Nghệ An kiến nghị, đề xuất 5 nội dung với Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Sáng 4/1, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội chính Đảng.
Điểm cầu tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Điểm cầu tại Nghệ An. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dự, chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các ban Đảng Trung ương, cơ quan Trung ương.

Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương và các đồng chí Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Đức Cường- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Hồ Lê Ngọc - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành trong khối Nội chính.

SỚM HOÀN THIỆN CƠ CHẾ BẢO VỆ CÁN BỘ DÁM NGHĨ, DÁM LÀM, DÁM ĐỘT PHÁ VÌ LỢI ÍCH CHUNG

Tại hội nghị, đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An đã trình bày tham luận về một số kinh nghiệm trong công tác tự phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án theo kế hoạch số 15-KH/BNCTW, ngày 25/5/2021 của Ban Nội chính Trung ương.

Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy
Đồng chí Hồ Lê Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, thi đua thực hiện chỉ tiêu kế hoạch đề ra; qua đó rút ra một số vấn đề có thể được coi là cách làm có hiệu quả trong tự phát hiện, tham mưu, xử lý các vụ án, vụ việc.

Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An, trước hết cần lựa chọn, sử dụng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực phù hợp, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cách thức nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu để tham mưu, xử lý; chủ động, tích cực, kịp thời trong đánh giá, xử lý thông tin, tài liệu thu thập được.

Mặt khác, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để thường xuyên tham mưu Thường trực Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm Thông báo số 01-TB/BCĐTW, ngày 19/3/2021 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra và xử lý theo quy định, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra mới chuyển.

Tuy nhiên, qua thực tiễn công tác, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An cho biết đã xuất hiện tình trạng “tâm lý bất an, sợ sai, không dám làm ở một bộ phận cán bộ, công chức”, đây là vấn đề đáng quan tâm, vì sẽ cản trở động lực phát triển của đất nước.

Có thể thấy một vài nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên như: Chính sách pháp luật tuy ngày càng hoàn thiện nhưng chưa có sự đồng bộ, vẫn còn có những vấn đề chưa theo kịp thực tiễn.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Một bộ phận cán bộ có năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ hoặc có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm còn hạn chế, không quyết liệt, không muốn làm hoặc làm nhưng theo kiểu “nghe ngóng”, né tránh. Việc phân hóa trách nhiệm hình sự trong các văn bản chưa toàn diện.

Đặc biệt, cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung tuy đã được Bộ Chính trị ban hành tại Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 nhưng chưa được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật, dẫn đến việc cán bộ trong quá trình công tác còn e ngại, không dám đột phá.

Từ thực tế đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An đề xuất 2 giải pháp. Đó là cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi, phù hợp với thực tế hiện nay.

Mặt khác, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm cần được phân loại một cách đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chế định về phân hóa trách nhiệm hình sự để đảm bảo tính tương thích với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

KHẮC PHỤC NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG GIÁM ĐỊNH, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN

Ngoài ra, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nói chung, theo Kế hoạch thi đua chuyên đề của Ban Nội chính Trung ương nói riêng, Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An kiến nghị, đề xuất Ban Nội chính Trung ương 3 vấn đề.

Trước hết từ thực tiễn cho thấy, có vụ việc, vụ án tuy đã xử lý, giải quyết xong nhưng qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện việc xử lý chưa nghiêm minh, thậm chí bỏ lọt hành vi vi phạm, tội phạm. Do vậy, ngoài hai tiêu chí “vụ việc chưa được phát hiện” và “vụ việc, vụ án đã được phát hiện nhưng chưa xử lý dứt điểm, còn kéo dài” như Kế hoạch số 15-KH/BNCTW đã nêu, đề nghị bổ sung thêm tiêu chí “phát hiện, tham mưu, xử lý vụ việc, vụ án đã được xử lý, giải quyết nhưng chưa nghiêm, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi vi phạm, tội phạm” để thi đua thực hiện.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Nghệ An cũng kiến nghị Trung ương nghiên cứu giải pháp để khắc phục độ trễ về mặt thời gian khi thực hiện yêu cầu của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để thụ lý, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không chờ đến khi kết thúc quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán mới chuyển”, nhằm giúp việc phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng, tiêu cực nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.

Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An cũng kiến nghị nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Tin mới