Nghệ An: Một số địa phương chậm chi trả hỗ trợ tiêu hủy lợn bị dịch tả châu Phi

(Baonghean) - Hàng nghìn hộ chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An bị thiệt hại nặng bởi dịch tả lợn châu Phi tấn công. Trong cuối tháng 6, các địa phương đã nhận được tiền hỗ trợ của tỉnh, nhưng người chăn nuôi vẫn đang chờ đợi.
Bí nguồn đầu tư chăn nuôi
Tính đến ngày 27/6, 1.528 hộ chăn nuôi trên địa bàn Nghệ An đã phải tiêu hủy lợn do mắc dịch tả châu Phi. Có những đôi vợ chồng trẻ mạnh dạn đầu tư chuồng trại, chăn nuôi lợn nái, lợn thịt quy mô lớn, nhưng dịch bệnh đã đẩy họ ôm món nợ với đối tác cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi…
Gia đình ông Hoàng Văn Lan ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), là hộ xảy ra ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn Nghệ An vào ngày 13/3/2019.
Huyện Quỳnh Lưu tiêu hủy lợn dịch. Ảnh tư liệu
Huyện Quỳnh Lưu tiêu hủy lợn dịch. Ảnh tư liệu
Ông Lan cho hay: Chăn nuôi lợn dù là phụ nhưng nguồn thu nhập chính của gia đình trong nhiều năm trước. Lúc nào gia đình cũng nuôi 2 lợn nái, mỗi năm xuất 2 lứa lợn con, thu nhập được khoảng 30 triệu đồng. Nhờ nguồn thu từ bán lợn giống, cuộc sống của gia đình tuy chưa khá giả, nhưng ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học.
Đùng một cái, vào ngày 13/3, đàn lợn của gia đình được cơ quan thú y thông báo bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi, ngay sau đó chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn lợn theo quy định của Nhà nước. Từ đó đến nay, chuồng trại của gia đình trong tình trạng trống không, vợ chồng không có việc gì làm ra tiền.
 
Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Ngày 24/4, xã đã có tờ trình về việc đề nghị quyết toán kinh phí thực hiện chi hỗ trợ để khôi phục sản xuất sau dịch tả lợn châu Phi năm 2019. Xã đã gửi UBND huyện, phòng Nông nghiệp và PTNT và phòng Tài chính huyện. Nhưng đến ngày 27/6, các hộ chưa nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước. 

Ông Lê Xuân Thanh - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu)

Qua trao đổi, ông Nguyễn Đình Quyền - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn (Đô Lương) cho biết: Sau khi huyện công bố hết dịch tại địa phương, chính quyền xã đã lập văn bản gửi UBND huyện đề nghị hỗ trợ tiền theo cơ chế, chính sách của Nhà nước cho hộ chăn nuôi. Tuy nhiên, chính quyền và người dân chưa nhận được thông tin gì về tiền hỗ trợ của Nhà nước đối với gia đình có lợn bị tiêu hủy. 
Vì sao chậm trễ?
Ông Hồ Anh Thắng - Trưởng phòng Tài chính huyện Quỳnh Lưu cho biết, phòng đã nhận được số tiền hơn 37.800.000 đồng do Sở Tài chính gửi về hỗ trợ cho các hộ dân có lợn tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi từ ngày 14/6. Tuy nhiên ông Thắng cho rằng, do phòng “bận” nhiều việc nên chưa thực hiện các thủ tục chi trả cho các hộ dân được. 
Đàn lợn nái của gia đình anh nguyễn Văn Hòa, xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương) phải tiêu hủy vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Huyện Đô Lương tiến hành tiêu hủy đàn lợn nái nhiễm dịch của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa ở xóm Long Minh, xã Minh Sơn (Đô Lương). Ảnh: Xuân Hoàng
Còn tại huyện Đô Lương, khi được hỏi về chuyển tiền hỗ trợ của tỉnh cho các hộ có lợn bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi vừa qua, thì ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Tài chính huyện không nắm được thông tin này. Khi chúng tôi đề nghị phòng Tài chính kiểm tra, sau đó ông Bình mới biết số tiền hơn 72 triệu đồng do Sở Tài chính đã chuyển về cho huyện Đô Lương từ ngày 17/6. Như vậy, phải chăng sự thiếu quan tâm của phòng Tài chính huyện Đô Lương đã vô tình đẩy người chăn nuôi vào tình thế khó khăn hơn.
Từ thực tế cho thấy, sau khi tiêu hủy lợn, người chăn nuôi mất đi nguồn thu nhập, việc đầu tư chăn nuôi gặp khó khăn về nguồn vốn. Hệ lụy nữa là sau thời gian dài không được tái đàn chăn nuôi lợn, các hộ lo lắng và chưa biết nuôi con gì phù hợp...

Tin mới