Nghệ An phát triển nuôi cá lồng trên sông Lam

(Baonghean.vn) - Tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn, người dân các huyện dọc sông Lam đã phát triển mô hình nuôi cá lồng cho thu nhập cao và ổn định, cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn cá vào dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Chi phí thấp, đầu ra ổn định

Tại huyện Anh Sơn, hiện nay đã có 51 hộ dân tham gia nuôi cá lồng với 56 lồng cá các loại, tập trung tại các xã dọc sông như: Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Cẩm Sơn, Hùng Sơn, Thạch Sơn, Long Sơn, Lạng Sơn, Tào Sơn và thị trấn Anh Sơn. Trong đó, nhiều nhất vẫn là tại khu vực thị trấn Anh Sơn với 16 hộ gia đình nuôi và 20 lồng cá. 

Ông Phạm Văn Nguyên trú tại thị trấn Anh Sơn, do có nhà sát bờ sông Lam nên đã tranh thủ làm lồng nuôi cá ngay trên sông. Hiện gia đình ông Nguyên đã có 3 lồng, chủ yếu nuôi cá trắm cỏ. Ông Nguyên cho biết, nuôi cá lồng chi phí đầu tư và chăm sóc thấp. Thông thường mỗi lồng cá ông Nguyên thả từ 200-500 con, tùy kích cỡ cá giống. Sau 1 năm nuôi, lượng cá thương phẩm có thể đạt đến 5 kg/con. Với giá bán cá ổn định như hiện nay thì mỗi năm có thể cho thu nhập cả trăm triệu đồng. 

Tại thị trấn Anh Sơn, sau khi các hộ dân tham gia nuôi cá lồng trên sông Lam đạt hiệu quả cao, đầu năm 2017, Hội Nông dân thị trấn Anh Sơn vận động các hộ dân nuôi cá lồng thành lập tổ hợp tác để có sự gắn kết với nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, mỗi hộ khi tham gia vào tổ hợp tác còn được hỗ trợ 2,5 triệu đồng để làm lồng, nếu kết hợp với chi phí hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh thì chi phí của các hộ dân khi tham gia mô hình nuôi cá lồng sẽ giảm xuống. 

Dọc sông Lam, nhiều hộ dân đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn để đầu tư nuôi cá lồng. Ảnh: Tiến Đông
Dọc sông Lam, nhiều hộ dân đã tận dụng diện tích mặt nước rộng lớn để đầu tư nuôi cá lồng. Ảnh: Tiến Đông

Ngược Con Cuông, phong trào nuôi cá lồng dọc sông Lam cũng khá phát triển. Tại xã Lạng Khê, nơi ngã ba sông Lam hợp lưu với khe Thơi, nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư lồng để nuôi các loại cá đặc sản như cá leo, cá chép dòn, cá trắm cỏ…

Ông Lộc Văn Hợi, trú tại bản Huồi Mác, xã Lạng Khê, bắt đầu làm lồng nuôi cá cách đây 3 năm. Ông Hợi cho biết, ban đầu chỉ nghĩ làm lồng để nuôi cá phục vụ cho nhu cầu của gia đình, sau thấy mô hình này đem lại hiệu quả ổn định, giá cá bán ra từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg, nên ông đã quyết định làm thêm lồng để nuôi. Đến nay, gia đình ông Hợi cùng với người con trai đã có 4 lồng cá, sau khi trừ chi phí giống và công chăm sóc, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. 

Cũng giống như gia đình ông Hợi, gia đình ông Nguyễn Văn Huệ, trú bản Piềng Khử sau một thời gian nuôi thử nghiệm, mới đây gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 30 triệu đồng để làm lồng cá và nhà gỗ phía trên lồng. Hướng đi sắp tới của gia đình ông Huệ là ngoài nuôi cá có thể mở thêm dịch vụ để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách. 

Cá lồng thường được nuôi bằng các thức ăn dễ kiếm như cây chuối, cỏ, nên chi phí đầu tư không cao. Ảnh: Tiến Đông
Cá lồng thường được nuôi bằng các thức ăn dễ kiếm như cây chuối, cỏ, nên chi phí đầu tư không cao. Ảnh: Tiến Đông
Theo người dân, so với việc nuôi cá trên ao, hồ thì nuôi cá lồng chi phí đầu tư thấp hơn. Bình quân mỗi lồng từ 30-50m2 có giá trị đầu tư ban đầu khoảng 30-50 triệu đồng, nhưng có thể sử dụng được hơn 10 năm, hết lứa này có thể thả nuôi lứa khác mà không phải xử lý ao, hồ nhiều. 

Hiện tại, ở xã Lạng Khê đã có 14 hộ tham gia nuôi cá lồng và còn có 8 hộ đang đăng ký để được hỗ trợ lồng và cá giống để thả nuôi trong thời gian sắp tới.

Bà Lô Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Lạng Khê cho biết, xã cũng xác định nghề nuôi cá lồng trên sông là hướng đi thích hợp để phát triển kinh tế địa phương gắn với du lịch sinh thái. Thông qua chính sách hỗ trợ lồng để nuôi cá của tỉnh, xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân tham gia, về lâu dài xã sẽ quy hoạch từng khu vực nuôi vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa để thuận tiện cho bà con nhân dân đi lại chăm sóc cá. Bà Thủy cũng chia sẻ, với giá bán ổn định, đặc biệt vào dịp lễ, Tết lại tăng cao nên nuôi cá lồng trên sông là một lựa chọn hợp lý mà không mất quá nhiều chi phí đầu tư. 

