Nghệ An: Nông dân sang Thanh Hóa thuê đất trồng dưa hấu

(Baonghean.vn) - Vụ dưa năm nay Nghĩa Đàn trồng hơn 500 ha dưa, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Bình, Nghĩa Sơn…

Trong đó, Nghĩa Sơn chiếm diện tích tương đối lớn, khoảng 85 ha, chủ yếu người dân ở đây thuê đất ở các xã lân cận như Nghĩa Bình, Nghĩa Trung (huyện Nghĩa Đàn) và xã Bãi Trành, huyện Như Xuân (Thanh Hóa).

Đây là năm thứ 2 gia đình anh Nguyễn Thanh Thủy ở xóm Sơn Đông, xã Nghĩa Sơn thuê đất ở xã Bãi Trành huyện Như Xuân để trồng dưa hấu. Với lợi thế nhân lực lao động sẵn có, nguồn nước dồi dào, vụ dưa năm 2017 anh chỉ thuê 3 ha đất trồng dưa hấu trà sau Tết; sau khi thu hoạch anh lãi trên 350 triệu đồng. Năm nay, để có sản phẩm bán ra thị trường sớm nhất, từ cuối tháng 12 ÂL anh Thủy  đã tập trung làm đất, ươm bầu để ra tết xuống giống. Đồng thời, mạnh dạn mở rộng diện tích thuê gần 7 ha, với thời tiết thuận lợi như thế này hứa hẹn sẽ có một vụ mùa thắng lợi.

“Đây là năm thứ 2 nhà tôi thuê đất trồng dưa hấu, với 1ha đất khi thuê với giá 12 triệu đồng. Năm nay tôi trồng trà sớm, hy vọng khi thu hoạch dưa được giá cao.” - anh Nguyễn Thanh Thủy cho biết.

Việc trồng dưa dấu phủ ni lông sẽ tạo nhiều ánh sáng, giúp cây quang hợp thuận lợi. Ảnh: Minh Thái
Năm nay huyện Nghĩa Đàn trồng hơn 500 ha dưa hấu; việc trồng dưa dấu phủ ni lông sẽ tạo nhiều ánh sáng, giúp cây quang hợp thuận lợi. Ảnh: Minh Thái
Chị Hoàng Thị Lê ở xóm Sơn Liên, Nghĩa Sơn là người trồng dưa lâu năm, vụ dưa năm vừa rồi chị thuê 2ha ở xã Nghĩa Bình để sản xuất, nhờ chăm bón tốt, bán được giá trừ chi phí gia đình có thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm nay, chị tiếp tục thuê đất ở xã Nghĩa Bình với diện 3ha để trồng dưa.

Để tăng năng suất cho cây trồng, bà con áp dụng kỹ thuật trồng dưa phủ ni lông. Việc trồng dưa phủ ni lông sẽ tạo nhiều ánh sáng, giúp cây quang hợp thuận lợi, kích thích cây phát triển, hạn chế được côn trùng phá hại như bọ trĩ, sâu xanh, sâu đất và tránh bốc thoát hơi nước, phân bón; không bị xói mòn đất. Sau 3 tháng trồng, năng suất dưa đạt từ 25 - 30 tấn/ha, có hộ đạt 32 - 35 tấn/ha.

Hiện nay, dưa đã vươn dài được bà con nông dân ghim lại để cho cây phát triển nhanh. Ảnh: Minh Thái
Hiện nay, dưa đã vươn dài được người dân ghim lại để cho cây phát triển nhanh. Ảnh: Minh Thái

Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) là xã nông nghiệp nhưng phần lớn đất nông nghiệp được giao cho các dự án trên địa bàn. Hiện toàn xã có khoảng 60 hộ dân đi thuê đất sản xuất ở các xã lân cận trong huyện và tỉnh bạn để phát triển sản xuất với tổng diện tích đất thuê 75 ha.

Rút kinh nghiệm những năm trước, thấy lợi nhuận của cây dưa hấu nên người dân đổ xô thuê đất trồng mà chưa tính đến những khó khăn trong quá trình chăm sóc như sâu bệnh, nguồn nước nên vào mùa hanh khô nhiều diện tích dưa chết héo vì thiếu nước tưới. Năm nay, ngay từ đầu vụ, Hội Nông dân xã Nghĩa Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, có kế hoạch cụ thể cho người dân xuống giống, tránh tình trạng phải thu hoạch đồng loạt.

Cán bộ Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt và BVTV hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc cây dưa. Ảnh: Minh Thái
Cán bộ Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt và BVTV hướng dẫn cho bà con cách chăm sóc cây dưa. Ảnh: Minh Thái
Ông Trần Quốc Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân Nghĩa Sơn cho biết: “Rút kinh nghiệm năm nay, xã đã chỉ đạo bà con nông dân những hộ nào đủ điều kiện thì gieo trồng, nếu đất trồng quá lâu chuyển sang trồng cây mới thích nghi hoặc thuê đất chỗ khác. Để người dân yên tâm sản xuất, xã phối hợp với Trạm Khuyến nông và Trạm Trồng trọt và BVTV huyện tổ chức tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây dưa.

Vụ dưa năm vừa rồi với giá bán tại ruộng từ  5.000 - 6.000 đồng/kg, trung bình mỗi ha dưa hấu cho thu nhập 120 -130 triệu đồng; mỗi hộ thuê đất trồng dưa thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Huy Anh - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết thêm, năm 2018, diện tích dưa giảm nhiều do diện tích dưa luân canh nhiều năm không trồng được nữa, diện tích trồng mới không có nhiều; có một số diện tích không chủ động về nước. Vì thế, nhiều hộ dân thuê đất để canh tác dưa, phòng Nông nghiệp chỉ đạo Trạm khuyến nông, Trạm trồng trọt và BVTV khâu giống, kỹ thuật, quan tâm phòng trừ sâu bệnh, nước tưới. Thời gian tới, phòng xúc tiến với các đơn vị thu mua để giúp bà con có đầu ra ổn định.

Tin mới