Nghệ An: Keo lai rớt giá thảm hại, nhiều địa phương dừng khai thác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Khoảng hơn 2 tuần vừa qua, keo lai tiếp tục rớt giá do tư thương không thu mua. Hầu hết các cánh rừng keo trên địa bàn Nghệ An phải dừng khai thác.
Điểm thu mua keo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông đóng cửa tạm dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường
Điểm thu mua keo ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông đóng cửa tạm dừng hoạt động. Ảnh: Văn Trường

Điểm thu mua keo tại bản Thanh Đào, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông trong cảnh vắng teo, tất cả nhà xưởng, trạm cân đều đóng cửa. Chủ cơ sở này chia sẻ, trước đây, mỗi ngày họ thu mua từ 30-40 tấn keo cho bà con quanh vùng, nhưng từ đầu tháng 3, giá keo tiếp tục giảm sút, các nhà máy chế biến gỗ đều không nhập keo nên phải tạm thời đóng cửa.

Đi sâu vào tuyến đường rừng của xã Bồng Khê, hai bên là những cánh rừng keo ngút ngàn nhưng vắng bóng người dân khai thác. Chị Lô Thị Thương ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê đang phát cỏ cho rừng keo, cho biết: Keo xuống giá 2 đợt vừa qua, từ chỗ giá cao nhất 1,4 triệu đồng/tấn, thời điểm tháng 12/2022 keo giảm xuống 1 triệu đồng/tấn, nay giảm xuống chỉ còn 840.000 đồng/tấn, thậm chí không có ai thu mua nên tất cả bà con phải dừng khai thác.

Chị Lô Thị Thương ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê đang phát cỏ cho rừng keo, chờ tư thương đến mua. Ảnh: Văn Trường

Chị Lô Thị Thương ở bản Thanh Đào, xã Bồng Khê đang phát cỏ cho rừng keo, chờ tư thương đến mua. Ảnh: Văn Trường

Việc dừng khai thác keo cũng kéo theo nhiều hệ luỵ, các dịch vụ “ăn theo” nghề khai thác cũng phải dừng hoạt động. Anh Vi Văn Kiên ở bản Thanh Đào đang ngồi bảo dưỡng máy cưa tâm sự: “Nghề cưa keo thuê lâu nay làm không hết việc, được trả công 350.000 đồng/ngày, nay dừng khai thác thì không có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”.

Chưa kể có hàng ngàn lao động trên địa bàn theo nghề bốc vác, bóc vỏ keo đang bị thất nghiệp, giảm sút nguồn thu nhập.

Anh Vi Văn Kiên ở bản Thanh Đào, Bồng Khê bảo dưỡng máy cưa trong những ngày "thất nghiệp". Ảnh: Văn Trường

Anh Vi Văn Kiên ở bản Thanh Đào, Bồng Khê bảo dưỡng máy cưa trong những ngày "thất nghiệp". Ảnh: Văn Trường

Ông Lô Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông cho biết: Huyện có trên 12.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 2.500 ha. Hiện nay toàn huyện có 5 điểm thu mua keo ở các xã Bồng Khê, Chi Khê, Thạch Ngàn, Mẫu Đức, Đôn Phục đều dừng thu mua.

Tương tự, địa bàn huyện Quỳ Châu được coi là “vựa” keo, nhưng hầu hết hiện nay trên các cánh rừng đều không khai thác keo. Ông Nguyễn Sĩ Luận, Chủ tịch UBND xã Châu Hội cho biết: Toàn xã có trên 350 ha keo, trong đó có trên 150 ha keo đủ tuổi khai thác, nhưng do giá quá rẻ nên hơn 10 ngày qua bà con không khai thác. Cây keo là cây chủ lực của xã nên việc dừng khai thác keo ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh kế của người dân.

Cánh rừng keo bạt ngàn ở xã Mẫu Đức, huyện Con Cuông đang dừng khai thác. Ảnh: Văn Trường
Cánh rừng keo bạt ngàn ở xã Mẫu Đức, huyện Con Cuông đang dừng khai thác. Ảnh: Văn Trường

Một chủ thu mua keo ở xã Châu Bình, Quỳ Châu cho biết thêm: Thời gian qua các nhà máy chế biến gỗ ở thị xã Hoàng Mai và Thanh Hoá dừng thu mua nguyên liệu. Vì vậy chúng tôi cũng không dám thu mua cho bà con, hơn 10 điểm thu mua keo ở huyện Quỳ Châu hiện nay đều “án binh bất động”.

Toàn huyện Quỳ Châu có trên 21.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm khai thác trên 4.000 ha. Thời điểm này giá keo xuống thấp nên hầu hết bà con đang phải dừng khai thác.

Những rừng keo ở Quỳ Châu đến tuổi khai thác chờ tư thương đến thu mua. Ảnh: Văn Trường
Những rừng keo ở Quỳ Châu đến tuổi khai thác chờ tư thương đến thu mua. Ảnh: Văn Trường

Trước Tết Nguyên đán, trung bình mỗi tháng xuất bán 400 m3 gỗ, thì nay chỉ bán nhỏ giọt từ 20-30 m3 gỗ/tháng. Hệ thống máy móc hiện tại hoạt động cầm chừng, trước đây có 90 công nhân, nay chỉ duy trì trên 50 công nhân.

Theo tìm hiểu, giá keo xuống thấp là do giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine, nhiều doanh nghiệp sản xuất viên nén sinh khối giảm thu mua keo; trong khi đó, đầu ra khó khăn, nhiều cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn cũng hoạt động cầm chừng.

Như tại Công ty TNHH Một thành viên Lâm nông nghiệp Sông Hiếu đang tồn kho trên 4.000 m3 các loại sản phẩm gỗ, trị giá tiền hàng trên 30 tỷ đồng; hàng tồn kho chủ yếu là các loại gỗ ghép thanh, phôi gỗ; các mặt hàng này lâu nay chủ yếu xuất đi các nước châu Âu.

Do khó khăn đầu ra, hơn 10 ngày vừa qua đơn vị đang phải dừng khai thác keo. Theo kế hoạch từ nay đến hết tháng 7 sẽ khai thác trên 750 ha keo, tương đương trên 50.000 tấn keo nguyên liệu, nhưng hiện chỉ mới khai thác được trên 200 ha.

Tin mới