Con Cuông có gần 30 km2 mặt nước sông Lam, nhất là khu vực Thủy điện Chi Khê ngăn dòng đã tạo được một diện tích lòng hồ lớn có thể phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện tại toàn huyện đã phát triển được 84 lồng nuôi cá các loại, sản lượng cá lồng của năm 2021 đạt khoảng 16 tấn. 

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông

Ngoài Anh Sơn, Con Cuông có phong trào nuôi cá lồng phát triển mạnh, hiện nay hầu hết các huyện có sông Lam chảy qua, người dân đều tham gia nuôi cá lồng. Tại Tương Dương một số địa phương ven sông Lam đã xây dựng được mô hình nuôi cá lồng khá hiệu quả như Xá Lượng có 11 mô hình, Tam Thái 7 mô hình, Tam Quang 7 mô hình. Đặc biệt, có những hộ có tới 8 lồng cá như hộ anh Lương Văn Co ở bản Đình Phong, xã Tam Đình, thả nuôi cá trắm, cá lăng và rô phi; hộ anh Lương Văn Tiến ở bản Tam Bông, xã Tam Quang cũng có tới 5 lồng nuôi cá trắm, lợi nhuận hàng năm thu về hơn 100 triệu đồng. 

Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân nuôi cá lồng ban đầu, mỗi lồng cá được hỗ trợ 15 triệu đồng, chưa kể trợ giá cá giống, nhưng nhiều người dân vẫn chưa mặn mà. Ảnh: Tiến Đông
Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân nuôi cá lồng ban đầu, mỗi lồng cá được hỗ trợ 15 triệu đồng, chưa kể trợ giá cá giống, nhưng nhiều người dân vẫn chưa mặn mà. Ảnh: Tiến Đông
Ngày 30/3/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/2018/QĐ-UBND ban hành quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh năm 2017. Theo đó, mỗi hộ nuôi cá lồng trên sông sẽ được hỗ trợ kinh phí 15 triệu đồng để làm lồng và được trợ giá giống cá. Đây được xem là động lực để thúc đẩy phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông.

Phát triển chưa tương xứng

Ông Lô Văn Lý – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Con Cuông cho biết thêm, riêng trong năm 2021, UBND huyện đã ban hành các văn bản để người dân đăng ký thực hiện làm lồng cá và trợ giá cá giống cấp 2. Đến nay, đã phê duyệt hỗ trợ cá giống cấp 2 cho các xã với số lượng hơn 5 tấn cá giống, trong đó, số tiền hỗ trợ của Nhà nước theo chính sách là 300 triệu đồng, người dân đóng góp 140,664 triệu đồng.

Đồng thời hỗ trợ được 20 lồng cá cho các hộ mới tham gia nuôi. So với diện tích mặt nước sông Lam chảy qua trên địa bàn, thì rõ ràng con số này chưa tương xứng. Nhất là các xã có điều kiện thuận lợi về địa hình, địa lý như Bồng Khê, Chi khê, thị trấn Con Cuông chưa phát triển được thế mạnh phát triển nuôi cá lồng bè trên sông Lam. 

Ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tương Dương thì cho rằng: Sản phẩm cá lồng hiện nay vẫn chưa phong phú chủ yếu là các loại cá truyền thống chưa có các loại thủy sản cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Điều này phần lớn là do người dân chưa chủ động được con giống phù hợp với điều kiện nước sông Lam. 

Sau 1 năm nuôi, trọng lượng cá đạt từ 3-5kg, với giá bán ổn định từ 100.000 đến 120.000/kg như hiện nay, đây là một nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nhân dân dọc sông Lam. Ảnh: Tiến Đông
Sau 1 năm nuôi, trọng lượng cá đạt từ 3-5 kg, với giá bán ổn định từ 100.000 đến 120.000/kg như hiện nay, đây là một nguồn thu nhập khá ổn định cho bà con nhân dân dọc sông Lam. Ảnh: Tiến Đông

Ngay tại Tương Dương các loại giống thủy sản chủ yếu mua từ trại giống cá Đô Lương và các huyện trong tỉnh, vì trên địa bàn huyện chưa chủ động được nguồn giống, nên ảnh hưởng đến chất lượng nguồn giống. Chưa kể đến việc hiện nay chưa có một nghiên cứu cụ thể nào về nguồn nước sông Lam khu vực dưới nguồn các thủy điện để biết rằng phù hợp với loại cá nào, mà hầu hết người dân đang thả nuôi theo kinh nghiệm cá nhân, vì thế hiệu qua chưa cao.

Bên cạnh đó, nguồn nước lòng hồ thủy điện không ổn định, lúc lên lúc xuống gây khó khăn cho việc nuôi cá lồng, nhất là đoạn sông Lam được dâng lên bởi Thủy điện Khe Bố. Mặt khác, nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa với diện tích rộng lớn, nên việc phòng và chữa trị bệnh hiệu quả thấp.

Thiết nghĩ, để nghề nuôi cá lồng phát triển thì cần phải có sự mạnh dạn đầu tư của người dân, trên cơ sở sự hỗ trợ về nguồn giống và lồng nuôi của Nhà nước. Đồng thời, các địa phương cũng cần có quy hoạch khu vực nuôi phù hợp, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho cá, đồng thời  phát huy được tối đa lợi thế về mặt nước sông Lam trong việc nuôi cá lồng, đem lại nguồn thu ổn định, lâu dài cho các địa phương./. 

Tin mới