Nghệ An: Phát triển 10 bến cá cho 105.000 lượt tàu thuyền/năm

(Baonghean) - Những năm qua, Nghệ An là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm rất lớn trong đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng nghề cá. Tuy nhiên, để bà con ngư dân thực sự yên tâm vươn khơi bám biển, chủ trương của Trung ương và tỉnh là tiếp tục có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này.

Nâng cấp hạ tầng nghề cá

Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Cửa Hội có tổng dự toán 107 tỷ đồng, và theo ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp  và PTNT Nghệ An, thì sau khi hoàn thành, cảng sẽ có cầu tàu mới để tàu có công suất tối đa 800CV ra vào được.

Tấp nập tàu cá về tại cửa Lạch Quèn. Ảnh: Việt Hùng
Tấp nập tàu cá về tại cửa Lạch Quèn. Ảnh: Việt Hùng

Đến nay, sau hơn 1 năm khởi công dự án, hiện tuyến cầu dẫn nối cầu tàu hiện trạng và cầu tàu xây mới kết hợp bến cập tàu 250 CV và kè tuyến kè lấn biển tạo mặt bằng phục vụ xây dựng nhà phân loại hải sản và các công trình hạ tầng nghề cá với diện tích 1,4 ha đang được khẩn trương xây dựng. Các hạng mục khác như làm mới nhà phân loại hải sản trên mặt cầu tàu, nâng cấp và sửa chữa các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ để năm 2018 có thể hoàn thành công trình, bàn giao đưa vào sử dụng.

Trước đó, năm 2015, công trình nâng cấp Cảng cá Lạch Vạn do Sở Nông nghiệp  và PTNT làm chủ đầu tư được thi công từ cuối năm 2013 được bàn giao đưa vào sử dụng, với tổng nguồn vốn 34 tỷ đồng do WB tài trợ. Công trình có diện tích hơn 7.000m2 gồm các hạng mục như nâng cấp, mở rộng cảng cá, xây dựng các lán chợ, mái che, bàn bán sản phẩm, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống nước đảm bảo vệ sinh.... Việc đầu tư nâng cấp này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp tàu thuyền ra vào cảng cá dễ dàng hơn, sản phẩm bà con đánh bắt về được bảo quản tốt và đảm bảo vệ sinh ATTP.

Đó chỉ là hai trong số những công trình cảng cá trên địa bàn tỉnh được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp trong những năm gần đây. Ngoài Cảng cá Cửa Hội, có Cảng cá Lạch Quèn cũng được Chính phủ quy hoạch là cảng cá loại 1, được Trung ương đầu tư 100% nguồn vốn và tuy chưa tiến hành nâng cấp, mở rộng nhưng dự án đã được đưa vào dự kiến nguồn vốn trung hạn để đầu tư. Cảng cá Lạch Cờn cũng đang được xây dựng mới, các khu neo đậu tránh trú bão Lạch Quèn, Lạch Vạn đều đã được đầu tư xây dựng. 

Cá về trên bến Cửa Hội. Ảnh Phú Hương
Cá về trên bến Cửa Hội. Ảnh Phú Hương

Để khuyến khích ngư dân chuyển đổi khai thác từ vùng lộng sang vùng khơi, vươn ra những ngư trường lớn Hoàng Sa, Trường Sa, TX Hoàng Mai cũng đang được tỉnh cho nâng cấp Cảng Lạch Cờn và khu neo đậu tránh trú bão với tổng mức đầu tư trên 50 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thành.  Thị xã cũng đang triển khai thi công dự án xây dựng cảng cá Quỳnh Phương với tổng mức đầu tư trên 65 tỷ đồng; kè chắn sóng Quỳnh Lập sắp hoàn thành và phát huy hiệu quả. 

Sau khi được nâng cấp, sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc tiếp tàu vào cảng, chuyển sản phẩm hải sản lên bờ cũng như vận chuyển lên tàu các loại nhu yếu phẩm, vật tư phục vụ các chuyến biển. Thời gian tới, thị xã sẽ đề nghị tiếp tục hỗ trợ nạo vét Cảng Lạch Cờn và một đoạn sông Nhà Lê để làm nơi tránh trú bão cho tàu công suất lớn hiện đang phải trú nhờ tại Thanh Hoá và một số tỉnh phía Nam.

Năm 2015, cảng cá Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) công suất 400 tàu được đưa vào sử dụng; nâng cấp mở rộng Cảng cá Lạch Vạn với công suất 700 tàu. Dự kiến năm 2020 sẽ đầu tư nâng cấp mở rộng cảng cá Lạch Quèn với công suất 300 tàu, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cảng cá Quỳnh Phương với công suất 200 - 300 tàu.  

