Nghệ An ở tốp đầu cả nước về sản phẩm OCOP đạt sao

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn ông Lê Văn Lương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An về những kết quả và mục tiêu của Chương trình OCOP tại Nghệ An thời gian qua.
P.V: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình OCOP Nghệ An đến thời điểm này? 
Ông Lê Văn Lương: Như chúng ta đã biết, Chương trình OCOP là một chương trình phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố, các khu công nghiệp), tận dụng nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn theo hướng bền vững. 
Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong đoàn tham quan gian hàng trưng bày của huyện Tân Kỳ có các sản phẩm đang đăng ký xây dựng đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020.
Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong đoàn tham quan gian hàng trưng bày của huyện Tân Kỳ có các sản phẩm đang đăng ký xây dựng đạt tiêu chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020.

Có thể nói, sau hơn 1 năm triển khai, Chương trình OCOP ở Nghệ An đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, doanh nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Hiện nay, 21/21 huyện, thành, thị đã phê duyệt kế hoạch thực hiện. 

Nghệ An đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có 90 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đạt 3 sao trở lên và kết quả năm 2019 đã có 48 sản phẩm đạt 3 sao trở lên (trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao). 
Đến nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng các sản phẩm đạt sao OCOP (cả nước có 1.928 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trung bình mỗi tỉnh/thành có 30,6 sản phẩm). Năm 2020, cho đến thời điểm này, theo báo cáo sơ bộ các địa phương đã lựa chọn được khoảng 60 sản phẩm để hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh đánh giá phân hạng. Như vậy, có thể nói rằng, đến cuối năm 2020 khả năng chúng ta sẽ đạt và vượt mục tiêu có 90 sản phẩm đạt 3 sao OCOP trở lên.
Phụ nữ Thái ở xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Xuân Hoàng
Phụ nữ Thái ở xóm 4 Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) bên khung cửi dệt thổ cẩm. Ảnh: Xuân Hoàng

Bên cạnh có nhiều sản phẩm đạt sao OCOP thì theo khảo sát, đánh giá các sản phẩm sau khi được công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên đã được đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nên được nhiều người tiêu dùng biết đến, đã từng bước tạo dựng, củng cố uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng. Điển hình như các sản phẩm cà gai leo, dây thìa canh, giảo cổ lam của Công ty CP Dược liệu Pù Mát doanh thu bán hàng 8 tháng đầu năm 2020 đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019, các sản phẩm tương, chè, sen, nấm linh chi ATC, nấm Yên Thành, trứng gà Tân Kỳ, dầu sở…

Nhiều khách hàng quan tâm đến các sản phẩm OCOP của Nghệ An đạt 3 sao trở lên tại gian hàng trưng bày. Ảnh: Xuân Hoàng
Nhiều khách hàng quan tâm đến các sản phẩm OCOP của Nghệ An đạt 3 sao trở lên tại gian hàng trưng bày. Ảnh: Xuân Hoàng

P.V: Một trong những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm là chính sách hỗ trợ cụ thể cho Chương trình OCOP ở các địa phương. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này?

