Nghệ An: Hơn 46.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Sáu tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Nghệ An đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 46.418 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sáng 17/8, Ban đại diện hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh họp phiên thường kỳ lần thứ 72, triển khai nhiệm vụ quý III/2022. Tham dự có thành viên ban đại diện HĐQT ngân hàng chính sách xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An, thành viên ban đại diện, chủ trì cuộc họp.

Các thành viên tham dự cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Các thành viên tham dự cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Tăng cường giải ngân, hỗ trợ các đối tượng chính sách

Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đạt 10.549 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng 8,9%. Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt 1.956 tỷ đồng, tăng 2,68% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Có 15/22 chương trình thực hiện giải ngân; Có 07 chương trình không thực hiện giải ngân, nguyên nhân là do các chương trình này đã hết thời hạn thực hiện. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã rất tích cực giải ngân nguồn vốn của 04 chương trình thuộc gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ.

Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ đạt gần 10.522 tỷ đồng/22 chương trình tín dụng chính sách, đạt tốc độ tăng trưởng 8,8%.

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Trần Khắc Hùng báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Thu Huyền

Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Trần Khắc Hùng báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội. Ảnh: Thu Huyền

Chi nhánh tiếp tục thực hiện giải ngân nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn có lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đảm bảo kịp thời trước khi chương trình kết thúc ngày 31/3/2022. Kết thúc chương trình, trên địa bàn toàn tỉnh có 56 doanh nghiệp/số tiền gần 22 tỷ đồng/3.128 lao động được hỗ trợ. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ (gia hạn nợ, điều chỉnh lại kỳ hạn trả nợ) cho 2.310 khách hàng với số tiền vay hơn 53 tỷ đồng. Thực hiện cho vay bổ sung để đầu tư khôi phục, mở rộng sản xuất 716 khách hàng với số tiền gần 31 tỷ đồng.

Đồ hoạ: Hữu Quân

Đồ hoạ: Hữu Quân

Kết quả thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ: Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 30/6/2022, Chi nhánh đã giải ngân nguồn vốn của 04/5 chương trình cho 8.913 khách hàng, số tiền 250,2 tỷ đồng, hoàn thành 78,4%.

Sáu tháng đầu năm 2022, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cấp vốn tín dụng ưu đãi cho 46.418 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những thành tích đạt được trong 6 tháng đầu năm, Chi nhánh Nghệ An đã được Hội đồng thi đua-khen thưởng Ngân hàng chính sách xã hội xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (một trong 10 Chi nhánh xuất sắc nhất hệ thống 6 tháng đầu năm 2022).

Đại diện Ban dân tộc tỉnh phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Đại diện Ban dân tộc tỉnh phát biểu ý kiến tại cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Tiếp tục giám sát chặt chẽ nguồn vốn

Cuộc họp cũng đã cho ý kiến về kế hoạch tổ chức tổng kết 20 năm triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Bên cạnh ghi nhận những kết quả đạt được, các thành viên ban đại diện đã có nhiều ý kiến về những khó khăn, bất cập đang đặt ra hiện nay. Đó là, mặc dù nhu cầu vốn vay chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là rất lớn (730 tỷ đồng trong năm 2022), nhưng nguồn vốn ngân sách Trung ương còn nhiều khó khăn hạn chế. Đến nay Ngân hàng chính sách xã hội Trung ương mới cấp được 155 tỷ đồng (trong đó vốn cấp để thực hiện Nghị quyết 11 là 130 tỷ đồng) và nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương là 25 tỷ đồng.

Nguồn vốn ngân sách địa phương mặc dù đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giao, tuy nhiên, so với toàn hệ thống thì Nghệ An còn rất thấp; riêng thị xã Cửa Lò chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao (UBND thị xã mới thực hiện trích 200 triệu đồng/chỉ tiêu UBND tỉnh giao 600 triệu đồng, hoàn thành 33,3%).

Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy viên hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thăm mô hình sản xuất vay vốn chính sách tại cuộc giám sát, làm việc tại huyện Nam Đàn dịp đầu tháng 8/2022. Ảnh: Thu Huyền
Đồng chí Đỗ Thị Thu Thảo – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Ủy viên hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thăm mô hình sản xuất vay vốn chính sách tại cuộc giám sát, làm việc tại huyện Nam Đàn dịp đầu tháng 8/2022. Ảnh: Thu Huyền

Đối với chương trình cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Quá trình phối hợp rà soát, xác định nhu cầu vốn gặp nhiều khó khăn, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân 150 tỷ đồng nguồn vốn của chương trình này trong năm 2022 thực sự là thách thức đối với đơn vị.

Kết luận cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được của Ban đại diện Ngân hàng chính sách xã hội. Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí đề nghị Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, cấp huyện; Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 06-KL/TW và Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 trong tháng 9/2022.

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước, thành viên ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc Ngân hàng nhà nước, thành viên ban đại diện HĐQT Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Thu Huyền

Chỉ đạo Ban đại diện cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn, nhất là Chủ tịch UBND cấp xã cần thường xuyên giám sát chặt chẽ nguồn vốn đảm bảo cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả; kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 và gói hỗ trợ lãi suất 2%, tránh trục lợi chính sách.

Các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác tập trung chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện đầy đủ và hiệu quả các nội dung công việc đã nhận ủy thác theo văn bản thỏa thuận và hợp đồng ủy thác: Thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên thực hiện tốt quy ước hoạt động của Tổ, tích cực tham gia làm tiết kiệm, chia sẻ kiến thức sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện nghiêm túc công tác bình xét vay vốn đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện kịp thời tồn tại, phòng ngừa vi phạm, lợi dụng chính sách.

Tin mới