Nghệ An khởi động chuỗi chương trình 'nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm thay đổi về nhận thức, tư duy và thói quen sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên của toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Ngày 31/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tổ chức sự kiện khởi động chuỗi chương trình "Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên".

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết, chuỗi chương trình "Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên" là một hoạt động nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhằm thay đổi về nhận thức, tư duy và thói quen sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên của toàn thể cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Thông qua triển khai chương trình, lãnh đạo Sở mong muốn nhận được sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, toàn thể nhân dân.

Các đại biểu tại sự kiện. Ảnh: Tiến Hùng

Các đại biểu tại sự kiện. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, ông Lê Văn Tâm - Trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, bảo vệ động vật hoang dã là trách nhiệm của mỗi người dân. Để mỗi cá nhân đều hiểu và hành động đúng đắn nhằm góp phần giữ gìn và phục hồi đa dạng sinh học của đất nước thì công tác tuyên truyền cần thiết phải được đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua các kênh thông tin gần gũi và dễ dàng tiếp cận như qua tivi, mạng xã hội, pano và áp phích... “Chúng tôi sẽ đồng hành cùng Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” để lan tỏa mạnh mẽ các thông điệp bảo tồn đến với từng cán bộ và người dân. Bên cạnh đó, cần sự chủ động tham gia hưởng ứng tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, gia đình và cá nhân để tạo ra xu hướng từ chối sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã”, ông Tâm nói.

Tại sự kiện, 50 đại biểu được quán triệt tinh thần và nhất trí với nội dung, kế hoạch thực hiện chuỗi chương trình và hưởng ứng chuỗi hoạt động từ chối các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép.

Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Nguyễn Văn Đệ phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tiến Hùng

Chuỗi chương trình “Nói không với sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên” diễn ra từ tháng 11/2021 đến hết tháng 12/2022. Với 9 hoạt động chính, chuỗi Chương trình hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, học sinh, và người dân trên địa bàn TP Vinh và 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành, và Quỳnh Lưu.

Cùng ngày, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam (Save Vietnam’s Wildlife - SVW) tổ chức Hội thảo "Tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chống săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Nghệ An". Đây là buổi hội thảo quan trọng có ý nghĩa thiết thực nhằm thảo luận cùng tìm ra giải pháp để có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn động vật hoang dã, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn bắn, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên trên địa bàn tỉnh..

Hơn 40 đại biểu đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh; Cục Quản lý thị trường; Cục Hải quan; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Vườn Quốc gia Pù Mát; Khu BTTN Pù Huống; Khu BTTN Pù Hoạt; đại diện lãnh đạo 21 đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm và Đội Kiểm lâm cơ động & phòng cháy chữa cháy rừng đã tham gia hội thảo.

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tiến Hùng

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khuôn khổ diễn ra hội thảo, các đại biểu đã dành thời gian thảo luận về 3 nội dung chính gồm: Tăng cường công tác bắt giữ các hành vi mua bán trái phép, các đầu nậu, đầu cơ về động vật hoang dã; Tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm liên quan sau khi tịch thu, bắt giữ; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân nhằm ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán, sử dụng, vận chuyển, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái phép.

Ông Trần Xuân Cường trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Trần Xuân Cường trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho rằng, hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước ban hành đầy đủ, tuy nhiên việc triển khai thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm về quản lý động vật hoang dã có lúc có nơi còn hạn chế. Tình trạng vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã trong một số bộ phận nhân dân vẫn còn diễn ra do tập quán, thói quen sử dụng sản phẩm động vật rừng hoang dã trong nhân dân chưa được chấm dứt triệt để. Vì thế, hội thảo hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp, tư tưởng đột phá thiết thực trong công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, đơn vị tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại Nghệ An nhằm làm tốt hơn công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Còn ông Trần Xuân Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho biết, Trung tâm Bảo tồn Động vật hoang dã tại Việt Nam là đơn vị đã có sự hợp tác với vườn từ năm 2018 thực hiện nhiều hoạt động cứu hộ và phục hồi động vật hoang dã, bảo vệ rừng.

“Trong thời gian tới, mong muốn của chúng tôi là không chỉ phối hợp cùng Vườn Quốc gia Pù Mát mà với tất cả các cơ quan, đơn vị chức năng trong địa bàn tỉnh Nghệ An để giúp tăng cường công tác bảo vệ động vật hoang dã. Tôi tin tưởng đa dạng sinh học cùng tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước nói chung và của tỉnh Nghệ An nói riêng sẽ được bảo vệ trọn vẹn nếu tất cả chúng ta cùng nhau nỗ lực hành động trước tiên. Hãy không ăn và lên án các hành vi sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc tự nhiên”, ông Nguyễn Văn Thái - Giám đốc Trung tâm bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam nói.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thống nhất 13 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tin mới