Nghệ An: Nhà đầu tư chưa mặn mà với nước sạch nông thôn

(Baonghean.vn) -Thay vì đầu tư bền vững để kinh doanh thì các doanh nghiệp tại Nghệ An lại tỏ ra thiếu mặn mà với các công trình nước sạch ở nông thôn; nhiều dự án dang dở mà không ai tiếp quản...
Nguồn vốn đầu tư cho cấp nước hạn hẹp, dàn trải
Trước đây, mỗi năm, khu vực nông thôn Nghệ An được đầu tư hàng chục tỷ đồng, từ nhiều nguồn vốn đầu tư và tài trợ để nâng cấp hạ tầng cấp nước cũng như sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng nước đảm bảo sạch và hợp vệ sinh.
Ngoài nguồn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường thì còn có dự án tài trợ của Danina, vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức UNICEP... thì nay chỉ còn lại nguồn vốn sự nghiệp và lồng ghép từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Cụ thể, số tiền chỉ khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, trong đó 1,617 tỷ đồng ngân sách cấp và 400 triệu đồng từ Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Bể lắng lọc của dự án cấp nước Diễn Tháp thi công nhưng chưa hoàn chỉnh vì thiếu vốn đối ứng của địa phương. Ảnh: Nguyễn Hải
Bể lắng lọc của dự án cấp nước Diễn Tháp thi công nhưng chưa hoàn chỉnh vì thiếu vốn đối ứng của địa phương. Ảnh: Nguyễn Hải

Vì lý do trên nên mặc dù hàng năm, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh vẫn lấy mẫu nước từ các nhà máy cung cấp nước sạch khu vực nông thôn để kiểm nghiệm, theo dõi nhưng việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa và nhất là truyền thông nâng cao ý thức sử dụng nước sạch hợp vệ sinh rất hạn chế.

Tại các vùng thiếu nước sinh hoạt “kinh niên” như các xã bãi dọc, bãi ngang ven biển Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai hay Diễn Châu, mỗi dịp đến mùa Hè, nắng nóng thì người dân đều phải dùng nước sạch với giá cắt cổ, bình quân mỗi xe nước 4-5 khối có giá trên dưới 200.000 đồng (50.000 đồng/m3). Trong khi người dân vùng ven biển, cuối nguồn nông giang thiếu nước ngọt để sinh hoạt thì ở các huyện miền núi cao, mặc dù Nhà nước và các nguồn tài trợ khác đã tốn không ít kinh phí đầu tư để làm công trình nước tự chảy nhưng do quản lý lỏng lẻo, kinh phí duy tu, bảo dưỡng ít nên xuống cấp rất nhanh.
Thực tế trên kết hợp với yếu tố biến đổi khí hậu, tình trạng khai thác tài nguyên, chặt phá rừng đầu nguồn bừa bãi nên nhiều công trình nước tự chảy không giữ được nguồn nước phía thượng lưu nên các bể nước phía hạ nguồn vô tình mất tác dụng, hiệu quả.

Kinh phí đầu tư, hỗ trợ ngày càng hạn hẹp khiến Trung tâm và các địa phương không thể tiếp tục nâng cấp hạ tầng cấp nước hoặc tiếp tục triển khai các dự án dang dở nhằm nâng tỷ lệ cấp nước sạch cho vùng nông thôn. Một số cơ sở cung cấp nước sạch do trung tâm quản lý mà điển hình là cơ sở tại xã Hưng Tân và Hưng Phúc cấp nước cho 6 xã của huyện Hưng Nguyên xuống cấp nặng nhưng không có nguồn nâng cấp, sửa chữa lớn.  

Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Nghệ An

Nguồn nước đầu vào tại Trạm Hưng Tân không thực sự sạch khiến người dân không yên tâm cho mục đích ăn uống. Ảnh: Nguyễn Hải
Nguồn nước đầu vào tại Trạm Hưng Tân không thực sự sạch khiến người dân không yên tâm cho mục đích ăn uống. Ảnh: Nguyễn Hải

Cũng theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 517 công trình cấp nước tập trung, có 29 công trình hoạt động bền vững, 174 công trình tương đối bền vững; còn lại 187 công trình kém bền vững, chiếm 36,2%; 124 công trình không hoạt động, chiếm 24,6%. 

Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nước sạch vệ sinh môi trường kết thúc từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn còn 15 dự án dở dang, chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu cấp nước cũng như khó khăn cho công tác quản lý, đầu tư xây dựng các công trình.

