Nghệ An: Nhiều trang trại lợn chống dịch với khẩu hiệu “ngoại bất nhập”

(Baonghean.vn) - Mặc dù dịch tả lợn châu Phi chưa xuất hiện trên địa bàn Nghệ An, nhưng các chủ trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã chủ động phòng dịch một cách cao độ. Giải pháp mà các chủ trang trại áp dụng, ngoài phun hóa chất khử trùng là "ngoại bất nhập".
Khu vực chuồng trại. Ảnh: Xuân Hoàng

Khu vực chuồng trại được các chủ chăn nuôi phun trừ phòng dịch. Ảnh: Xuân Hoàng

Nếu xảy ra dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi lợn, đặc biệt là các chủ trang trại, gia trại là thiệt hại nặng nhất bởi dịch sẽ làm chết cả đàn. Để bảo vệ đàn lợn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ, nhiều chủ trang trại ở Nghệ An đã áp dụng nhiều giải pháp... trong đó quan trọng hàng đầu là "ngoại bất nhập". Nghĩa là không nhập con giống mới; không cho bất cứ người ngoài vào khu vực chuồng trại; người nhà vào trại cũng phải phun phòng chống độc. 

Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ trại lợn ở xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ cho rằng: Trước khi có dịch tả lợn lây nhiễm vào Việt Nam, vợ chồng bà đã xuất bán được 40 con lợn, hiện còn 30 con lợn trọng lượng khoảng 45kg/con. Để phòng dịch tả lợn châu Phi, thời gian này tuyệt đối không cho người ngoài vào trang trại, cùng đó phun hóa chất vào buổi chiều hàng ngày. 

Các chủ trang trại chủ động mua hóa chất về phun khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng
Các chủ trang trại chủ động mua hóa chất về phun khử trùng phòng dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lê Đức Tình, Trưởng Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Tân Kỳ cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện có 35 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn với tổng đàn 54.000 con lợn thịt. Thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, người ngoài rất khó vào khu vực chuồng trại chăn nuôi lợn, vì họ cấm tuyệt đối. Đến trang trại nào cũng có dòng chữ "Không phận sự miễn vào", điều đó thể hiện sự lo lắng, chủ động phòng dịch của bà con.

Ông Cao Văn Dương ở xóm Tây Liên, xã Diễn Liên (Diễn Châu) đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô khá lớn từ nhiều năm nay. Trước dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía Bắc, ông Dương lo lắng: "Hiện tại trong trại còn 250 con lợn thịt, trọng lượng đạt 40 - 50 kg/con, chưa thể xuất chuồng được".

Phun hóa chất khử trùng trong khu vực chuồng trại là việc làm thường xuyên hiện nay của người chăn nuôi lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Phun hóa chất khử trùng trong khu vực chuồng trại là việc làm thường xuyên hiện nay của người chăn nuôi lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Để bảo vệ đàn lợn khỏe mạnh, không nhiễm dịch tả, thời gian này ông Dương chủ động phòng dịch một cách cao độ. Ngoài việc mua hóa chất khử trùng về phun hàng ngày, ông còn mua vôi bột rắc trong và ngoài khu vực trang trại. Đặc biệt không nhập thêm con giống, cách ly hoàn toàn trang trại và chú trọng kiểm tra thức ăn.

"Chăn nuôi lợn đầu tư lớn, nếu để xảy ra dịch bệnh thì thua lỗ nặng, vì vậy, mình phải chủ động phòng dịch. Phun hóa chất không chỉ phòng dịch tả lợn châu Phi mà còn phòng một số dịch bệnh khác" - ông Dương chia sẻ.

Diễn Châu hiện có 294 trang trại, gia trại tổng hợp, trong đó có chăn nuôi lợn; tổng đàn lợn trên địa bàn huyện là 45.500 con. Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Huyện và tất cả các xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, các lò mổ tập trung và nhỏ lẻ cam kết với chính quyền địa phương không mua lợn ngoài huyện, chỉ mua lợn dân nuôi trong khu vực nội huyện. Theo đó, cán bộ thú y hàng ngày có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc lợn tại các lò mổ.

Ông Ngô Sỹ Dương lo lắng trước đàn lợn. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Cao Văn Dương ở xã Diễn Liên (Diễn Châu) lo lắng đàn lợn trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi đang lây lan ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Xuân Hoàng

"Hiện tại, huyện đã chủ động nguồn hóa chất và vôi bột để xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Các chủ trang trại, gia trại có chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện trước mắt chủ động mua vôi bột và hóa chất khử trùng để phòng dịch" - ông Lê Thế Hiếu cho biết.

Sự cẩn trọng của người chăn nuôi lúc này là rất cần thiết, các cơ quan chức năng cần có sự liên hệ với các chủ trang trại để cập nhật và hướng dẫn biện pháp phòng chống dịch. 

Tin mới