Nghệ An phát hiện và khởi tố nhiều vụ án tham nhũng

(Baonghean.vn) - Cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 11 vụ/47 bị can, Viện KSND 2 cấp thụ lý giải quyết 5 vụ/24 bị can, TAND các cấp thụ lý xét xử 5 vụ/25 bị cáo về các tội tham nhũng.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 tại phiên họp UBND tỉnh, lãnh đạo Thanh tra tỉnh cho biết, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã thực hiện 231 cuộc thanh tra hành chính. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm 49,5 tỷ đồng và 2.305 m2 đất; trong đó, kiến nghị thu hồi 43,7 tỷ đồng và 347 m2 đất. Đến nay đã thu hồi về Ngân sách Nhà nước 32,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 74,5% và 347 m2 đất.

Qua thanh tra cũng phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trong đó đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 2 vụ việc tại Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa và tại Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Bắc Nghệ An.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Minh Khôi
Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đình Khang - Trưởng ban Quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang. Ảnh: Minh Khôi

Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ 2 vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra: 1 vụ việc về công tác thanh tra, kiểm tra dự án tổ hợp khách sạn, siêu thị kinh doanh dược, y tế tại xã Nghi phú thành phố Vinh do Công ty TNHH Minh Khang làm chủ đầu tư; 1 vụ việc về thanh tra dự án Cụm dân cư Trường Sơn tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh do Công ty cổ phần Tiến Lực làm chủ đầu tư.

Ngày 16/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bà Nguyễn Thị Thu - Giám đốc Công ty TNHH TM Minh Khang và ông Nguyễn Đình Khang - Trưởng Ban quản lý dự án Khu đô thị Minh Khang.

Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 vụ việc có dấu hiệu sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra. Trong đó, có 2 vụ việc liên quan đến cán bộ xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) và 1 vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến một số cá nhân xã Đô Thành (Yên Thành) về chuyển nhượng đất nông nghiệp không đúng quy định của pháp luật.

Ngày 13/1/2021, Cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án tham nhũng “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), khởi tố 3 bị can gồm: Lưu Quang Thượng (SN 1954, nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến), Trần Công Oanh (SN 1960, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến), Nguyễn Văn Hồng (SN 1980, nguyên công chức địa chính xã Nghi Tiến).

Trong kỳ, cơ quan điều tra các cấp trong tỉnh đã thụ lý điều tra 11 vụ/47 bị can. Tổng số vụ viện kiểm sát nhân dân 2 cấp thụ lý giải quyết 5 vụ/24 bị can; Tòa án nhân dân các cấp thụ lý xét xử 5 vụ/25 bị cáo. Qua công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phát hiện đã gây thiệt hại hơn 5,026 tỷ đồng (đã bao gồm 10.850 m2 đất trị giá 0,496 tỷ); trong đó đã thu hồi 4,362/5,026 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 86,8%).
Các bị can: Trần Công Oanh, Lưu Quang Thượng, Nguyễn Văn Hồng, nguyên là cán bộ xã Nghi Tiến, Nghi Lộc bị khởi tố. Ảnh tư liệu: Vương Linh
Các bị can: Trần Công Oanh, Lưu Quang Thượng, Nguyễn Văn Hồng, nguyên là cán bộ xã Nghi Tiến, Nghi Lộc bị khởi tố. Ảnh tư liệu: Vương Linh

UBND tỉnh đánh giá, nhiệm vụ PCTN được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp, các ngành luôn quan tâm triển khai thực hiện. Các giải pháp PCTN được thực hiện một cách đồng bộ, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN được thực hiện thường xuyên góp phần nâng cao được ý thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động.

UBND cấp huyện cũng đã thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành kỷ luật kỷ cương trên địa bàn của mình. UBND huyện Tương Dương đã phát hiện 1 công chức xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và đã bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách.

Tuy nhiên, một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã đạt được kết quả bước đầu nhưng chưa mang lại hiệu quả trong công tác PCTN, như: việc kiểm tra, rà soát về xung đột lợi ích; việc thực hiện Chỉ thị 10/TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ đã được tăng cường thực hiện, tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị xử lý kỷ luật; việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện còn lúng túng do thiếu văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; việc chỉ đạo, hướng dẫn về công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức.

Công tác phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, tự kiểm tra nội bộ đã được tăng cường nhưng chưa phát hiện được vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển sang cơ quan điều tra./.

Tin mới