Nghệ An: Nhiều người dân mất hàng trăm triệu đồng do mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Mưa lớn do hoàn lưu bão số 4 gây ra đã gây ngập úng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, nhiều người “không kịp trở tay”. Trong thoáng chốc, toàn bộ gia sản đã bị cuốn phăng theo dòng nước. Nhiều hộ dân lâm vào cảnh trắng tay sau lũ...

Qua một đêm, hàng trăm triệu đồng trôi theo nước lũ

Chỉ sau 1 đêm, nước lũ dâng, nông dân mất trắng cả trăm triệu đồng khi gia súc, gia cầm chết, bị nước cuốn trôi. Ảnh: Thanh Phúc

Chỉ sau 1 đêm, nước lũ dâng, nông dân mất trắng cả trăm triệu đồng khi gia súc, gia cầm chết, bị nước cuốn trôi. Ảnh: Thanh Phúc

Mặc dù mưa đã ngớt nhưng trại vịt của anh Hoàng Văn Ngọc (Bàu Nón, Quy Chính, thị trấn Nam Đàn) vẫn bị bao vây bởi bốn bề nước lũ. Chỉ trong vòng 1 đêm, gần 1.000 con vịt đúng kỳ xuất chuồng bị chết chìm trong nước lũ; 1 tấn thức ăn chăn nuôi cũng bị ngấm nước, mốc xanh.

“6h tối 28/9, ra kiểm tra trại thì vẫn chưa hề chi nên yên tâm giao lại cho công nhân trực ở trại. Đến khoảng 9h kiểm tra camera thì thấy nước bắt đầu dâng cao, tràn vào trại. Sau đó, công nhân gọi báo mất điện, mua 100 lít dầu chạy vào trại để nổ máy phát điện thì nước đổ về. Chẳng thể trở tay, nước ngập vào chuồng, cuốn theo đàn vịt. Nước ngập lên đến ngực nên chẳng thể mạo hiểm cứu vịt. Khoảng 400 con chết trong đêm, rải rác sau đó, vịt ngấm nước, bị bệnh và chết thêm khoảng 600 con nữa”, anh Hoàng Văn Ngọc thất thần kể lại.

Trang trại của anh Ngọc ở thị trấn Nam Đàn có 8 nghìn con vịt thì có tới 1.000 con chết ngạt trong nước lũ. Hiện số vịt đã đến kỳ xuất chuồng nhưng bị nước lũ bao vây nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Trang trại của anh Ngọc ở thị trấn Nam Đàn có 8 nghìn con vịt thì có tới 1.000 con chết ngạt trong nước lũ. Hiện số vịt đã đến kỳ xuất chuồng nhưng bị nước lũ bao vây nên gặp khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Thanh Phúc

Theo anh Ngọc cho biết, toàn bộ số vịt chết đã đạt trọng lượng 3,5 - 3,7kg/con, theo dự kiến là sẽ xuất chuồng trong vài ngày tới. Thương lái cũng đã gọi điện để đặt cọc, vậy mà nước dâng nhanh, chỉ qua 1 đêm, 1.000 con vịt đã chết chìm trong nước. Thiệt hại ban đầu lên đến 200 triệu đồng. Đáng nói, sau 3 ngày nước dâng, đến nay, trang trại vịt của anh vẫn bị cô lập hoàn toàn giữa mênh mông nước.

“Mỗi ngày 7.000 con vịt đã quá lứa xuất chuồng từ 5-7 ngày, tiêu tốn khoảng 45-50 triệu đồng tiền thức ăn. Gọi thương lái đến thu mua, họ lại ép giá. Chấp nhận bán giá thấp hơn thị trường nhưng do ngập sâu, xe không vào tận nơi được nên để vận chuyển vịt ra khỏi trại phải thuê thuyền, thuê người bốc vác. Chỉ tính riêng hôm qua (30/9), xuất bán 1.200 con vịt, thuê thuyền, thuê nhân công vận chuyển vịt ra khỏi trại tốn hơn 10 triệu đồng. Lứa vịt này coi như lỗ nặng”, anh Ngọc cho biết.

Để tiêu thụ vịt, giảm chi phí, cắt lỗ, anh Ngọc buộc phải thuê thuyền vận chuyển vịt ra khỏi vùng ngập lụt với giá cao. Ảnh: Thanh Phúc
Để tiêu thụ vịt, giảm chi phí, cắt lỗ, anh Ngọc buộc phải thuê thuyền vận chuyển vịt ra khỏi vùng ngập lụt với giá cao. Ảnh: Thanh Phúc

Bắt tay vào gây dựng trang trại năm 2021 với số vốn gần 4 tỷ đồng, phần lớn là vay mượn. Tưởng rằng, chịu khó, chăm chỉ, dám nghĩ, dám làm thì chẳng mấy chốc có tiền trả nợ, có tiền để mở rộng quy mô, làm giàu trên chính đồng đất quê hương. Nhưng, thiên tai là điều chẳng thể lường trước, chỉ qua 1 đêm, hàng trăm triệu đồng đã ra đi…

2h sáng 29/9, mưa to kéo dài, chị Nguyễn Thị Bích (xóm Yên Xuân, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) gửi các con nhỏ cho ông bà nội, bất chấp mưa dội rát mặt, gió vù bên tai để chạy ra trại gà cứu vớt tài sản. Ra đến trại, nước ngập ngang bụng, chuồng lợn, chuồng gà đang chìm dần trong mênh mông nước lũ. Chị đã gọi điện cho xã, hô hoán người dân xung quanh đến hỗ trợ. Lực lượng xung kích của xã, bà con láng giềng xuyên đêm sơ tán đàn lợn, 4 tấn lúa và 80 bao thức ăn gia súc ra ngoài. Song đàn gà 500 con thì không cứu kịp.

