Nghệ An: Phát huy vai trò nội lực của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Môi trường đầu tư, kinh doanh của Nghệ An trong những năm vừa qua đã có những bước tiến mạnh mẽ, được cộng đồng doanh nghiệp trong, ngoài nước ghi nhận và đánh giá cao.

Cũng nhờ thế, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Nghệ An, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng với quyết tâm chính trị, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và cải cách hành chính (CCHC) mạnh mẽ, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 13/08/2021 của HĐND tỉnh về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025; Quyết định số 235/QĐ-UBND ngày 24/01/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025”.

Nhờ đó, kinh tế Nghệ An tăng trưởng ổn định, quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngày càng đạt kết quả cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, cao hơn so với bình quân chung của cả nước; năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 6,2%, thuộc nhóm 3 địa phương cao nhất vùng Bắc Trung Bộ và đứng thứ 22 cả nước.

Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đón đoàn Famtrip về khảo sát xây dựng tour, tuyến nhằm đưa khách du lịch đến Nghệ An trong thời gian tới. Ảnh tư liệu: Tiến Đông
Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đón đoàn Famtrip về khảo sát xây dựng tour, tuyến nhằm đưa khách du lịch đến Nghệ An trong thời gian tới. Ảnh tư liệu: Tiến Đông

Bên cạnh những giải pháp khả thi và cam kết của chính quyền trong việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà vượt qua khó khăn để phát triển bền vững, thì sự thích ứng, phát huy nội lực của chính doanh nghiệp tỉnh nhà vẫn luôn là yếu tố quan trọng. Nhiều doanh nghiệp thừa nhận rằng, Nghệ An vẫn luôn là một trong những địa phương cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nỗ lực cải cách hành chính, cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý. Nhờ đó, trong và sau đại dịch, nhiều mô hình kinh doanh mới ra đời, đó là cơ hội hiếm hoi để thay đổi công nghệ, cách thức quản lý và vận hành doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty CP Office360 chuyên về kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế cho biết, đại dịch Covid-19 đã làm cho rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí ngừng sản xuất và phá sản. Tuy nhiên, doanh nghiệp của ông và không ít doanh nghiệp cùng ngành nghề khác đã phát huy tốt nội lực, biến “nguy” thành “cơ”, tái cấu trúc doanh nghiệp thành công và tăng trưởng rất tốt trong năm 2022.

Đại dịch đã thúc đẩy tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào kinh doanh, đào thải những doanh nghiệp chỉ chờ cơ hội, trục lợi chính sách. Bên cạnh đó, khái niệm số hóa, chuyển đổi số đã được cụ thể hóa vào các hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu thiếu sáng tạo và sự thích ứng thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ thất bại.

Ông Nguyễn Văn Nam - Giám đốc Công ty CP Office360

Đại dịch đã làm cho nhiều ngành, trong đó, du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Bước sang năm 2022, ngành Du lịch tỉnh Nghệ An đã nỗ lực thích ứng nhanh trong trạng thái “bình thường mới”. Chắc chắn những năm tiếp theo, nhiều doanh nghiệp sẽ hoàn toàn phục hồi và phát triển một cách bền vững. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế có nhiều thế mạnh và được ưu tiên tập trung đầu tư, hướng tới “trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ” trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Công ty TNHH Đức Phong. Ảnh: Thu Huyền

Bà Lê Thị Hồng Nhung – Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về du lịch, đặc biệt là các tour du lịch trong tỉnh Nghệ An, có nhiều lạc quan về sự phục hồi trong lĩnh vực này. Bà Nhung cho biết, năm 2022 là một năm ghi nhận sự bứt phá của ngành Du lịch cả nước, trong đó có Nghệ An. Tỉnh nhà có rất nhiều lợi thế với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Miền Tây xứ Nghệ, biển Cửa Lò, Khu sinh thái Mường Thanh – Diễn Lâm; nhiều hang động, thác nước thu hút khách du lịch như hang Bua, Thẩm Chàng (Quỳ Châu), thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va, thác Bảy tầng (Quế Phong), rừng săng lẻ (Tương Dương), đảo chè (Thanh Chương)...

Theo cảm nhận của bà, nhiều doanh nghiệp cùng ngành đã hồi phục và phát triển tốt. Các tour du lịch ngoài nước vẫn gần như bị đóng băng do dịch bệnh và một số lý do khác, thì các tour trong nước, trong tỉnh là cơ hội cho những doanh nghiệp biết thích ứng, đổi mới và phát huy hết tiềm năng của mình. Biết biến “nguy” thành “cơ” thì doanh nghiệp sẽ tìm thấy cơ hội phát triển mới, và đó chính là nội lực của doanh nghiệp.

Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH havina Kim Liên- Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền may xuất khẩu của Công ty TNHH havina Kim Liên- Nam Đàn. Ảnh: Thu Huyền

Ở góc nhìn trong một lĩnh vực khác, bà Hoàng Thị Ngọc Ánh – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Từ Tâm, một doanh nghiệp chuyên chăn nuôi bò, sản xuất các sản phẩm từ bò, bê khẳng định, chuyện kinh doanh thành công phần lớn phụ thuộc vào cách quản lý của chủ doanh nghiệp. Trong khi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và địa phương tuy có nhưng còn chậm, thậm chí thiếu khả thi, thì nỗ lực, sự quyết tâm và kiến thức của doanh nghiệp đóng vai trò tiên quyết. Với những doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều tiền để chăn nuôi bò, bê và đầu tư nhiều máy móc, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới để sản xuất ra các sản phẩm từ bò thì sự trông chờ vẫn là chính mình. Sự quản lý chặt chẽ, khoa học, quyết đoán; việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh luôn phải được tính toán, so bì rất thận trọng vì chỉ một chút sai lầm là “bay” tiền tỷ như chơi.

Cái khó ló cái khôn, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An bằng sự nhạy bén và nội lực của mình luôn đổi mới, sáng tạo, tự tin để phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Để kết thúc bài này, xin trích một ý kiến và cũng được xem như là một “cam kết” từ phía chính quyền của ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An tại Hội thảo khoa học về thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững: Với những thành tựu đạt được, cùng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Thời gian tới, Nghệ An sẽ phát triển nhanh và bền vững, trở thành một tỉnh khá như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kỳ vọng.

Tin mới