Nghệ An: Nhiều địa phương chậm tiến độ sản xuất lúa hè thu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Do chậm tiến độ gieo cấy lúa vụ hè thu nên hiện nay các địa phương tích cực vận động, khuyến khích bà con khép kín diện tích.

Nhiều diện tích nguy cơ bỏ hoang

Theo quan sát của P.V, đến thời điểm đầu tháng 6, toàn bộ diện tích lúa xuân trên địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Hưng nguyên... đã thu hoạch xong; bà con nông dân đang triển khai gieo cấy lúa hè thu.

Cánh đồng Đồng Bàn của xã Lăng Thành (Yên Thành) mặc dù thuận lợi về nguồn nước, nhưng đến ngày 3/6 phần lớn diện tích chưa được làm đất gieo cấy vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng
Cánh đồng Đồng Bàn của xã Lăng Thành (Yên Thành) mặc dù thuận lợi về nguồn nước, nhưng đến ngày 3/6 phần lớn diện tích chưa được làm đất gieo cấy vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng

Tuy nhiên, bên cạnh những đám ruộng đã gieo cấy xong, vẫn còn nhiều diện tích chưa làm đất, còn nguyên gốc rạ sau thu hoạch.

Theo phản ánh của bà con nông dân, nhiều diện tích chưa làm đất có khả năng cao là bỏ hoang trong vụ hè thu này. Lão nông Hoàng Danh Dũng ở xóm Đồng Bàn, xã Lăng Thành (Yên Thành) cho hay, cánh đồng Đồng Bàn từ trước đến nay thuận lợi để gieo cấy 2 vụ lúa/năm, đặc biệt, năm nay mưa nhiều nên nguồn nước hồ, đập dồi dào, nhưng nhiều gia đình sau khi thu hoạch lúa xuân xong vẫn chưa triển khai làm đất gieo cấy lúa hè thu, khiến đồng ruộng nham nhở, nhà làm, nhà không. Nếu như người ta bỏ đất hoang trong nhiều tháng liền là lãng phí.

Ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết: Do đầu vào vật tư nông nghiệp tăng quá cao, cùng đó sản xuất vụ hè thu không chắc ăn, năng suất lúa đạt thấp, nên nhiều cánh đồng của xã có nguy cơ bỏ hoang trong vụ hè thu này. Để hạn chế nông dân bỏ ruộng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích bà con tăng cường gieo cấy lúa hè thu. Theo đó, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, xã còn hỗ trợ bằng cách miễn phí bảo vệ và một số phí khác... nhằm kích cầu sản xuất vụ hè thu. Tuy nhiên, đến ngày 3/6, nhiều diện tích vẫn chưa làm đất, thậm chí có những cánh đồng chưa cấy được diện tích nào.

Một số địa phương đã khép kín diện tích lúa hè thu bằng cách vận động các tổ chức hội, đoàn thể vào gieo cấy vụ hè thu để gây quỹ. Ông Đặng Quang Hoàng - Chủ tịch UBND xã Viên Thành (Yên Thành) cho hay, để khép kín diện tích lúa hè thu như kế hoạch, đối với những diện tích có nguy cơ nông dân bỏ hoang, xã vận động các tổ chức hội: Cựu Chiến binh, Nông dân, Phụ nữ... nhận đất gieo cấy. Đến nay, gần 100% diện tích đất sản xuất lúa hè thu đã được gieo cấy đúng lịch thời vụ. Hiện chỉ còn một số ít diện tích ở vùng đồng sâu trũng dễ ngập lụt là chưa làm được.

Nhiều cánh đồng 2 vụ lúa trên địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu... mặc dù đã thu hoạch xong từ lâu nhưng đến ngày 3/6 vẫn chưa làm đất để gieo cấy hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều cánh đồng 2 vụ lúa trên địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu... mặc dù đã thu hoạch xong từ lâu nhưng đến ngày 3/6 vẫn chưa làm đất để gieo cấy hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thành cho biết, tình trạng người dân bỏ hoang ruộng trong vụ hè thu khá phổ biến ở một số xã của huyện Yên Thành như: Đô Thành, Lăng Thành, Hợp Thành, Mã Thành... và vụ hè thu năm nay mặc dù đến thời điểm đầu tháng 6 chưa khẳng định được diện tích bỏ hoang là bao nhiêu, nhưng nhiều cánh đồng vẫn chưa được làm đất gieo cấy.

