Nghệ An: Hơn 680 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá

(Baonghean) - Đến nay, Nghệ An có trên 680 ha lúa xuân nhiễm bệnh đạo ôn lá. Trong điều kiện thời tiết chuyển mùa, nhiều mưa phùn và sương mù, thời gian tới, dự báo bệnh sẽ tiếp tục lây lan gây hại mạnh trên đà phát triển hiện nay.

Theo tổng hợp của Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, đến ngày 8/3 toàn tỉnh đã có 680,74 ha lúa nhiễm bệnh đạo ôn lá trong đó có 48,31 ha nhiễm nặng. Diện tích nhiễm bệnh tập trung tại các huyện Hưng Nguyên (354 ha), Con Cuông (132,5 ha), Tân Kỳ (98,6 ha), Yên Thành (33 ha)... với tỷ lệ bệnh nơi cao từ 10 - 15%, cục bộ có nơi trên 40%.

Các địa phương đã tổ chức nông dân phun phòng trừ được trên 230,64 ha lúa nhiễm bệnh, dự báo trong thời gian tới điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, lây lan gây hại đặc biệt trên những chân đất cát pha, thịt nhẹ, vùng bán sơn địa, gieo cấy giống có mức độ nhiễm cao như Xi23, IR1820, Xi30, BC15, AC5,...

Cán bộ BVTV huyện Tân Kỳ hướng dẫn bà con nhận biết bệnh đạo ôn.Ảnh: Cẩm Tú
Cán bộ BVTV huyện Tân Kỳ hướng dẫn bà con nhận biết bệnh đạo ôn. Ảnh: Cẩm Tú

Ngay từ đầu tháng 2, bệnh đạo ôn đã phát sinh gây hại trên diện tích lúa xuân của huyện Hưng Nguyên và đến nay, diện tích nhiễm bệnh trên địa bàn toàn huyện đã lên tới trên 350 ha, trong đó có 25 ha nhiễm nặng, tập trung nhiều ở các xã Hưng Thông, Hưng Thịnh, Hưng Châu, Hưng Lợi...

Ông Lê Văn Thái, xóm 3, xã Hưng Thông có 10 sào ruộng, đều cấy các giống dễ nhiễm bệnh như AC5 và Thiên ưu 8. Từ cách đây một tuần, ruộng nhà ông đã bị nhiễm bệnh. Thực hiện phun trừ 2 lần theo đúng khuyến cáo của cán bộ BVTV, nhưng ông Thái vẫn rất lo lắng vì theo ông cho biết, gần như ruộng của các hộ dân trong xóm đều đã bị bệnh, có ruộng lúa đã bị cháy từng vạt, trong khi thời tiết hiện đang âm u, mưa phùn dễ làm bệnh phát triển nặng thêm. 

Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hưng Nguyên - ông Lê Viết Hùng cho biết: Thời kỳ đầu, bệnh đạo ôn xuất hiện trên các trà lúa gieo cấy sớm ở những diện tích nếp cấy làm chân nương mạ vụ hè thu, vùng đặc thù sâu trũng, vùng ngoài đê, đặc biệt những vùng sử dụng đất rươi. Để bảo vệ nguồn rươi nên bà con không sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ làm bệnh phát triển mạnh, thậm chí gây cháy cục bộ.

Đến nay, Hưng Nguyên đã tổ chức phòng trừ khoảng 250 ha lúa nhiễm đạo ôn, nhiều diện tích đã phun lại lần 2, tuy nhiên, ở một số diện tích do phun không đảm bảo kỹ thuật nên hiệu quả kém. 

Nông dân huyện Hưng Nguyên phun thuốc cho lúa. 	Ảnh: P.H
Nông dân huyện Hưng Nguyên phun thuốc cho lúa. Ảnh: P.H

Thực tế đáng ngại hiện nay là kiến thức về phòng, chống bệnh đạo ôn trên lúa của người dân còn nhiều hạn chế, kỹ thuật phun và lượng thuốc, lượng nước phun không đủ dẫn đến hiệu quả thấp, có khi phun phòng trừ bệnh đạo ôn 2 - 3 lần vẫn không tiêu diệt được bệnh, lúa vẫn cháy lụi.

Theo ông Nguyễn Tiến Đức - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, thì ở giai đoạn đầu khi các bào tử nấm xâm nhập bám vào lá lúa để gây bệnh, người dân cần quan sát kỹ để thấy vết bệnh xuất hiện đơn lẻ, có hình kim hoặc to hơn, hình tròn và hơi tròn, mọng nước. Lúc này nếu phòng trừ sẽ có hiệu quả nhất.

Đặc biệt, đến nay chưa có một loại thuốc nào tiêu diệt triệt để bào tử nấm bệnh đạo ôn. Vì vậy, phun trừ khi vết bệnh còn non, ở giai đoạn vết bệnh cấp tính là biện pháp được xem là tốt nhất.

Theo dự báo, thời gian tới thời tiết ấm dần, độ ẩm không khí cao, kết hợp với việc nông dân bón thúc đẻ nhánh là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh phát triển. Mặt khác bào tử nấm có kích thước nhỏ, phát tán, lây lan nhờ nước và gió nên có tốc độ lây lan rất nhanh khi gặp điều kiện thuận lợi.

Người dân cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời. Khi phát hiện ruộng lúa bị nhiễm bệnh, thời tiết thuận lợi cho bệnh phát triển cần dừng bón các loại phân hóa học, kích thích sinh trưởng, giữ đủ nước trên ruộng (từ 2 - 3 cm) và phun trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu đối với bệnh đạo ôn như: Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 525 SE, Bankan 600 WP, Vista 72,5 WP, Katana 20 SC,... theo lượng khuyến cáo trên bao bì thuốc. Nếu ruộng bị bệnh nặng hoặc bệnh vẫn tiếp tục phát sinh cần phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày. Khi phun cần chú ý đảm bảo đủ lượng nước (25 - 30 lít/sào) để thuốc trải đều trên bề mặt lá. 

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới