Nghệ An: Mở "kho báu" cây dược liệu

(Baonghean) - Từ xa xưa núi rừng Quế Phong đã bén duyên với các loài cây dược liệu như đẳng sâm, sâm đất, mũ từn, bon bo, quế, sa nhân, chè hoa vàng, nhân trần, chè vằng, máu chó... Trong đó cây quế có thể xem là cây chủ đạo gắn liền với tên gọi vùng đất này. Tuy vậy, trong thời kỳ dài cây dược liệu mới chỉ được khai thác đơn lẻ. Những năm gần đây, sản phẩm của cây dược liệu không chỉ được khai thác để chữa trị các loại bệnh, mà còn bán ra ngoài thị trường với giá trị kinh tế cao... 
“Kho báu trên núi”!
Những ngày cuối đông, gia đình anh Ngân Văn Thu ở xóm Cây Dừa, xã Mường Nọc (Quế Phong) ngày nào cũng sáng ánh đèn 24/24 giờ để kịp sấy khô sản phẩm hoa và búp chè vàng. Anh Thu cho biết mùa Đông là mùa chính vụ thu hoạch chè hoa vàng, mỗi ngày gia đình anh phải đặt hàng mới mua được chừng 3 yến hoa và búp tươi. Mỗi yến tươi sau khi sấy còn 5 kg sản phẩm hoa và búp chè vàng khô. Tại thời điểm này, mỗi kg chè hoa vàng khô có giá từ 2,5 - 3 triệu đồng, nhưng vẫn luôn “cháy hàng”. Nhận thấy nguồn thu lớn và ổn định, anh Ngân Văn Thu đã đầu tư công nghệ máy sấy để sấy khô ngay tại nhà. Ở Quế Phong, mô hình như anh Thu không hiếm.
Sản phẩm hoa và búp chè vàng sấy khô tại gia đình anh Ngân Văn Thu.
Sản phẩm hoa và búp chè vàng sấy khô tại gia đình anh Ngân Văn Thu.
Là huyện miền núi có tiềm năng về phát triển lâm nghiệp, Quế Phong có nhiều loại thực vật quý hiếm với hệ sinh thái đặc trưng tiêu biểu vùng Tây Bắc Nghệ An và Bắc Trường Sơn. Điều kiện tự nhiên phong phú với rừng mưa nhiệt đới thứ sinh, đa dạng về chủng loại động vật và thảm thực vật rừng; trong đó có các loại cây dược liệu quý hiếm trong tự nhiên mà giá trị dược liệu đã được khẳng định qua kinh nghiệm cổ truyền và cả bằng công nghệ hiện đại. Trong những năm gần đây trên địa bàn huyện có một số hộ đã bắt đầu trồng, chăm sóc, bảo vệ và phát triển các loại cây dược liệu để làm thuốc. 
Anh Lô Hùng Cường - Phó trưởng phòng Công Thương huyện Quế Phong, người có nhiều năm gắn bó với đề án phát triển cây dược liệu cho biết: Nhận ra tiềm năng lớn về phát triển vùng dược liệu nên những năm gần đây huyện đã liên kết với các nhà khoa học, các cơ sở y tế cổ truyền, các doanh nghiệp để tìm hướng đi cho cây dược liệu. Không chỉ bảo quản cây dược liệu tự nhiên, mà còn quy hoạch trồng mới, gắn với chế biến, bảo quản, quảng bá, tiêu thụ.
Sơ đồ hiện trạng diện tích, năng suất, sản lượng một số cây dược liệu ở Quế Phong
Sơ đồ hiện trạng diện tích, năng suất, sản lượng một số cây dược liệu ở Quế Phong
Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho rằng: Khối tài sản dược liệu vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho nước ta (trên 3.900 cây làm thuốc, trong đó tại Nghệ An có 962 loài và huyện Quế Phong có hơn 372 loài) đã và đang có nguy cơ bị tàn phá và suy kiệt nghiêm trọng, nhiều loài quý hiếm có khả năng biến mất hoàn toàn do việc khai thác bừa bãi, trong khi chưa chú ý đến việc bảo tồn và tái sinh. Vì vậy, Quế Phong đã xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2015 - 2020” để vừa bảo tồn, vừa khai thác giá trị “kho báu” dược liệu mà thiên nhiên ưu đãi để phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, mang lại giá trị lợi nhuận để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế.
