Nghệ An: Hướng mở từ làn sóng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

(Baonghean) - Nhận thấy vai trò vị trí, nhu cầu ngày càng lớn của sản phẩm nông nghiệp sạch đối với sức khỏe, đời sống con người, trên địa bàn Nghệ An hiện nay ngoài Tập đoàn TH đã xuất hiện thêm nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Đó là các mô hình  sản xuất như dưa lưới, măng tây xanh, dưa Hàn Quốc, cà chua ghép, lúa thảo dược, cam Vinh, cam Xã Đoài lòng vàng, ổi giòn Nghĩa Đàn... và bước đầu đã thành công.

Ứng dụng thành công trên “đất khó” 

Với mục đích tạo nguồn rau, quả sạch hàng hóa cung ứng cho nhân dân và du khách đến huyện Con Cuông, một địa điểm du lịch nổi bật của Nghệ An, huyện Con Cuông đã đầu tư 900 triệu đồng cho ông Nguyễn Ngọc Trung - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê để xây dựng mô hình nhà lưới ứng dụng công nghệ tưới của Israel để sản xuất dưa Mỹ. 

a
Sản xuất dưa lưới thành công ở Con Cuông. Ảnh: Bá Hậu

Mô hình trên nằm trong đề án khá quy mô của huyện đến năm 2020 đó là sản xuất rau theo VietGAP. Đây là một bước đi táo bạo của huyện Con Cuông khi đầu tư một mô hình lớn và thành công đến thời điểm hiện nay. HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê là đơn vị thụ hưởng kinh phí và đã triển khai bằng cả tâm huyết và trách nhiệm từ những khâu ban đầu về chọn giống, đất, kỹ thuật, gieo ươm, chăm sóc... một cách chuyên nghiệp, bài bản.

Sau 3 tháng trồng thử nghiệm, dưa Mỹ phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100% cho sản lượng khoảng 7 tấn quả với 4.800 gốc dưa. Thành công từ dưa sạch, HTX Nông nghiệp cây con xã Chi Khê tiếp tục trồng trồng dưa  và cà theo hướng sinh thái, sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. 

Chăn nuôi lợn ở Trang trại Đại Thành Lộc (Nam Đàn). 	Ảnh: Châu Lan
Chăn nuôi lợn ở Trang trại Đại Thành Lộc (Nam Đàn). Ảnh: Châu Lan

Ở huyện Anh Sơn, mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng ở Hội Sơn cũng cho thành công 2 năm qua. Đặc biệt ở đây dưa được trồng trong từng bầu giá thể không cần đất và toàn bộ khu nhà lưới được gia đình ông Trương Văn Hòa ở xóm 2, xã Hội Sơn đầu tư trong vườn đồi, nơi quanh năm khô hạn. Vụ đầu tiên, gia đình ông Hòa trồng 2.000 gốc dưa, mỗi gốc cho một quả và mỗi quả trọng lượng từ 1,5 - 2kg.

Tổng đầu tư mô hình trồng dưa lưới của ông Hòa hết khoảng 1,4 tỷ đồng và sản phẩm đã được tiêu thụ hết (chủ yếu ở các thành phố). 

Anh Hồ Ngọc Đông ở thành phố Vinh sau khi tìm hiểu đã liên kết với với nông dân Nghi Liên để trồng măng tây xanh với diện tích 1,5 ha. Trước đó Nghi Liên cũng đã sản xuất thành công dưa lưới.  Qua trao đổi anh Hồ Ngọc Đông cho biết: Măng tây được đầu tư trồng bằng công nghệ Israel, với hệ thống tưới nhỏ giọt dẫn phân và nước, phủ ni lông 2 mặt loại ni lông phản quang lại ánh sáng. Tổ còn thuê thêm một số nông dân chăm sóc vườn cây như cắt cành, nhổ tỉa cây bị bệnh...

Sản xuất măng tây xanh ở Nghi Liên thành phố Vinh theo công nghệ Israel
Sản xuất măng tây xanh ở Nghi Liên thành phố Vinh theo công nghệ Israel. Ảnh: Châu Lan

Tổng đầu tư cho 1 ha măng tây hiện hết khoảng 700 triệu đồng; vừa làm, vừa chờ đến kỳ thu hoạch, cả nhóm thực hiện mô hình mong vài tuần tới măng sẽ được khai thác. Giá thành một 1kg măng tây là 120.000 đồng, đây là loại rau siêu sạch, bổ dưỡng có thể ăn sống và chế biến các món nên khách hàng rất dễ chọn lọc. 

