Nghệ An: Kết quả tích cực về phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân và có vốn FDI

(Baonghean.vn) - Xác định công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một nội dung hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, ngày 8/2/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án "Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020" (gọi tắt là Đề án 5155).

Phát huy vai trò hạt nhân chính trị

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo triển khai, tuyên truyền, quán triệt đề án đến các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp cho học viên lớp đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng cho các huyện, thành, thị ủy và đảng ủy trực thuộc trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2015 - 2020. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề, tăng cường công tác phát triển Đảng trong sinh viên, học sinh để góp phần tạo nguồn đảng viên cho doanh nghiệp. Chỉ đạo thực hiện tốt các khoản chi hỗ trợ hoạt động tổ chức Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp theo Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ và các quy định khác.

Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ Mường Thanh Con Cuông. Ảnh: P.V
Lễ công bố quyết định thành lập Chi bộ Mường Thanh Con Cuông. Ảnh: P.V

Sau 5 năm thực hiện Đề án 5155, tính đến tháng 5/2020, toàn tỉnh phát triển mới được 271 Công đoàn cơ sở (trong đó, khu vực ngoài Nhà nước có 227; khu vực doanh nghiệp nước ngoài có 12 tổ chức...). Tại 2 đơn vị được chọn làm điểm là Thành ủy Vinh và Huyện ủy Quỳ Hợp đã thành lập được 57 Công đoàn cơ sở (đạt 70% mục tiêu đề án); 36 tổ chức Đoàn Thanh niên (đạt 60% mục tiêu đề án).

Tính đến ngày 31/12/2019, tổng số tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp là 305, chiếm 20,3% số tổ chức Đảng trong toàn tỉnh. Số đảng viên trong các doanh nghiệp là 9.298, chiếm 4,8% đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh. Có 152 tổ chức cơ sở đảng với 3.672 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Kết nạp được 834 quần chúng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Đảng. Cấp ủy Đảng các cấp đã bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp vào Đảng được 23 chủ doanh nghiệp tư nhân. Thành lập được 42 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 11,2% so với tổng số doanh nghiệp). Hai đơn vị điểm là Thành ủy Vinh và Huyện ủy Quỳ Hợp, đã thành lập được 13 tổ chức Đảng, kết nạp được 69 đảng viên, trong đó: Thành ủy Vinh thành lập được 11 chi bộ (đạt 12,2% so với tổng số doanh nghiệp khi xây dựng đề án), kết nạp được 55 đảng viên; Huyện ủy Quỳ Hợp thành lập được 2 chi bộ (đạt 4,9% so với tổng số doanh nghiệp khi xây dựng đề án), kết nạp được 14 đảng viên.

Các tổ chức cơ sở Đảng trong các loại hình doanh nghiệp cơ bản phát huy vai trò hạt nhân chính trị, tạo sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nhất là nâng cao vai trò lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; quan tâm áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; thu nhập của công nhân, người lao động từng bước được nâng cao; tham gia tích cực các hoạt động nhân đạo, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh tham quan khu vực sản xuất Nhà máy gạch Trung Đô. Ảnh tư liệu: Nguyên Sơn
Lãnh đạo Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh tham quan khu vực sản xuất Nhà máy gạch Trung Đô. Ảnh tư liệu: Nguyên Sơn

Xuất phát từ lợi ích của người lao động và doanh nghiệp

Trong quá trình thực hiện Đề án 5155 còn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại đó là: Việc chỉ đạo, triển khai thực hiện đề án tại một số địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu thường xuyên và còn bị động. Kết quả thực hiện chưa đạt chỉ tiêu đề án đề ra. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển tổ chức Đảng, đảng viên của một số cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị đến các doanh nghiệp, kể cả ở các doanh nghiệp đã có chi bộ và doanh nghiệp có đảng viên nhưng chưa có chi bộ còn nhiều hạn chế. Hình thức, nội dung tuyên truyền chưa sáng tạo, chưa đa dạng, chưa phù hợp với đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp. Phương thức hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, nhưng chưa có giải pháp phù hợp. Chưa ban hành được các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, Đoàn Thanh niên, Công đoàn... theo tinh thần Nghị định số 98-NĐ/CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ.

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định công tác phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ có tính nền tảng, đột phá, đây là 1 trong 9 chương trình, đề án trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; với quan điểm: Phải xuất phát từ lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp để vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, thành lập tổ chức Đảng đúng bản chất của giai cấp công nhân và người lao động phù hợp với tình hình hiện nay nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, trong thời gian tới Tỉnh ủy Nghệ An tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp là:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về chủ trương phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò của các hội doanh nghiệp, đồng thời gắn trách nhiệm của giám đốc các doanh nghiệp đặc biệt giám đốc là đảng viên trong việc xây dựng, phát triển các tổ chức, đoàn thể nhân dân và tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân.

Đẩy mạnh việc tổ chức các diễn đàn để trao đổi, đối thoại giữa đội ngũ doanh nghiệp với cấp ủy, chính quyền các cấp, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời, thiết thực, hiệu quả cho doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận để thành lập, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động hiệu quả. Kịp thời có hình thức khen thưởng, biểu dương những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm tốt công tác xây dựng Đảng.

Quang cảnh một buổi họp tại Công ty TNHH Royal Foods - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh tư liệu: K.L
Quang cảnh một buổi họp tại Công ty TNHH Royal Foods - doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh tư liệu: K.L

Tập trung xây dựng, củng cố, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp tư nhân. Kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, đề xuất các biện pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng...

Chỉ đạo các huyện, thành, thị ủy và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, xem đây là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình. Tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định về việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Theo số liệu từ Cục Thuế Nghệ An, tính đến ngày 31/12/2019 tỉnh Nghệ An có 12.399 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh (doanh nghiệp Nhà nước 20, doanh nghiệp ngoài Nhà nước 12.379). Trong số doanh nghiệp ngoài Nhà nước có 93 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 0,75%); 4.677 doanh nghiệp cổ phần (chiếm 37,7%); 636 doanh nghiệp tư nhân (chiếm 5,13%);  6.600 công ty trách nhiệm hữu hạn (chiếm 53,23%); 373 hợp tác xã (chiếm 3%). Phần lớn các doanh nghiệp tập trung tại thành phố Vinh, các khu công nghiệp trọng điểm và một số huyện như: Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, TX. Cửa Lò… số còn lại phân tán rải rác, chủ yếu ở các huyện vùng đồng bằng.

Tin mới