Nghệ An: Nhiều thương binh thiệt thòi vì cán bộ huyện 'bỏ sót hồ sơ'

(Baonghean) -Ngay sau khi có đề án làm nhà ở cho người có công, cũng như ở các địa phương, nhiều cựu chiến binh ở huyện Diễn Châu đã làm hồ sơ đầy đủ để trình lên huyện xem xét. Mặc dù được xác định nằm trong diện sẽ được hưởng lợi từ đề án, nhưng chờ đợi suốt nhiều năm họ vẫn không nhận được tiền. Khi gõ cửa công quyền để hỏi, các cựu binh mới sững sờ khi biết vị cán bộ phụ trách đã bỏ sót hàng loạt hồ sơ.

Mòn mỏi chờ chế độ

Nhiều tháng nay, ông Võ Văn Lưu (75 tuổi, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu), cùng hàng chục thương binh khác liên tục tìm đến cơ quan chức năng để đòi quyền lợi. Ông Lưu là thương binh hàng 4/4, từng nhiều năm phục vụ quân ngũ. Hễ nghe thông tin có buổi tiếp công dân ở huyện Diễn Châu, ông cùng các đồng đội già của mình lại tất bật nhờ con cháu chở đến trụ sở Ủy ban nhân dân huyện để hỏi về chính sách.

Ông Lưu kể rằng, năm 2013, sau khi nhận được thông báo có chính sách làm nhà ở cho người có công theo Quyết định 22 của Chính phủ, ông và nhiều cựu chiến binh trong xã đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu nộp cho xã Diễn Thịnh. Họ sau đó đã vay mượn tiền làm nhà mới, nhưng mãi đến năm 2018 mới biết, cùng với hơn 50 người khác trong xã, ông Lưu không có tên trong danh sách được hưởng chế độ. “Chúng tôi lập tức đến các cơ quan chức năng để hỏi. Nhưng gần 2 năm đã trôi qua vẫn chưa nhận được chế độ hỗ trợ”, ông Lưu bức xúc.

Các cựu binh của xã Diễn Thịnh nhiều tháng nay đi đòi quyền lợi.
Các cựu binh của xã Diễn Thịnh nhiều tháng nay đi "tìm" quyền lợi.

Ông Hà Huy Đồng - Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho hay, năm 2014, xã đã làm đầy đủ hồ sơ cho 53 người để hưởng chế độ hỗ trợ nhà ở và đã nạp lên huyện. Nhưng sau đó, họ không có tên trong danh sách được phê duyệt. Hiện nay, nhiều người đang thắc mắc, xã cũng đã kiến nghị huyện giải quyết.

Trước khiếu nại của người dân, ngày 6/8/2019, UBND huyện Diễn Châu thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện danh sách bổ sung đối tượng được hưởng chính sách cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn kiểm tra sau đó đã kết luận, tại xã Diễn Thịnh, có 53 trường hợp không được phê duyệt trong đề án. UBND xã Diễn Thịnh khẳng định đã nộp tờ trình, danh sách và đơn của 53 hộ dân lên phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đúng theo thời gian quy định. Hồ sơ nộp trực tiếp cho ông Phan Xuân Tuấn là thành viên thường trực Ban chỉ đạo của huyện để tổng hợp và tham mưu phê duyệt. Ông Tuấn thời điểm đó đang là Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu.

Kiểm tra hồ sơ tại Phòng Kinh tế - Hạ tầng còn lưu 13 đơn của người dân trong số 53 trường hợp trên. Qua làm việc với bí thư, xóm trưởng của các xóm ở Diễn Thịnh, họ đều khẳng định hồ sơ các hộ dân đã nộp cho xã, không nộp cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng. Như vậy, việc có 13 đơn của hộ dân còn lưu tại phòng là căn cứ khẳng định hồ sơ của các hộ dân đã được Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu tiếp nhận.

Quá trình tham mưu, tổng hợp phòng này đã thiếu sự kiểm tra, rà soát nên không đưa 53 trường hợp tại xã Diễn Thịnh vào để huyện phê duyệt. Ngoài ra, qua kiểm tra, huyện Diễn Châu còn phát hiện, tại xã Diễn Minh còn 13 hộ gia đình không có trong đề án được duyệt; xã Diễn Phú có 67 trường hợp không được phê duyệt trong đề án do xã nộp chậm hồ sơ (hạn nộp hồ sơ trước ngày 25/4/2014 nhưng đến gần 1 tháng sau, xã Diễn Phú mới nộp cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện).

