống Nam Đàn từ 1,15m xuống đến 0,7m với tổng diện tích có khả năng bị hạn là gần 5.862 ha và tình huống cuối cùng khi mực nước tại cống Nam Đàn < 0,7m, tình hình thiếu nước ở mức độ báo động khẩn cấp, diện tích bị hạn có thể lên tới 8.754 ha. 
Vụ Hè thu - mùa 2020 năm nay, Nghệ An đã lên kế hoạch tưới cho gần 114.059 ha, trong đó tưới lúa 85.092 ha và tưới rau màu các loại 8.542 ha. Để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của hạn hán, các địa phương cần khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Rà soát, đánh giá, cân đối lại nguồn nước thực tế để bố trí cây trồng vụ hè thu phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trên cơ sở đó chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang gieo trồng các loại cây khác, nhằm đảm bảo gieo trồng hết diện tích và sản lượng lương thực đã đề ra. Chỉ đạo quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm./.

Tin mới