Ông Lê Văn Lương: Chủ thể của chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất và kinh tế tập thể) thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện. Nhà nước hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm,... Để đạt được mục tiêu nêu trên, việc hỗ trợ các chủ thể phát triển sản xuất là cần thiết kể cả trước mắt và lâu dài.
Tất cả 48 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được phân bố từ miền xuôi lên miền núi. Các sản phẩm đều là đặc sản của các vùng miền của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Tất cả 48 sản phẩm đạt 3 sao trở lên được phân bố từ miền xuôi lên miền núi. Các sản phẩm đều là đặc sản của các vùng miền của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng
Xuất phát từ quan điểm nêu trên, ngay từ cuối năm 2019 Chi cục Phát triển nông thôn đã tham mưu để Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh đưa nội dung trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và chương trình công tác năm 2020 của UBND tỉnh (ban hành tại Quyết định số 276/QĐ-UBND ngày 31/01/2020 của UBND tỉnh).
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, trong thời gian qua Chi cục Phát triển nông thôn đã tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo đề cương Nghị quyết của HĐND tỉnh về một số chính sách thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025; đến nay, dự thảo đã được các ngành, địa phương, đơn vị, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh góp ý. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các quy định của Trung ương liên quan đến chương trình này cơ bản sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2020 nhưng văn bản mới thay thế chưa được ban hành. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và dự kiến sẽ trình UBND tỉnh cho ý kiến vào tháng 10 năm 2020 và trình HĐND tỉnh thông qua vào tháng 12/2020. 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của Nghệ An năm 2019. Ảnh: Xuân Hoàng
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình OCOP tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh tham quan các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của Nghệ An năm 2019. Ảnh: Xuân Hoàng
Theo dự thảo, chính sách sẽ tập trung vào hỗ trợ 6 nội dung chính như sau: 
1) Hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP; 
2) Hỗ trợ mua bao bì, nhãn mác hàng hóa đóng gói sản phẩm OCOP; 
3) Hỗ trợ xây dựng/nâng cấp điểm bán hàng OCOP; 
4) Hỗ trợ xây dựng trang Website cho các chủ thể tham gia OCOP; 
5) Hỗ trợ lãi suất tín dụng;
6) Khen thưởng cho sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định.
Với trách nhiệm là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện Chương trình OCOP, chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của các tổ chức, cá nhân liên quan để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện chính sách và hy vọng chính sách này sẽ sớm được HĐND tỉnh thông qua. 
P.V: Để hạn chế phát triển Chương trình OCOP theo phong trào, cần những khuyến cáo gì và mục tiêu của chương trình từ 2021 - 2025 là những gì thưa ông?
Ông Lê Văn Lương: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp quan trọng để góp phần thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng chạy theo phong trào theo tôi chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn, hướng dẫn để cán bộ và nhân dân, đặc biệt là các chủ thể tham gia Chương trình OCOP hiểu được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ của chương trình, nhất là: Phát huy nội lực của các địa phương gắn với đơn vị hành chính làng, xã, huyện, thị để phát huy sức sáng tạo và nội lực tiềm năng của các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng có giá trị gia tăng cao.
Khách hàng tham quan gian hang thổ cẩm Quỳ Châu ở thành phố Vinh tại Hội nghị Thi đua yêu nước. Ảnh: Quang An
Khách hàng tham quan gian hang thổ cẩm Quỳ Châu ở thành phố Vinh tại Hội nghị Thi đua yêu nước. Ảnh: Quang An
Thứ hai: Địa phương, các cấp cần phải tuân thủ đúng theo chu trình 6 bước (gồm: Tuyên truyền hướng dẫn; Nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; Nhận phương án/dự án sản xuất, kinh doanh; Triển khai phương án/dự án sản xuất, kinh doanh; Đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp; Xúc tiến thương mại) trên nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng” (đề xuất nhu cầu từ dưới lên, theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp).
Thứ ba: Trong quá trình đánh giá phân hạng phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, không nể nang, chạy theo số lượng mà coi nhẹ chất lượng.
Về mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 12/3/2019 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030 và thực tế hiện nay chúng tôi đề xuất một số mục tiêu như:
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ hướng đến xuất khẩu các sản phẩm đã đạt sao OCOP; Có ít nhất 150 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2025;
Phát triển từ 2 - 3 làng du lịch sinh thái cộng đồng, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; Phát triển ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao (có thể xuất khẩu);
Du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Thành Cường
Du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ. Ảnh: Thành Cường
Đảm bảo cho chu trình được vận hành một cách tự động, tự giác trở thành một phong trào thi đua khởi nghiệp mạnh mẽ;
Có đội ngũ cán bộ, chuyên gia được chuyên nghiệp hóa, hoạt động hiệu quả; Hàng năm mỗi huyện có ít nhất 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình chuẩn đã ban hành, thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò có ít nhất 1 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo Chu trình chuẩn đã ban hành.
Tin tưởng rằng với những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện chương trình sau hơn 1 năm qua, với bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, nhân dân cần cù sáng tạo, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cùng với tinh thần khởi nghiệp, đam mê làm giàu, Chương trình OCOP ngày càng phát triển bền vững, góp phần đưa nông thôn Nghệ An ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh.
P.V: Xin cảm ơn ông!

Tin mới