Giải pháp để 86% hộ dân dùng nước hợp vệ sinh?
Theo mục tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra, đến năm 2022, toàn tỉnh phải có 86% tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, hiện đã đạt tỷ lệ 85%. Mặc dù tỷ lệ trên là kết quả phấn đấu của tỉnh nhưng so với bình quân chung của cả nước là 88% thì tỷ lệ hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở Nghệ An còn thấp và thấp thua 2 tỉnh bên cạnh là Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã đạt lần lượt là 95% và 92%.    
Mặc dù thời gian còn lại hơn 6 tháng và mục tiêu tăng thêm 1% sẽ đạt mục tiêu đề ra nhưng việc thực hiện trong thực tế không hề đơn giản.
Ngoài lý do khách quan là có 15 dự án cấp nước sinh hoạt thi công dang dở, chậm tiến độ khiến 109.723 người dân khu vực nông thôn không có nước sinh hoạt hợp vệ sinh để dùng thì thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành chuẩn mới về nước sạch và nước hợp vệ sinh, theo đó tiêu chí về chất lượng sẽ được nâng cao hơn.
Công trình cấp nước ngọt thi công dang dở tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh: Nguyễn Hải
Công trình cấp nước ngọt thi công dang dở tại xã Quỳnh Thọ. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện nước sạch và VSMT là lĩnh vực kinh doanh được khuyến khích xã hội hóa đầu tư nhưng các doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa mặn mà. Cùng với lý do ngân sách đầu tư quá dàn trải, địa phương thì thụ động khiến nhiều dự án dang dở nay không có vốn triển khai tiếp thì định mức đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm là lực cản khiến nhà đầu tư phải cân nhắc.

Cụ thể, dự án cấp nước xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) có tổng mức đầu tư 27,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ 24,7 tỷ đồng, vốn địa phương là 2,74 tỷ đồng. Sau hơn 6 năm đầu tư, đến năm 2020, vốn đã đầu tư huy động được 11,072 tỷ đồng là từ nguồn ngân sách, còn lại địa phương chưa đối ứng được đồng nào. Dự án cấp nước tại xã Quỳnh Lâm có tổng vốn đầu tư 20,88 tỷ đồng, ngân sách hỗ trợ 12,532 tỷ đồng, địa phương đối ứng 8,532 tỷ đồng nhưng sau 5 năm mới triển khai được 2,2 tỷ đồng từ ngân sách, địa phương không bố trí đồng nào nên phải đắp chiếu nằm chờ.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND xã Quỳnh Lâm và Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) cho biết: Từ năm 2020, chế độ, chính sách hỗ trợ cho các xã miền núi thấp (Quỳnh Lâm) hay bãi ngang (Quỳnh Thọ) đã không còn điều kiện và là xã vừa thoát nghèo nên nguồn thu ngân sách địa phương không thể có để đối ứng. Việc huy động người dân cũng vô cùng khó khăn nên chỉ trông chờ vào doanh nghiệp hoặc vốn vay.
Vì lý do trên nên hiện toàn tỉnh vẫn còn 15 dự án thi công dang dở, trong đó 6 công trình thuộc diện khó giải và rất khó huy động vốn để đầu tư tiếp. Ước tính sơ bộ, để triển khai tiếp các dự án dang dở, cần số tiền 101,1 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách còn thiếu của 6 dự án dang dở là 57,055 tỷ đồng và nguồn vốn địa phương, người dân và huy động khác là 44,056 tỷ đồng. 
Các hạng mục đã thi công tại dự án cấp nước xã Quỳnh Thọ đang dang dở và xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Hải
Các hạng mục đã thi công tại dự án cấp nước xã Quỳnh Thọ đang dang dở và xuống cấp. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo chúng tôi, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa của việc các nhà đầu tư, doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào cung cấp nước sạch là do lợi nhuận từ việc này không nhiều và lâu thu hồi vốn. Hiện tại, mặc dù giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn được UBND tỉnh phê duyệt để bán, thấp nhất từ 2.500 đồng/m3/tháng đến cao nhất là 9.000 đồng/m3/tháng nhưng khác với khu vực đô thị, người dân nông thôn sử dụng nước máy khá tiết kiệm (dùng nguồn khác) nên doanh thu khá thấp.

Để giải bài toán trên, một mặt, tỉnh cần rà soát để hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm các dự án sắp hoàn thành nhằm tăng tỷ lệ số hộ được dùng nước sinh hoạt; mặt khác, có cơ chế và giao trách nhiệm đối ứng vốn của các địa phương cho các dự án cấp nước dang dở, thay vì thụ động chờ vốn đầu tư từ ngân sách như hiện nay.

Tin mới