Nghệ An không có đào rừng tự nhiên

(Baonghean.vn) - “Nghệ An không có đào rừng tự nhiên” là khẳng định của đại diện các cơ quan, lực lượng chức năng, cũng như những cán bộ huyện, xã vùng biên giới.

Ở huyện Quế Phong, từ năm 2016, đã bắt đầu hỗ trợ cho đồng bào Mông ở xã Tri Lễ trồng cây đào. Thời điểm đó, huyện hỗ trợ cho mỗi cây đào người dân trồng 10.000 đồng. Từ năm 2017 đến năm 2019 thì mức hỗ trợ được nâng lên là 20.000 đồng cho mỗi cây đào. Tính ra, từ năm 2016 đến nay, UBND huyện Quế Phong hỗ trợ người dân với tổng kinh phí là 240 triệu đồng để trồng 13.000 cây đào.

Một cây đào nở sớm ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ. Ảnh: Nhật Lân
Một cây đào nở sớm ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ. Ảnh: Nhật Lân

Theo ông Nguyễn Bá Hiền - Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong, số kinh phí hỗ trợ đồng bào Mông xã Tri Lễ trồng cây đào thuộc nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc UBND huyện lựa chọn cây đào để hỗ trợ, xuất phát từ nguyện vọng của người dân, từ sự phù hợp của cây đào với địa hình, khí hậu vùng Tri Lễ, cũng như tiềm năng kinh tế từ loại cây trồng này.

Vườn đào của hộ gia đình ông Và Giống Dê, trong đó gồm cả những cây đào được trồng từ nguồn kinh phí UBND huyện Quế Phong hỗ trợ. Ảnh: Nhật Lân
Vườn đào của hộ gia đình ông Và Giống Dê, trong đó gồm cả những cây đào được trồng từ nguồn kinh phí UBND huyện Quế Phong hỗ trợ. Ảnh: Nhật Lân

Khi hỏi: Ở huyện Quế Phong có đào rừng tự nhiên hay không? Các cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong cho hay, đã đi hầu khắp địa bàn nhưng không thấy đào rừng tự nhiên; mà chỉ thấy cây đào của đồng bào các dân tộc trồng trong vườn, trong bản, trên nương rẫy; và cây đào đặc biệt nhiều ở khu vực đồng bào Mông sinh sống.

Với Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, anh Xồng Bá Cha, cây đào có một sự gắn bó rất mật thiết với đồng bào Mông. Bất kỳ ở đâu mà đồng bào Mông sinh sống thì đều có cây đào. Xã Tri Lễ có 5 bản Mông, gồm: Huồi Mới, Pà Khốm, Nậm Tột, Huồi Xái, Mường Lống, và một bộ phận ở khu dân cư Minh Châu đều có cây đào. Trong đó, cây đào đặc biệt nhiều ở 2 bản Huồi Mới và Pà Khốm. Cây đào ở đây có 2 dạng, hoặc do người dân tự trồng, hoặc có hỗ trợ kinh phí của huyện Quế Phong. “Số lượng đào trồng rất lớn. Có những hộ dân đang sở hữu cả nghìn gốc đào như hộ ông Và Giống Dê, Và Bá Đà….” - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Xồng Bá Cha cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, anh Xồng Bá Cha bên một cây đào cổ thụ ở bản Pà Khốm. Ảnh: Nhật Lân
Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, anh Xồng Bá Cha bên 1 cây đào cổ thụ ở bản Pà Khốm. Ảnh: Nhật Lân

Vậy, ở Tri Lễ có đào rừng tự nhiên không? Anh Xồng Bá Cha trả lời: Tôi sinh ra lớn lên tại đây nhưng cũng chưa thấy cây đào rừng tự nhiên. Nếu có cây đào trên đất rừng, cũng là do người dân trong quá trình làm nương rẫy thì gieo hạt mà mọc lên thôi…”.

Người dân Tri Lễ có băn khoăn gì khi biết về thông tin cấm chặt đào rừng không? “Những ngày qua, người dân cũng có hoang mang. Nhưng chúng tôi giải thích, động viên bà con cứ yên tâm. Đào bà con trồng, thì được bán, được cho. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đang mong có hướng dẫn từ trên, để đầu ra cho người trồng đào được thuận lợi…” - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Xồng Bá Cha trao đổi.

Ở vùng biên giới Nghệ An, cây mận cũng được trồng rất nhiều bên những cây đào. Ảnh: Nhật Lân
Ở vùng biên giới Nghệ An, cây mận cũng được trồng rất nhiều bên những cây đào. Ảnh: Nhật Lân

Theo một số cán bộ UBND huyện Quế Phong và xã Tri Lễ, thời điểm này của những năm trước đây, đã thấy có thương lái từ các nơi như thành phố Vinh, Hà Nội, Hải Phòng… về thu mua cành đào người dân trồng và đưa từ nước bạn Lào về. Tuy nhiên, hiện nay (ngày 20/1/2021) thì chưa thấy có. “Sở dĩ chúng tôi nói ra điều này vì những người thu mua đào rất dễ nhận biết, họ lên Tri Lễ thường kèm theo xe dàn (loại xe ô tô có thùng lớn, dài) để chở đào…” - một cán bộ xã Tri Lễ trao đổi.

Người dân trồng đào và những người thu mua, kinh doanh đào sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển đi các nơi. Ảnh: Nhật Lân
Người dân trồng đào và những người thu mua, kinh doanh đào sẽ được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận chuyển đi các nơi. Ảnh: Nhật Lân

Theo ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có đào do người dân trồng, không có đào rừng tự nhiên, thế nên, dịp đầu năm này, Sở chỉ tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng. Còn với đào người dân trồng thì người dân tự quyết định. “Để tạo thuận lợi cho người dân và  đặc biệt là đối tượng thu mua, kinh doanh đào trong quá trình vận chuyển đi các nơi, Sở cũng sẽ giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm xác nhận về nguồn gốc, xuất xứ khi họ có nhu cầu…” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Tiến Lâm trao đổi.

Tin mới