Để bà con nông dân bám vụ hè thu, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động bà con tích cực bám ruộng, làm đất gieo cấy khép kín diện tích.

Vụ hè thu này kế hoạch của huyện Yên Thành gieo cấy 11.500 ha lúa. "Để khép kín diện tích lúa hè thu, ngoài vận động bà con gieo cấy, UBND huyện đưa ra 3 giải pháp: Thứ nhất, khuyến khích các tổ chức hội, đoàn thể tại cơ sở nhận ruộng để sản xuất, nhằm hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, tạo điều kiện cho các HTX dịch vụ nông nghiệp nhận đất gieo cấy. Thứ ba, có thể cho các công ty thuê đất để sản xuất vụ hè thu", ông Lê Văn Hồng cho hay.

Huyện Diễn Châu là địa phương trong vụ hè thu này có khá nhiều diện tích chưa làm đất gieo cấy. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trong vụ hè thu này, huyện Diễn Châu có kế hoạch sản xuất 8.000 ha, còn 1.000 ha không gieo cấy lúa. Trong số 1.000 ha đó, có 400 ha vùng sâu trũng, bà con thu hoạch lúa xuân bằng tay, nên để lại chăm sóc lúa chét, 200 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng, còn lại 400 ha không thuận trong sản xuất là có thể bỏ hoang ở các xã: Diễn Tháp, Diễn Yên, Diễn Trường, Diễn Lâm...

Đẩy nhanh tiến độ sản xuất hè thu - mùa

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, hiện nay các cây trồng vụ xuân đã cơ bản thu hoạch xong. Tuy nhiên, diện tích gieo trồng vụ hè thu của các cây trồng hiện đang chậm so với kế hoạch. Tổng diện tích lúa đã gieo, cấy hơn 12.600 ha/KH 88.000 ha, đạt 14,37% KH và đạt 46,73 % so với cùng kỳ vụ hè thu năm 2021 (27.068 ha).

Các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ gieo cấy lúa vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng

Các địa phương cần đẩy mạnh tiến độ gieo cấy lúa vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, khép kín diện tích theo kế hoạch đề ra và đảm bảo sản xuất vụ hè thu - mùa 2022 an toàn trước mùa mưa bão sắp tới, ngày 3/6/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành công văn về việc tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2022.

Theo đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung: Thực hiện nghiêm chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 16/5/2022 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2022.

Quyết liệt chỉ đạo sản xuất vụ hè thu - mùa 2022 nhằm khép kín diện tích kế hoạch đề ra; huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất vụ hè thu - mùa cấp huyện và phân công lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn.

Tăng cường công tác dự tính, dự báo, thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại vụ hè thu - mùa năm 2022.

Chỉ đạo đẩy nhanh việc làm đất, cày bừa để kịp thời sản xuất vụ hè thu trước ngày 20/6. Tăng cường sử dụng các loại chế phẩm phân giải hữu cơ để tránh tình trạng lúa bị ngộ độc hữu cơ giai đoạn đầu. Thực hiện tốt các giải pháp sản xuất vụ hè thu, xây dựng cơ cấu giống, thời vụ để chỉ đạo nông dân thực hiện nghiêm, nhất là đối với thời vụ gieo cấy lúa vùng sâu trũng, thường xuyên ngập lụt.

Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; Ngoài ra, cân đối ngân sách cấp sách cấp huyện để hỗ trợ thêm cho người sản xuất nhằm khuyến khích người dân sản xuất trước tình trạng giá cả vật tư tăng cao nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng nông dân bỏ ruộng không sản xuất.

Có phương án thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ trên đất trồng lúa kém hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương theo đúng kế hoạch ban hành tại Quyết định số 1488/QĐ-UBND ngày 31/5/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh năm 2022./.

Tin mới