Nghệ An: Mồng 2 Tết, thịt, rau tiêu thụ chậm, hải sản đội giá lên cao

(Baonghean.vn) - Trong sáng mồng 2 Tết, tại một số điểm chợ trên địa bàn Nghệ An đã có khá nhiều thực phẩm bày bán. Tuy nhiên lượng hàng tiêu thụ chậm và giá cả ổn định, chỉ có hải sản tươi sống là tăng giá mạnh.
Thịt, rau giữ giá nhưng tiêu thụ chậm
Trong ngày mồng 2 Tết, mặc dù sức mua chưa nhiều nhưng các mặt hàng thực phẩm, rau xanh đã được bà con bày bán khá nhiều trên địa bàn Yên Thành, Quỳnh Lưu. 
Thịt bò được mổ trong sáng mồng 2 Tết, tươi ngon tại khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành (Yên Thành), nhưng lượng người đến mua ít. Ảnh: Xuân Hoàng
Thịt bò tươi ngon bày bán tại khu vực chợ Rộc, xã Trung Thành (Yên Thành) trong sáng mồng 2 Tết nhưng lượng người đến mua ít. Ảnh: Xuân Hoàng

Chị Phan Thị Trinh, chủ hàng thịt bò ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành cho biết, sáng mồng 2 Tết, chị mổ con bò được 1,3 tạ thịt. Nếu như các năm trước, thời điểm này khách mua thịt khá nhiều, thì năm nay khách giảm hẳn, mặc dù giá thịt giảm hơn những ngày trước Tết. Hiện giá thịt bò từ 220.000 - 240.000 đồng/kg. 

"Phần lớn số thịt đã bán được do các nhà hàng đặt, còn người dân mua về sử dụng ít, lo rằng ngày hôm nay khó bán hết số thịt này", chị Trinh chia sẻ.
Trong sáng mồng 2 tế, hàng rau ở Yên Thành mặc dù có khá nhiều người mua, nhưng giá vẫn rất rẻ. Ảnh: Xuân Hoàng
Trong sáng mồng 2 Tết, hàng rau ở Yên Thành mặc dù có khá nhiều người mua, nhưng giá vẫn rất rẻ. Ảnh: Xuân Hoàng

Gần đó, tại bàn thịt lợn của chị Nguyễn Thị Anh, khách đến mua rất ít. Chị Anh cho hay, sáng sớm mồng 2 tết, vợ chồng mổ con lợn 80 kg, nhưng đến gần trưa mới bán được 1/2 số thịt. Giá thịt lợn ngày đầu năm dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, như những ngày trước Tết. 

Hàng rau xanh các loại dù người bán chưa nhiều nhưng giá rất rẻ. Chị Lan, chủ hàng rau tại khu vực chợ Rộc cho biết, tất cả các loại rau đều rẻ như trước Tết. Khác với mọi năm, sau Tết rau xanh thường đội giá cao nhưng năm nay giá rau cúc chỉ 2.000 đồng/bó, rau cần 5.000 đồng/bó, cải bắp 3.000 đồng/bắp...
Ngoài khu vực chợ rộc, trên địa bàn Yên Thành còn có một số điểm đã có thực phẩm bán trong sáng mồng 2 Tết như chợ Hôm (Hợp Thành)... Đây là những khu vực chợ luôn thu hút lượng người đến mua bán nhiều nhất trên địa bàn Yên Thành.
Hàng thịt lợn cũng rất ít khách trong sáng mồng 2 Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Hàng thịt lợn cũng rất ít khách trong sáng mồng 2 Tết. Ảnh: Xuân Hoàng
Trong khi ở Yên Thành giá cả thực phẩm ổn định như trước Tết thì ở Quỳnh Lưu, sức mua cao hơn, giá tăng nhẹ. Sáng mùng 2, khu vực chợ ngã tư Giát, các tiểu thương đã bày bán thực phẩm, rau xanh từ rất sớm. Ghi nhận của phóng viên, giá thực phẩm tăng nhẹ so với trước Tết.
Cụ thể, thịt bò loại 1, trước Tết 280.000 đồng/kg thì đến mùng 2 tết tăng thêm 5.000 đồng/kg; thịt lợn loại 1 hiện giá 180.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg so với trước Tết). Đối với mặt hàng rau xanh, sức mua tăng, do nhu cầu sử dụng của người dân.
Sau tết, các mặt hàng hải sản từ biển “ đội giá” lên gấp 2-3 lần. Ảnh Việt Hùng
Sau Tết, các mặt hàng hải sản tươi sống “đội giá” lên gấp 2-3 lần. Ảnh: Việt Hùng
Nguyên nhân các mặt hàng rau, thịt các loại ngày đầu năm tiêu thụ chậm, theo các chủ hàng cho rằng, năm nay thanh niên về quê ăn Tết giảm nhiều, cùng đó là thời tiết ấm, nên nguồn cung dồi dào. Mặt khác, dịp tết năm nay nắng ấm nên nhu cầu sử dụng rau xanh cho món lẩu hạn chế, sức tiêu thụ giảm hẳn.
Hải sản tăng giá mạnh
Tăng giá mạnh nhất trong phiên chợ đầu năm là mặt hàng hải sản tươi sống. Qua tìm hiểu tại các điểm chợ lớn như chợ Giát, chợ Quỳnh Văn, Quỳnh Ngọc... của huyện Quỳnh Lưu trong sáng mồng 2 Tết cho thấy, các chủ hàng đẩy giá đồng loạt lên cao.
Cá vược có giá 160 nghìn đồng/kg, tăng giá 30-40 nghìn đồng/kg. Ảnh: Việt Hùng
Cá vược có giá 160 nghìn đồng/kg, tăng giá 30-40 nghìn đồng/kg so với trước Tết. Ảnh: Việt Hùng

Cụ thể, cá cháo trước Tết có giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg nay được đẩy lên 170 - 200 nghìn đồng/kg; tôm trước Tết 150 nghìn đồng/kg nay được đẩy giá lên 300 nghìn đồng/kg; ốc mỡ 130 nghìn đồng lên giá 170 nghìn đồng/kg; mực từ 150 nghìn lên giá 200 - 250 nghìn đồng/kg… Các mặt hàng đa số được nâng giá lên cao gấp 2-3 lần.

Chị Nguyễn Thị Hương - một chủ hàng bán hải sản cho biết: Nguyên nhân giá hàng hải sản cao hơn trước Tết là do tâm lý người dân ăn Tết chủ yếu là thực phẩm được chế biến từ thịt; ra Tết, hầu hết họ đều chọn mua hải sản, trong khi tàu đánh bắt chưa ra khơi nên giá cả được đẩy lên.

Tin mới