Nghệ An kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt

(Baonghean.vn) - Đó là khẳng định của đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra sáng 12/8.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: Thành Cường
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021. Ảnh: Thành Cường

TỔNG MỨC ĐẨU TƯ TĂNG GẦN GẤP 3 LẦN SO VỚI CÙNG KỲ

 Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2021, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định: Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, dù dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, kết quả kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm cơ bản ổn định, trong đó có một số ngành, lĩnh vực đạt được kết quả tăng trưởng khá.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 7,58%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,58%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 13,8% (riêng công nghiệp tăng 20,44%); khu vực dịch vụ tăng 5,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,62%.  

Thu ngân sách nhà nước thực hiện 10.042 tỷ đồng, đạt 71,6% dự toán và tăng 37,8% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm, tỉnh đã cấp mới 51 dự án, điều chỉnh 69 lượt dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 12.063 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng dự án tăng 24%, tổng mức đầu tư tăng gần gấp 3 lần.

Thành lập mới 1.003 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký 10.997 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, nhất là tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và dựa vào dân để chống dịch”; đồng thời thiết lập, củng cố hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm "4 tại chỗ". Gắn với chống dịch là chăm lo an sinh xã hội trong bối cảnh tác động bởi dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng khẳng định, công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được chỉ đạo gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An cơ bản đã hoàn thành công tác GPMB bàn giao cho nhà đầu tư
Tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

10 NHÓM NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2021

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh, do tác động của dịch bệnh Covid-19, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Số lượng người lao động bị mất việc, tạm ngừng việc tăng lên. 

Tiến độ triển khai trên hiện trường tại một số dự án như Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp WHA, Khu công nghiệp Hoàng Mai I còn chậm so với yêu cầu.

Mặc dù tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của toàn tỉnh đang ở mức cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Tập trung tăng trưởng ngành nông nghiệp để bù đắp các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Tập trung tăng trưởng ngành nông nghiệp để bù đắp các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa

UBND tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm như sau:

- Tập trung cao cho công tác phòng, chống và kiểm soát, khống chế dịch Covid-19 trên quan điểm: kịp thời, quyết liệt, đồng bộ và dựa vào dân; ngăn chặn, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây nhiễm từ bên ngoài; thực hiện nghiêm các biện pháp khai báo y tế bắt buộc, thực hiện cách ly, giám sát, xét nghiệm đối với những người trở về từ các địa phương có dịch.

- Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc các ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch và kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Trong đó, tập trung cho những ngành có điều kiện tăng trưởng như nông nghiệp, công nghiệp để bù đắp cho những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; chủ động, kịp thời rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, chủ động giải quyết theo thẩm quyền, không né tránh, không đùn đẩy.

- Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 100% kế hoạch đầu tư công năm 2021.

Kiên quyết rà soát điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có hiệu quả còn thiếu vốn để bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.  

- Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thực chất, hiệu quả, tạo sức hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm.

Tập trung tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng để bù đắp các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Tập trung tăng trưởng ngành vật liệu xây dựng để bù đắp các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa

- Chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách. Kịp thời xử lý kinh phí phòng, chống dịch bệnh và tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

- Chăm lo các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội; chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai năm học mới 2021-2022.

Thực hiện tốt chính sách người có công; công tác giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

- Thực hiện hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tập trung tăng trưởng ngành công nghiệp để bù đắp các ngành bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Mai Hoa
Ảnh tư liệu minh họa. Ảnh: Mai Hoa

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, chế độ chính sách sau sáp nhập tổ chức bộ máy, nhất là sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và khối, xóm, bản.

- Tiếp tục chỉ đạo giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giải quyết tốt công tác thanh tra, khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để xảy ra bức xúc, bất bình trong nhân dân, không để các vụ việc tồn đọng, kéo dài.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là: “Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác, tích cực thực hiện phòng, chống dịch và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường giám sát không gian mạng để loại bỏ các thông tin xấu độc; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tin mới