Nghệ An hiện có 3 cảng cá và 6 bến cá với tổng công suất đáp ứng gần 25.000 lượt/năm. Đây là nơi thường xuyên neo đậu của tàu thuyền khai thác hải sản, nhiều cảng cá đã được đầu tư xây dựng cầu cảng và kè bờ.


Tiếp tục ưu tiên đầu tư

Dù các cảng cá đã được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng, nhưng do những đặc thù như nhu cầu nguồn vốn quá lớn, điều kiện tự nhiên ở các vùng biển đất đai chật hẹp, luồng lạch thường xuyên bồi lắng… nên để đáp ứng tốt nhu cầu của tàu thuyền ra khơi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Ông Tô Duy Thế - Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) cho biết, những năm 2007 - 2008, bến cá Quỳnh Nghĩa đã được đầu tư xây dựng bến đậu dài 90m, trước đây thường xuyên có khoảng 130 tàu thuyền ra vào.

Nhưng vài, ba năm gần đây, từ khi phong trào nuôi hàu trên sông phát triển mạnh, lấn sang lòng sông, cộng thêm tuyến đường quốc phòng được xây dựng phía bên kia sông cũng làm thu hẹp lòng sông lại, tàu thuyền của giáo xứ Mành Sơn, xóm Tân An của xã An Hòa phát triển mạnh, tàu thuyền công suất lớn đã khiến chỗ neo đậu tàu bị thu hẹp lại, nhiều thời điểm tàu đậu kín lòng sông Mơ, chỉ tàu nhỏ mới có thể lách ra vào được; việc va chạm giữa các tàu thường xuyên diễn ra. 

Xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) có 265 tàu thuyền tham gia khai thác thuỷ sản, chủ yếu tàu đánh bắt xa bờ, độc canh câu mực và cá mú xuất khẩu. Mươi năm nay, cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền ra vào rất khó khăn. Năm 2014 có dự án nạo vét lạch, nhưng hiệu quả không cao, hiện tàu lớn phải sang đậu nhờ ở bến Lạch Quèn, chỉ những tàu công suất 200 CV đến 400 CV mới ra vào được ở Lạch Thơi, nhưng cũng phải chờ nước lớn mới ra vào được. Hiện dự án đang tiếp tục chuẩn bị thực hiện giai đoạn 2, nhưng theo ông Cao Xuân Điệp - Bí thư Đảng ủy xã, thì để dự án có hiệu quả, bên thi công cần khảo sát thực tế để đưa ra phương án kỹ thuật phù hợp. 

Bất cập hạ tầng nghe
Bến cá Lạch Quèn cạn và nhô nhô đá tảng. Ảnh Châu Lan

Tại cảng Lạch Vạn, ngư dân dù muốn đóng tàu to ra khơi cũng không được vì luồng lạch cạn, bị bồi lấp, nếu không được nạo vét, tàu thuyền ra vào khó khăn, thậm chí nguy hiểm, dễ mắc cạn thậm chí bị lật, nhất là những thời điểm Trăng chưa lên, nước kiệt. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Thọ - Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Nghệ An, thì trừ cảng Cửa Hội, còn lại các cảng khác trên địa bàn hầu hết đều nông, trong khi số lượng tàu cá của Nghệ An không phải nhiều nhất nước, nhưng công suất bình quân lại lớn nhất. 

Các cảng cá đều có diện tích nhỏ, khó khăn trong mở rộng, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá. Cảng nhỏ, thời vụ đi biển tập trung nên tình trạng quá tải, tàu thuyền đậu chen chúc không chỉ khó khăn cho neo đậu, tập kết vật tư cũng như vận chuyển sản phẩm lên bờ. Hệ thống đường giao thông cũng còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển và kể cả phát triển dịch vụ vật tư ven bờ.  

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho hay: Thời gian tới, chủ trương của tỉnh cũng như của Trung ương là tiếp tục có chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thuỷ sản phục vụ phát triển kinh tế như khai thác hải sản, hệ thống cảng cá, bến cá, khu tránh, trú bão tàu thuyền. Chủ trương đến năm 2020 hệ thống cảng cá sẽ tăng lên 4 cảng và năm 2030 có khoảng 5 cảng với tổng chiều dài cầu cảng khoảng 4.560 m.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cấp các bến cá hiện có, đến năm 2020 giữ ổn định 10 bến với tổng công suất đáp ứng là 105.000 lượt/năm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống khu neo đậu tránh trú bão, nạo vét hệ thống luồng lạch trong toàn tỉnh để đến năm 2020 đảm bảo cho tàu cá có công suất 1.500 CV ra vào thuận tiện. 

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN

Tin mới