Anh Hồ Ngọc Đông chia sẻ thêm, để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì đối tượng trồng là rất quan trọng. Và việc áp dụng một số công nghệ cao vào sản xuất nông trại măng tây nhận thấy hiệu quả từ việc quản lý nhân công giảm 1/2 so với cách làm truyền thống, cây trồng phát triển tốt hơn, ít bệnh, và quan trọng nhất là đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, an toàn. 

Tích lũy kinh nghiệm từ những mô hình bị thất  bại 

Qua nghiên cứu một số mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì không phải mô hình nào cũng thành công. Mô hình dưa vàng Hàn Quốc được trồng ở xã Nam Xuân (Nam Đàn), do HTX Nam Xuân Xanh của Nguyễn Đắc Sơn là một ví dụ.

Được đầu tư theo hình thức ươm bầu, tưới nhỏ giọt và nhà màng, chi phí hết 500 triệu đồng và tuân thủ quy trình kỹ thuật, tuy nhiên do mưa nhiều, độ ẩm lớn, hệ thống tưới nhỏ giọt không phát huy được; do vậy mô hình lỗ 200 triệu đồng.

Anh Nguyễn Đắc Sơn cho biết: Mưa nhiều nên tưới nhỏ giọt không khả thi. Nhà lưới và công nghệ tưới chỉ phù hợp với dưa, cà chua, dưa leo chứ rau bình thường không cần nhà lưới. Sau đó do bão vào nữa, nên nhà màng bị hư hỏng nặng. Mô hình nhà màng ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu cũng vậy, sau khi thu hoạch đã bị bão giật đổ hư hỏng toàn bộ.

Sau thất bại đó, anh Nguyễn Đắc Sơn đã tìm hướng đi mới là liên kết với các huyện, xã để sản xuất rau an toàn trên cánh đồng mở cung cấp sản phẩm cho các trường học. Đây là một hướng đi theo anh theo Sơn là khá vững chắc, bởi nhu cầu của các thị trường hiện rất lớn. 

Sản xuất dưa vàng Hàn Quốc
Sản xuất dưa vàng Hàn Quốc. Ảnh: C.L

Nói về việc thành, bại của các mô hình nhà lưới, ông Phan Nguyên Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và PTNT chia sẻ: Tôi đã từng đi Đà Lạt về và nhận thấy khí hậu, thời tiết là yếu tố rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Ở Đạt Lạt đã thành công bởi độ ẩm rất ít, khí hậu mát, trong khi đó Nghệ An quá nắng nóng, vào mùa nóng nhà kính, nhà lưới không phù hợp với cây trồng. Độ ẩm lớn khiến cho các công trình đầu tư nhanh hỏng, vi sinh vật phát triển mạnh. Cho nên đối tượng trồng cây gì và mùa vụ thực hiện áp dụng đối với nhà lưới, nhà màng là rất quan trọng. 

Tại Nghệ An, với định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những năm gần đây đã thu hút được khá nhiều doanh nghiệp có dự án lớn tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Có thể kể tới như: Công ty CP thực phẩm sữa TH, Vinamilk chế biến sữa; Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm chế biến gỗ; Công ty TNHH Kiều Phương chăn nuôi bò, Công ty TNHH Đại Thành Lộc chăn nuôi lợn giống ngoại, Công ty CP thực phẩm Nghệ An tại Quế Phong với giống chanh leo; Tổng Công ty Vật tư nông nghiệp, Công ty Nông công nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ.

Bên cạnh  đó còn vùng sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP tại các xã bãi ngang huyện Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai; sản xuất lúa giống chất lượng cao tại huyện Yên Thành; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Quỳnh Lưu; TX. Hoàng Mai và Diễn Châu...

a
Sản xuất cà chua ghép ở Diễn Châu. Ảnh: P.V

Việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghệ An đã đưa giá trị sản xuất đạt bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2 - 3 lần so với sản xuất nông nghiệp đại trà, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều công nghệ tiên tiến đã được các doanh nghiệp triển khai áp dụng vào sản xuất như: Công nghệ giống (của các nước châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…), công nghệ nhà kính hiện đại (của Isarel); công nghệ thông tin điều khiển tự động về tưới tiết kiệm nước, nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng (của các nước Isarel, Đài Loan, Mỹ)…

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Tin mới