Kịp thời bảo tồn gắn với khai thác hiệu quả
Lãnh đạo huyện Quế Phong đi khảo sát cây chè hoa vàng ở xã Đồng Văn. Ảnh: Lô Hùng cường
Lãnh đạo huyện Quế Phong đi khảo sát cây chè hoa vàng ở xã Đồng Văn. Ảnh: Lô Hùng Cường
Qua khảo sát đánh giá hiện trạng, Quế Phong có những điều kiện thuận lợi cơ bản để bảo tồn và phát triển các loài cây thuốc thành vùng trồng dược liệu rộng lớn. Theo đồng chí Lê Văn Giáp - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện: Khu vực xây dựng bảo tồn và dự kiến trồng cây dược liệu có thể xem là “nóc nhà” của vùng Bắc Trung bộ, có đỉnh Pù Hoạt cao 2.457m. Địa hình và thổ nhưỡng đặc trưng của Quế Phong là được thiên nhiên ưu đãi không phải địa phương nào cũng có được để trồng cây dược liệu. Vì thế, phấn đấu đến năm 2020 diện tích bảo tồn và trồng mới 682 ha dược liệu; chủ yếu tập trung bảo tồn các loại cây dược liệu có trong rừng tự nhiên; bảo tồn 585 ha hiện có cây dược liệu để nâng cao chất lượng và năng suất các cây như: bon bo (mạc cà), sa nhân, chè hoa vàng, chè dây, thiên niên kiện, củ mài núi (hoài sơn); xây dựng các mô hình trồng thí điểm với diện tích 97 ha.
Hoa đẳng sâm.
Hoa đẳng sâm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cây dược liệu được bố trí như sau: Cây chè hoa vàng được phân bố tự nhiên và tập trung trên địa bàn các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Châu Kim và Mường Nọc. Trước mắt tập trung vào công tác bảo tồn tại các xã Đồng Văn, Thông Thụ và Hạnh Dịch, trong tương lai có thể nhân rộng ra các xã Mường Nọc, Tiền Phong và Châu Kim. Đồng thời tạo giống cây, con tại chỗ để trồng làm mô hình thí điểm và trồng bổ sung vào diện tích bảo tồn trong rừng tự nhiên. Cây đẳng sâm phân bố tập trung tại địa bàn xã Thông Thụ, Đồng Văn, từ xưa đến nay đã được người dân sử dụng trong chữa trị một số bệnh và dùng để bồi bổ sức khỏe; dễ trồng, dễ chăm sóc và hiệu quả kinh tế cao, không ít người dân tại xã Thông Thụ đã tự tìm hiểu cách ươm giống.
Hiện nay huyện đang trồng thử nghiệm gần 1 ha tại địa bàn xã Thông Thụ. Đây là cây có thể xóa đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân trên địa bàn huyện, đặc biệt là tại các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Hạnh Dịch và mở rộng ra các xã khác trên địa bàn huyện. Giá bán bình quân khi còn tươi là 150.000 - 200.000 đồng/kg, phơi khô giá bình quân từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Ngoài ra các loại cây bon bo, sa nhân, nhân trần, chè dây, thiên niên kiện, củ mài núi (hoài sơn) được phân bố tự nhiên và tập trung nhiều ở các xã Nậm Nhoóng, Tri Lễ, Nậm Giải, Quang Phong, Châu Thôn và Cắm Muộn.
Với sự trăn trở, vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, hy vọng rằng những vùng cây dược liệu sẽ đem lại ấm no cho cuộc sống đồng bào các dân tộc huyện miền núi biên giới Quế Phong.
Ngô Kiên

Tin mới