Chính quyền, người dân cùng các lực lượng đã chung tay cùng bà con cứu gia súc, gia cầm khỏi vùng lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ảnh: CSCC
Chính quyền, người dân cùng các lực lượng đã chung tay cùng bà con cứu gia súc, gia cầm khỏi vùng lũ, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Ảnh: CSCC

“500 con gà, trong đó, có 40 con gà đẻ, còn lại gà thịt nuôi gần 4 tháng, trọng lượng mỗi con gần 2 kg không kịp sơ tán. Trời sáng, ra trại thì chỉ còn 100 con gà đã chết do ngạt nước, nằm la liệt trên nền đất nhão nhoét, số gà còn lại đã trôi cùng nước lũ. Vốn liếng, công sức bỏ ra trôi hết rồi…”, chị Bích xót xa.

Hàng nghìn ha cây trồng vụ đông chìm sâu trong nước lũ

Diện tích cây trồng vụ đông chìm sâu trong nước lũ. Ảnh: Thanh Phúc
Diện tích cây trồng vụ đông chìm sâu trong nước lũ. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Nguyễn Kim Nam (Nam Anh, Nam Đàn) vừa xuống giống 1 sào cà chua, 2 sào củ dền, 2 sào cà rốt, 1 sào cần tây, 1 sào bắp cải, 2 sào súp lơ, 2 sào cải kale với tiền giống, tiền phân lên đến dăm chục cả triệu đồng. Vậy mà, cây giống vừa mới nhú mầm thì toàn bộ diện tích vừa gieo trồng của đã gặp phải mưa lớn, nước tràn vào nhà màng, nhà lưới gây ngập sâu. Toàn bộ cây rau dập nát, thối rễ, chết úng; toàn bộ phân lân bị rửa trôi. Tất cả đã mất trắng.

Anh Nam cho biết: “Đường lên trại ngập sâu. Kiểm tra camera biết nhà màng bị ngập nước nhưng cũng không có cách nào cứu vãn. Đành xót xa nhìn nước cuốn trôi… Giờ chỉ chờ nước rút để xử lý đất, gieo lại giống cho kịp bán vụ Tết”.

Nước ngập sâu, dưa lưới ngâm trong nước bị thối úng. Nhiều nhà màng, nhà lưới mất trắng hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Nước ngập sâu, dưa lưới ngâm trong nước bị thối úng. Nhiều nhà màng, nhà lưới mất trắng hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Cùng chung cảnh ngộ, toàn bộ diện tích dâu tây, dưa chuột, bắp cải, súp lơ trong nhà màng của Hợp tác xã Phú Thịnh (xã Hưng Thành, Hưng Nguyên) cũng chìm trong biển nước. “Ước tính thiệt hại ban đầu là hơn 100 triệu đồng. Giờ bên đó đang ngập sâu, cũng không sang kiểm tra được nên máy móc, thiết bị, phân lân, hệ thống nhà màng ngâm trong nước, hư hỏng thì thiệt hại lên đến tiền tỷ”, anh Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc HTX ngán ngẩm.

Mưa lũ những ngày qua khiến toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông ngập sâu trong nước, có những nơi mất trắng, có những vùng, thiệt hại nhẹ hơn cũng lên đến 70%. Nước ngập sâu, trời không tạnh ráo nên cây trồng ngâm lâu trong nước sẽ ngập úng, thối rễ, chết héo. Thiệt hại không hề nhỏ.

Người dân xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) đang khẩn trương thu hoạch rau chạy lũ. Ảnh: Thanh Yên

Người dân xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai) đang khẩn trương thu hoạch rau chạy lũ. Ảnh: Thanh Yên

Không chỉ các nhà màng, nhà lưới, các trang trại, gia trại mà các địa phương thiệt hại nặng nề trong sản xuất vụ đông.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, đến sáng 1/10, thiệt hại về sản xuất nông nghiệp khá nặng nề. Cụ thể như sau: Về trồng trọt: Lúa: 1.661,4 ha; Hoa màu: 8.146,53 ha; Cây công nghiệp: 152,8 ha; Cây trồng lâu năm: 119,5 ha; Cây hàng năm: 1.735,32 ha; Cây ăn quả: 270,7 ha.

Về chăn nuôi: Gia súc bị chết, cuốn trôi: 411 con; Gia cầm bị chết, cuốn trôi: 82.999 con; Chuồng trại bị hư hỏng: 56 cái. Dự báo hôm nay và ngày mai, trời tiếp tục có mưa to đến rất to, nước sông tiếp tục dâng cao, nguy cơ ngập úng vẫn tiếp diễn, do đó, bà con cần có phương án chủ động bảo vệ tài sản. Đồng thời, các địa phương cũng có phương án khắc phục, chủ động bổ cứu sản xuất, chăn nuôi./.

Tin mới