Nghệ An lên phương án di dời gần 150 hộ dân có nguy cơ bị sạt lở đất ở Kỳ Sơn

(Baonghean.vn) - Tại 3 bản ở xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn có các khu dân cư và trường học nằm bên suối, phía trên là núi đất đã nứt nên nguy cơ sạt lở cao và thiệt hại rất lớn nếu mưa lũ lớn xảy ra.
Khảo sát, kiểm tra nguy cơ sạt lở núi tại bản Văng Pao, xã Mường Típ khiến 63 hộ dân phải có phương án di dời khẩn cấp khi có mưa lũ lớn. Ảnh: Nguyễn Hải
Khảo sát, kiểm tra nguy cơ sạt lở núi tại bản Văng Pao, xã Mường Típ khiến 63 hộ dân phải có phương án di dời khẩn cấp khi có mưa lũ lớn. Ảnh: Nguyễn Hải
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 2, chiều 03/7, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi kiểm tra, khảo sát một điểm có nguy cơ sạt lở cao tại địa bàn Kỳ Sơn.
Cùng đi có đại diện các Chi cục và lãnh đạọ huyện Kỳ Sơn.
Tại xã Mường Típ, đoàn đã đi thực địa tại bản Văng Pao và bản Na Mi (xã Mường Típ) và bản Xốp Phong (xã Mường Ải) cách thị trấn Mường Xén khoảng 60 km. Đây là những điểm có khu dân cư và trường học ở bên suối, phía trên là núi đất đã nứt nên nguy cơ sạt lở cao và thiệt hại rất lớn nếu mưa lũ lớn xảy ra.
Khảo sát tại Bản Na Mi, một trong những điểm có nguy cơ sạt lở cao của xã Mường Típ khiến 58 hộ dân phải có phương án di dời. Ảnh: Nguyễn Hải
Bản Na Mi, xã Mường Típ có 58 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: Nguyễn Hải
Cụ thể, theo khảo sát của huyện Kỳ Sơn, điểm tại bản Văn Pao có 63 hộ, bản Na Mi có 58 hộ và bản Xốp Phong có 28 hộ dân khi có mưa dài ngày đều phải sơ tán để đảm bảo an toàn. Hiện tại, UBND huyện Kỳ Sơn đã xây dựng phương án di dời và tái định cư các khu vực trên trình Sở Nông nghiệp & PTNT nhưng do mức kinh phí lớn (khoảng 18 tỷ đồng) nên chưa thể triển khai.
Kiểm tra thực địa tình hình sạt lở tại bản Xốp Pho, xã Mường Ải khiến 28 hộ dân tại đây phải sắp xếp di dời. Ảnh: Nguyễn Hải
Kiểm tra thực địa tình hình sạt lở tại bản Xốp Phong, xã Mường Ải. Ảnh: Nguyễn Hải
Trên cơ sở trao đổi và nắm tình hình tại hiện trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh, đây là những điểm sạt lở mới phát sinh và đối tượng người dân bị ảnh hưởng lớn, kinh phí cao nên đề nghị huyện Kỳ Sơn cần khẩn trương và khảo sát thật kỹ, có phương án, cơ sở thuyết phục để cùng với tỉnh trình Trung ương. 
Cũng trong chuyến công tác, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh còn kiểm tra thực tế tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn các xã Chiêu Lưu, Tà Cạ và Mường Típ.
Kiểm tra chốt kiểm soát phòng dịch tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Đây là điểm đầu của huyện, hiện tại xã đã tiêu hủy 40 con trên tổng số đàn lợn 5.000 con. Ảnh: Nguyễn Hải
Kiểm tra chốt kiểm soát phòng dịch tả lợn châu Phi tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn. Hiện tại xã đã tiêu hủy 40 con lợn bị nhiễm dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Hải
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân, cần có phương án chủ động di dời đến nơi an toàn; trong khi chờ triển khai dự án tái định cư, cần bố trí lực lượng để thường xuyên cảnh báo cho người dân... 
Chốt kiểm dịch xã Mường Típ phun khử trùng các xe qua lại vào xã. Ảnh: Nguyễn Hải
Biên phòng hỗ trợ chốt kiểm dịch xã Mường Típ phun khử trùng các xe qua lại địa bàn. Ảnh: Nguyễn Hải
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 17/21 xã, thị trấn của huyện Kỳ Sơn; hiện tại, huyện đã tiêu hủy gần 2.000 con lợn trên tổng số đàn khoảng 5.000 con./.

Tin mới