Nghệ An phấn đấu đến năm 2021 không còn hộ quá khó khăn

(Baonghean.vn) - Cố gắng đến năm 2021 Nghệ An không còn hộ đói khổ. Những nguồn lực hỗ trợ cần ưu tiên hàng đầu cho các hộ quá khó khăn để họ được tiếp cận với các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước cũng như của các tổ chức thiện nguyện.

Sáng 21/9, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp Ban tổ chức thực hiện các Chương trình giảm nghèo bền vững để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị; tham dự cuộc họp có đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh , Giám đốc Sở LĐTB & XH và các thành viên trong ban chỉ đạo thuộc Ban Dân tộc tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Hội Nông dân; các sở, ban, ngành liên quan.

Có hơn 52 ngàn hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn
Các đại biểu tham gia cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga
Các đại biểu tham gia cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19, chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền , MTTQ, các sở, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho 52.688 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH; có 28.706 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất; thu hút tạo việc làm cho 2.115 lao động; 170 lao động được đi XKLĐ...

Chương trình giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh; tác động trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của nhân dân, cơ sở hạ tầng được tăng cường, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên. Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 3,0%.

Còn 1.340 hộ nghèo có thành viên là người có công

Tuy nhiên, trong 9 tháng qua vẫn còn nhiều hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Hiện nay toàn tỉnh đang còn 1.340 hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng chính sách người có công với cách mạng. Việc phân loại nguyên nhân nghèo ở một số địa phương chưa thực sự quan tâm, từ đó việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo chưa sát thực tế, nên việc thực hiện các giải pháp giảm nghèo thiếu đồng bộ.

Tập trung những mô hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng. Ảnh: tư liệu của Thái Hiền
Tập trung những mô hình giảm nghèo có hiệu quả  để nhân rộng. Ảnh: tư liệu của Thái Hiền

Các đại biểu trong Ban tổ chức cho biết: Trên thực tế ở các vùng cao vùng sâu có nhiều hộ nghèo vẫn chưa thể thoát nghèo nhưng vẫn chủ động xin thoát nghèo để nhường chính sách cho người khác; hay còn rất nhiều vùng chưa được thụ hưởng những cơ sở vật chất thiết yếu theo chuẩn nghèo Quốc gia, nên nhiều hộ vẫn chưa thực sự thoát khỏi các mức chuẩn nghèo, dù không có trong danh sách hộ nghèo. “Nên chăng cần có đánh giá những chương trình hỗ trợ giảm nghèo; vốn đầu tư vào các chương trình giảm nghèo hiệu quả đến đâu để có phương án hỗ trợ đúng đối tượng.” – Bà Lê Thị Hương Giang, đại diện Hội LHPN tỉnh nêu ý kiến.

Để thoát được nghèo, các hộ nghèo và cận nghèo, hoặc mới thoát nghèo cần được tiếp cận với các nguồn vốn vay, và phải phát huy được nó. Nhưng trên thực tế nhiều dự án chăn nuôi gà đen, vịt bầu, bò lai...chưa thực sự hiệu quả. Thậm chí qua khảo sát các đại biểu cho rằng: nhiều đàn bò, đàn gà mà các  hộ nghèo được hỗ trợ đang chết dần hoặc gầy yếu, khiến cho việc phát triển kinh tế của hộ nghèo từ những mô hình này không hiệu quả.
Cần xem người nghèo cần gì và hỗ trợ như thế nào để đạt hiệu quả
Tại cuộc họp Ban tổ chức thống nhất nhiệm vụ trọng tâm của 3 tháng cuối năm 2020 đó là: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; cải thiện môi trường sinh hoạt cho hộ nghèo; xây dựng hạ tầng cơ sở; tín dụng ưu đãi hộ nghèo; khuyến khích, nông, lâm , ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất ngành nghề, dạy nghề cho người nghèo; các chính sách y tế, giáo dục và đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ chức tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020.
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu kết luận tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Nga

Kết luận cuộc họp, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Các sở ban ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội cần tập trung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục chỉ đạo đôn đốc nhanh tiến độ thực hiện chính sách, chương trình, dự án, nhất là tiến độ giải ngân các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn năm 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: "Chúng ta cần rà soát lại các chương trình dự án xem người nghèo cần gì và hỗ trợ như thế nào để đạt hiệu quả.  Sở LĐTB & XH chủ trì công tác rà soát công tác hỗ trợ, và công tác giảm nghèo 5 năm qua để có những đánh giá chính xác nhất. Đồng thời rà soát các mô hình giảm nghèo để tổng hợp đánh giá,  mô hình nào hiệu quả cần nhân rộng, mô hình nào không hiệu quả cũng nên chuyển đổi".
"Cố gắng đến năm 2021 không để có hộ nghèo quá đói khổ. Những nguồn lực hỗ trợ cần ưu tiên hàng đầu cho các hộ quá khó khăn để họ được tiếp cận với các chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước cũng như của các tổ chức thiện nguyện" , đồng chí Bùi Đình Long nhấn mạnh.
Báo Nghệ An tặng bò cho hộ nghèo tại xã Xiêng My. Ảnh tư liệu của Xuân Hoàng
Báo Nghệ An tặng bò cho hộ nghèo tại xã Xiêng My. Ảnh tư liệu: Xuân Hoàng

Tin mới