Nghệ An: Mở rộng vùng xanh, từng bước trở về trạng thái bình thường mới

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương giữ vững thành quả đạt được, mở rộng vùng xanh, từng bước trở lại trạng thái bình thường mới. Công tác phòng, chống dịch thời gian tới phải chuyển dần từ bị động sang chủ động; phòng, chống dịch từ sớm, từ xa; phù hợp với tình hình mới, điều kiện mới, thực tế của từng địa phương.

Chiều 8/9, Thường trực Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức họp trực tuyến với 8 địa phương: TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quế Phong, Yên Thành để nghe và cho ý kiến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo; Chỉ huy trưởng Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chủ trì cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

821 CA NHIỄM KHỎI BỆNH

Tính đến 8h ngày 8/9, tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.752 ca bệnh Covid-19 ở 21 địa phương. Trong đó, TP. Vinh vẫn đang là nhóm nguy cơ rất cao (vùng đỏ) với 624 ca nhiễm, riêng từ ngày 14/8 đến nay đã có 519 ca nhiễm, trong đó có hơn 310 ca nhiễm trong cộng đồng.

Các địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao (vùng cam) gồm: TX. Cửa Lò, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quế Phong. Nhóm nguy cơ vừa (vùng vàng) gồm: Đô Lương, Yên Thành và những địa phương còn lại thuộc nhóm bình thường mới (vùng xanh).

Đến thời điểm này, vẫn còn 820 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 44 bệnh nhân phải thở ô xy, 15 bệnh nhân nặng thì có 7 bệnh nhân nguy kịch. Toàn tỉnh cũng đã tiêm vắc-xin cho 136.012 người (khoảng 3,88% dân số), trong đó có 68.148 người đã tiêm 2 mũi (khoảng 1,94% dân số).

Cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu các địa phương: Ảnh: Phạm Bằng
Cuộc họp được tổ chức trực tuyến đến điểm cầu 8 địa phương: TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu, Quế Phong, Yên Thành.  Ảnh: Phạm Bằng

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế cho rằng, qua 4 lần lấy mẫu xét nghiệm diện rộng thành phố Vinh đã phát hiện 114 F0, nhưng vẫn còn nguy cơ F0 tiềm ẩn trong cộng đồng. Vì thế, cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm diện rộng lần thứ 5 tại các khối, xã của phường Vinh Tân, Lê Lợi, Hưng Chính. Nếu cần thì có thể tiếp tục thực hiện lần thứ 6 nhằm tránh bỏ sót ca nhiễm, bóc tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm việc quản lý cách ly tại nhà, tăng cường công tác truyền thông.

Đối với vùng nguy cơ cao: TX. Cửa Lò đã làm xét nghiệm diện rộng 2 lần và đến nay phường Nghi Thủy vẫn rất phức tạp. Vì thế, cần tiếp tục xét nghiệm cộng đồng tại đây. Tại huyện Nghi Lộc, do có nhiều KCN cận kề TP. Vinh nên cần tăng cường biện pháp phòng, chống dịch tại các nhà máy, doanh nghiệp. Tại huyện Diễn Châu, phải quản lý chặt, chấn chỉnh các khu cách ly tập trung ở các xã: Diễn Hồng, Diễn Yên, Diễn Nguyên.

Huyện Nam Đàn do xuất hiện 4 ca dương tính ở xã Xuân Hòa nên cần theo dõi sát, có thể phải làm 1-2 lần xét nghiệm xã này. Huyện Hưng Nguyên cần theo dõi sát diễn biến và đảm bảo thực hiện biện pháp nâng cao so với Chỉ thị 16 tại 2 xóm của xã Hưng Thịnh.

Đối với huyện Quế Phong, do xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng tại xã Tri Lễ, Mường Nọc nên tiếp tục điều tra truy vết, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan. Huyện Yên Thành đã 10 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng thì cần kiểm soát chặt chẽ các trường hợp đi và về từ các vùng dịch.

Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế, Phó chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Dương Đình Chỉnh - Giám đốc Sở Y tế, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh phát biểu. Ảnh: Phạm Bằng

Tại cuộc họp, các địa phương đã báo cáo công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua, đề xuất giải pháp thời gian tới. Lãnh đạo các sở, ngành, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã nêu các ý kiến xung quanh vấn đề cung ứng hàng hóa; phòng, chống dịch trong Khu công nghiệp, doanh nghiệp; quản lý di biến động dân cư; tổ chức hoạt động vận tải; tăng cường tổ Covid-19 cộng đồng...

 CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đánh giá, trong thời gian qua, nhất là đợt cao điểm từ ngày 14/8 đến nay, công tác phòng, chống dịch có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả tích cực. Điều đó thể hiện từ số ca nhiễm giảm nhanh sau khoảng 3 tuần triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, đặc biệt là giảm số ca trong cộng đồng. Bên cạnh đó, số ca khỏi bệnh cũng tăng nhanh, đến 8h ngày 8/9 đã có 821 ca khỏi bệnh.

Diễn biến dịch tích cực còn thể hiện từ việc toàn tỉnh có 14 địa phương thực hiện Chỉ thị 16, 7 địa phương thực hiện Chỉ thị 15, riêng TP. Vinh thực hiện cao hơn Chỉ thị 16, đến nay chỉ còn 7 địa phương thực hiện Chỉ thị 16, 3 địa phương thực hiện Chỉ thị 15 và 11 địa phương thực hiện Chỉ thị 19, trở về trạng thái bình thường mới.

Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh kết luận cuộc họp. Ảnh: Phạm Bằng

Để đạt được kết quả đó, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ của các địa phương, tranh thủ thời gian giãn cách để xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, đưa F1 đi cách ly tập trung. Các lực lượng tuyến đầu đã tích cực, tâm huyết, trách nhiệm trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Sở Y tế và cá nhân đồng chí Giám đốc Sở Y tế.

Bên cạnh đó, lực lượng công an đã tích cực tổ chức tốt kiểm soát việc giãn cách trên địa bàn, tổ chức tốt công tác truy vết. Các ngành Quân sự, GTVT, Công Thương cũng thực hiện tốt nhiệm vụ. Các địa phương đã kêu gọi được sự đồng tình, ủng hộ, chấp hành của người dân trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là chấp hành nghiêm biện pháp giãn cách. Công tác tiêm chủng đã được đẩy nhanh, mặc dù lượng vắc-xin phân bổ còn hạn chế.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, diễn biến dịch trên cả nước vẫn còn phức tạp, tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài giãn cách; nguồn lực của tỉnh còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, trách nhiệm của một bộ phận chính quyền cấp cơ sở chưa cao.

Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại huyện Quế Phong. Ảnh tư liệu

TỪNG BƯỚC TRỞ VỀ TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG MỚI

Để giữ vững thành quả đạt được, mở rộng vùng xanh, từng bước đưa các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Công điện 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm: Mỗi phường, xã, thị trấn là một “pháo đài”, mỗi người dân là một “chiến sỹ” với 5 nội dung lớn.

"Trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới phải chuyển dần từ bị động sang chủ động; phòng, chống dịch từ sớm, từ xa. Các địa phương phải rà soát kịch bản phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới, điều kiện mới, thực tế của các địa bàn. Đặc biệt, phải quản lý chặt chẽ địa bàn, quản lý di biến động dân cư, phương tiện ra/vào địa bàn. Tổ chức cho các hộ dân ký cam kết chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19".

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung

Riêng đối với các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 thì tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để phối hợp với ngành Y tế tổ chức xét nghiệm tầm soát, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng tại các vùng nguy cơ cao. Tổ chức rà soát, xây dựng thêm các khu cách ly tập trung để khi xuất hiện các tình huống thì có điểm cách ly phù hợp với yêu cầu từng địa bàn.

Ngành Y tế tổ chức xây dựng thêm các bệnh viện dã chiến, đặc biệt quan tâm đến trung tâm cấp cứu bệnh nhân nặng. Tổ chức tiêm vắc-xin đảm bảo an toàn, khoa học, đảm bảo ANTT tại các điểm tiêm chủng. Địa phương nào tổ chức không tốt công tác tiêm chủng sẽ xem xét điều chỉnh lượng phân bổ vắc-xin. Trong công tác tiêm chủng lựa chọn những địa bàn ưu tiên, đối tượng ưu tiên, những địa bàn tập trung đông dân cư, địa bàn đông người lao động, tập trung đông đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng, như các KCN, chợ đầu mối.

Chỉ huy trưởng Trung tâm phòng, chống dịch Covid-19 cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị các điều kiện khi chuyển trạng thái bình thường mới có các biện pháp vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đưa các hoạt động trở về trạng thái bình thường mới. Muốn làm vậy, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng.

Như các cơ sở sản xuất kinh doanh phải có những biện pháp để khôi phục sản xuất, phù hợp với điều kiện dịch bệnh của từng địa bàn, đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả. Hay như các chợ cũng không thể đóng cửa mãi, phải có biện pháp để mở cửa phù hợp bằng việc quy định yêu cầu đối với tiểu thương, thời gian địa điểm tập kết hàng hóa, phân luồng, kiểm soát lượng người vào/ra…

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho tiểu thương, BQL các khu chợ. Ảnh: Quang An
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin cho tiểu thương, BQL các khu chợ. Ảnh: Quang An

Đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng yêu cầu các địa phương phải quan tâm đến hoạt động sinh hoạt, đi lại của người dân, với quan điểm đảm bảo công tác phòng, chống dịch nhưng phải điều kiện thuận lợi cho người dân, không cứng nhắc. UBND tỉnh đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành Cổng thông tin Covid-19 với nhiều chức năng, trong đó có phần mềm để người dân đăng ký đi lại trong thời gian phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ hàng hóa nông sản.

Các địa phương cũng phải quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng địa bàn để nâng cao cảnh báo về mức độ nguy hiểm, lây lan của dịch Covid-19. Từ đó, nâng cao ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của người dân. Đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, ngành Công an quản lý chặt chẽ sự di chuyển của người và phương tiện giữa các địa bàn, giữa các vùng dịch trên cả nước trở về, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ngành GTVT tổ chức hướng dẫn, lưu thông các phương tiện, tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa, cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị cho sản xuất kinh doanh.

Ngành LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; nghiên cứu giải pháp giải quyết việc làm cho những người dân vừa trở về quê. Ngành GD&ĐT phối hợp với các địa phương tổ chức giảng dạy phù hợp với điều kiện của từng địa bàn. Ban quản lý KKT Đông Nam hướng dẫn, quản lý, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các KCN, đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn; tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Ngành Tài chính rà soát nguồn lực để đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch.

Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh thống nhất với đề xuất của ngành Y tế: 6 địa phương gồm: TP. Vinh, TX. Cửa Lò, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Diễn Châu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Khi tình hình dịch diễn biến tích cực thì Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh sẽ báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh xin ý kiến để có sự điều chỉnh phù hợp.

Đối với huyện Yên Thành, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 9/9/2021. Đối với huyện Quế Phong, chuyển sang thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 0h ngày 9/9/2021. Riêng xã Tri Lễ, Mường Nọc thì thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ./.

Tin mới