Nghệ An: Khó quản lý lao động ngắn hạn là người nước ngoài

(Baonghean) - Tình trạng lao động người nước ngoài vào Nghệ An làm việc nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép vẫn đang diễn ra. Đặc biệt, việc quản lý người nước ngoài vào Nghệ An dưới 90 ngày vẫn còn khó khăn.
UBND tỉnh ra 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân quốc tịch Trung Quốc.
UBND tỉnh ra 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân quốc tịch Trung Quốc.

Xử phạt nhiều trường hợp vi phạm

Ngày 6/6/2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh ký liên tiếp 5 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 công dân quốc tịch Trung Quốc gồm: An Jun Ly, Li Bing Qing; Zhang Ai Hua, Ho Zhong Wen, Ke Zhixiong. Những công dân Trung Quốc này đã có hành vi nhập cảnh vào Việt Nam, cụ thể là đến Nghệ An làm việc nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

5 người này gồm 2 bác sỹ và 3 nhân viên làm việc tại một phòng khám bệnh trên địa bàn TP Vinh bị xử phạt mỗi người 20 triệu đồng và buộc phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép trước khi hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam.

Trước đó vào đầu tháng 5/2019, Phòng Quản lý Xuất nhập Cảnh Công an Nghệ An đã trực tiếp đi kiểm tra tại phòng khám này thì phát hiện nhiều người lao động Trung Quốc nhập tịch vào Việt Nam nhưng chưa được cấp phép hành nghề.
Kỹ sư người nước ngoài giới thiệu công nghệ đến các đại biểu tỉnh và trung ương tại dự án nhà máy gỗ MDF. Ảnh: Thành Duy
Kỹ sư người nước ngoài giới thiệu công nghệ đến các đại biểu tỉnh và trung ương tại dự án nhà máy gỗ MDF. Ảnh: Thành Duy

Theo lãnh đạo phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, từ đầu năm đến nay, phòng đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH kiểm tra 10 doanh nghiệp về việc chấp hành các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và làm việc của lao động người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đánh giá, hầu hết lao động sang Việt Nam làm việc rồi mới làm thủ tục cấp giấy phép lao động, trong khi theo quy định lao động người nước ngoài trước khi sang Việt Nam làm việc phải có giấy phép lao động.

Tính đến Quý II năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 398 lao động là người nước ngoài đang làm việc ở 71 doanh nghiệp và 1 nhà thầu. Trong đó, có 389 người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động. Số lao động là người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là 9 người chủ yếu là chủ sở hữu công ty TNHH, thành viên góp vốn của công ty cổ phần.

“Số lao động nước ngoài đang làm việc tại Nghệ An chủ yếu đến từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Indonesia. Trong đó, tập trung tại các địa phương như TP Vinh, Nghi Lộc, Quỳ Hợp...", bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH cho biết. Cũng theo bà Thủy, hiện vẫn còn một số ít lao động nước ngoài sử dụng visa du lịch hoặc visa doanh nghiệp nhập cảnh để làm việc, không thực hiện việc làm thủ tục cấp giấy phép lao động đã được các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý. 

Chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu sản xuất tại xưởng cơ khí của công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam ở huyện Quỳ Hợp
Chuyên gia Nhật Bản tìm hiểu sản xuất tại xưởng cơ khí của công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam ở huyện Quỳ Hợp

Khó quản lý lao động ngắn hạn

Trong những năm qua, số lượng lao động người nước ngoài vào Nghệ An ngày càng tăng. Sự có mặt của lao động người nước ngoài đã cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng hơn cả là góp phần đào tạo nhân lực trong nước, tại chỗ theo tương tác thẩm thấu; tạo môi trường cạnh tranh, học hỏi, chuyển giao khoa học kỹ thuật giữa lao động Việt Nam với lao động nước ngoài thì chưa được như mong muốn.

Thực tế vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động nước ngoài chưa thực hiện nghiêm túc việc tuyển dụng và đào tạo lao động Việt Nam để thay thế các vị trí công việc của người nước ngoài, nhằm mục đích tuyển thêm lao động nước ngoài và kéo dài thời gian làm việc của người nước ngoài.

Trong các đợt đi thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng nhận thấy, cơ bản các đơn vị đã chấp hành nghiêm theo quy định. Tuy nhiên tình trạng lao động là người nước ngoài khi sang làm việc nhưng chưa chủ động tìm hiểu quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cấp giấy phép cho lao động là người nước ngoài nên nhiều trường hợp sang Việt Nam rồi mới làm giấy phép lao động. Một số đã được cấp giấy phép lao động nhưng thực tế làm việc không đúng với nội dung đã được cấp phép như sai về nơi làm việc, sai về vị trí công việc.

Nhiều đơn vị còn chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo theo quy định nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Một số doanh nghiệp còn thụ động, trông chờ vào sự hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước khi làm giấy phép lao động cho người nước ngoài.

Lãnh đạo tỉnh thăm quan khu điều hành Công ty TNHH Mavin AustFeed Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Lãnh đạo tỉnh thăm quan khu điều hành Công ty TNHH Mavin AustFeed Nghệ An. Ảnh: Thanh Lê
Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài chưa chấp hành thông báo việc lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp dưới 90 ngày cộng dồn trong 1 năm. Đặc biệt là tại các trung tâm tiếng Anh, nhiều lao động nước ngoài sau khi vào Việt Nam, đến Nghệ An đi du lịch thì đã vào làm việc với vai trò giảng dạy.
Tuy nhiên, thời gian họ hoạt động ngắn, trong khi theo quy định thì chưa phải xin cấp phép. Điều này làm các cơ quan chức năng khó khăn trong việc quản lý lao động nước ngoài làm việc ngắn hạn tại Việt Nam.

"Sở LĐ-TB&XH đã kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Bộ Công an có giải pháp quản lý đối với trường hợp lao động người nước ngoài vào làm việc ở Việt Nam dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 1 năm”

Bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH  Nghệ An 

Theo quy định hiện nay, người nước ngoài là thành viên góp vốn sẽ không thuộc diện cấp giấy phép lao động. Lợi dụng chính sách thông thoáng này người lao động nước ngoài chỉ góp từ 1 đến 10 triệu đồng là có thể xin xác nhận không phải cấp giấy phép để làm việc. Hồ sơ xác nhận lại khá đơn giản, chỉ cần hộ chiếu và giấy chứng nhận thành viên tham gia góp vốn là đã đủ. Từ đó, gây khó khăn cho công tác quản lý và thẩm định hồ sơ; ngành chức năng không thể phát hiện được người nước ngoài có mắc bệnh truyền nhiễm, có án tích.
Vì vậy, theo Sở LĐ-TB&XH thì cần phải sửa đổi quy định pháp luật về thành viên góp vốn là người nước ngoài theo hướng phải có mức cụ thể từ 100 triệu đồng trở lên. Đồng thời, trong hồ sơ đề nghị xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cần quy định bổ sung thêm giấy khám sức khỏe và lý lịch tư pháp của từng người.
Có như vậy, mới tránh được những lao động nước ngoài vào Việt Nam làm lao động phổ thông; tạo sự chặt chẽ trong công tác quản lý, tránh được rủi ro của những người bị bệnh truyền nhiễm, sự lợi dụng của tội phạm quốc tế.
BOX: Từ năm 2013 - 2018, các cơ quan chức năng ở Nghệ An đã phát hiện đấu tranh, xử lý 172 vụ việc liên quan đến hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh, trong đó xử lý 249 trường hợp người nước ngoài liên quan đến hoạt động lao động, làm việc trong các doanh nghiệp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực xuất nhập cảnh.

Tin mới