Cán bộ huyện... sơ suất?

Trần tình về việc này, một cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Diễn Châu cho rằng, quá trình nhận hồ sơ của các gia đình chính sách qua nhiều khâu, số lượng hồ sơ nhiều, cán bộ tham gia thay đổi qua nhiều giai đoạn nên việc bảo quản, bàn giao không thống nhất nên bị sót, bị thất lạc. Những người trực tiếp thực hiện đề án thời điểm trước đây cũng đã chuyển công tác khác.

Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, ông Lê Mạnh Hiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho rằng, khiếu nại của các cựu binh này là hoàn toàn đúng. “Thật sự là rất thiệt thòi cho họ, đó đều là những trường hợp đáng ra được hưởng chính sách theo quy định. Nhưng chỉ vì cán bộ huyện phụ trách tổng hợp hồ sơ sơ suất dẫn đến việc bỏ sót hồ sơ của họ”, ông Hiên nói.

Về hướng giải quyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, huyện đang rất bế tắc. Bởi chương trình làm nhà ở cho người có công đã kết thúc từ cuối năm 2019. Bây giờ bổ sung hồ sơ của các thương binh này cũng không được vì không có kinh phí. Chỉ tính riêng 53 trường hợp ở xã Diễn Thịnh, số tiền để làm và sửa nhà đã là hàng tỷ đồng.

Lãnh đạo huyện Diễn Châu cho rằng, để xảy ra vụ việc này, trách nhiệm thuộc về ông Phan Xuân Tuấn - Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay đã 8 tháng trôi qua kể từ khi huyện Diễn Châu có kết luận vụ việc sau khi lập tổ kiểm tra công vụ, địa phương này vẫn chưa xử lý kỷ luật một trường hợp nào. “Quan điểm của Thường trực Huyện ủy cũng như lãnh đạo UBND huyện là xử lý nghiêm. Sắp tới chúng tôi sẽ xử lý”, ông Lê Mạnh Hiên nói.

Chủ tịch xã Lưu Kiền (phải), cho biết, sau khi rút tiền xã đã không đưa vào quỹ mà mang đi trả nợ.
Chủ tịch xã Lưu Kiền (phải), cho biết, sau khi rút tiền xã đã không đưa vào quỹ để chi trả cho người dân mà mang đi trả nợ.

Ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22 hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Ở Nghệ An có 26.846 hộ được hưởng chính sách (13.748 hộ xây dựng mới nhà ở và 13.098 hộ sửa chữa nhà ở), với tổng kinh phí hỗ trợ gần 816 tỷ đồng. Đây là chủ trương chính sách lớn, thiết thực của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo cải thiện chất lượng nhà ở, ổn định cuộc sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, ở một số địa phương đã để xảy ra sai phạm khiến người dân bức xúc.

Đơn cử như vụ việc xảy ra ở xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương). Theo đó, tại xã này có 93 hộ được phê duyệt hưởng Quyết định 22, tương đương kinh phí hỗ trợ là 2.380.000.0000 đồng. UBND xã Lưu Kiền sau đó đã 3 lần rút tiền tại Kho bạc Nhà nước huyện Tương Dương với tổng số tiền 2,4 tỷ đồng (thừa 20 triệu đồng so với hồ sơ được phê duyệt). Nhưng đến tháng 6/2019, khi đoàn kiểm tra của huyện Tương Dương về làm việc, xã này mới chỉ giải ngân được 2,05 tỷ đồng và dư 90 triệu đồng trong quỹ của xã. Còn 260 triệu đồng không biết “thất lạc” ở đâu. “Do xã có khoản nợ từ nhiệm kỳ trước để lại quá nhiều nên chúng tôi lấy tiền đó đi trả nợ. Bây giờ chúng tôi đã nộp lại hết cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sau khi có đoàn kiểm tra về yêu cầu”, ông Vi Văn Bằng - Chủ tịch UBND xã nói. Mặc dù vậy, Chủ tịch UBND xã này không đưa ra được hóa đơn thanh toán cũng như tiết lộ các khoản nợ cụ thể mà xã đã trả. 

Tin mới