Nghệ An: Rốt ráo bảo vệ sản xuất vụ Đông trước mưa lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hiện nay, tại nhiều địa phương đã hoàn thành thu hoạch lúa hè thu và đang triển khai sản xuất vụ Đông theo đúng tiến độ, kế hoạch. Trước thông tin bão Noru đang tiến gần về đất liền, dự báo mưa lớn sau hoàn lưu bão, để bảo đảm an toàn cho cây trồng vụ Đông, các địa phương đã rốt ráo chỉ đạo các phương án ứng phó.
Đối với diện tích ngô đang thời kỳ phát triển, người dân tranh thủ nắng ráo để vun gốc, nạo vét rãnh, tạo lối thoát nước ngay trên chân ruộng. Ảnh: Thanh Phúc

Đối với diện tích ngô đang thời kỳ phát triển, người dân tranh thủ nắng ráo để vun gốc, nạo vét rãnh, tạo lối thoát nước ngay trên chân ruộng. Ảnh: Thanh Phúc

Mấy ngày nay, anh Nguyễn Văn Hải (thôn Đại Lộc, xã Thượng Tân Lộc, Nam Đàn) bám sát diễn biến thời tiết, thường xuyên thăm đồng để có phương án đảm bảo an toàn cho mấy sào ngô vụ Đông. Đối với diện tích ngô nếp, gia đình anh đã thu hoạch khi nghe tin bão về tránh gãy đổ, thiệt hại. Đối với diện tích ngô đang thời kỳ phun râu thì tập trung vun gốc, tạo độ chắc trước gió lớn.

"Ngô làm theo từng vùng, cơ cấu giống khác nhau. Do đó, hiện có những thửa ngô nếp đã thu hoạch; có diện tích đang trổ bông và có loại mới được 3-4 lá. Khi nghe tin có mưa bão, gia đình bám đồng để có phương án cụ thể với từng diện tích, trong đó, tập trung thu hoạch hết ngô nếp; vun gốc, tạo biện pháp chắn gió, chống gãy đổ cho ngô đã lên cao và chống ngập úng cho diện tích ngô mới lên khỏi mặt đất được một gang tay".

Chú trọng đến khâu tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra, tránh không để ngập úng cục bộ gây thiệt hại cho cây trồng. Ảnh: Thanh Phúc

Chú trọng đến khâu tiêu thoát nước khi có mưa lớn xảy ra, tránh không để ngập úng cục bộ gây thiệt hại cho cây trồng. Ảnh: Thanh Phúc

Tính đến thời điểm hiện tại, xã Thượng Tân Lộc (Nam Đàn) đã xuống giống 200ha ngô; 30ha lạc, 40ha bí đỏ và 60 ha rau màu vụ Đông các loại. Sản xuất vụ Đông được coi là vụ chính, mang lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, địa phương đã phát đi thông báo về các phương án phòng chống mưa, bão, nhất là đảm bảo an toàn cho cây trồng vụ Đông.

Anh Nguyễn Văn Long, cán bộ Nông nghiệp xã Thượng Tân Lộc cho biết: “Các công văn, văn bản chỉ đạo về đảm bảo an toàn sản xuất nông nghiệp được phổ biến đến các xóm, xóm thông báo rộng rãi trên hệ thống phát thanh, trên tin nhắn nhóm group của từng xóm.

Việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tránh ách tắc trước mùa mưa bão được các địa phương quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Việc nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy tránh ách tắc trước mùa mưa bão được các địa phương quan tâm. Ảnh: Thanh Phúc

Đồng thời, xã khuyến cáo bà con thu hoạch kịp thời 30ha ngô nếp; đối với 30ha lạc sắp thu hoạch thì nạo vét các rãnh luống; tạo lối thoát nước trên chân ruộng để tiêu úng kịp thời khi có mưa lớn sau bão. Chỉ đạo Hợp tác xã kiểm tra trạm bơm, triển khai các tổ vận hành máy bơm, đóng mở cầu cống kênh tiêu hợp lý đảm bảo tiêu thoát nước tránh ngập úng cây trồng vụ đông. Đồng thời, có phương án bổ cứu sản xuất sau mưa lũ”.

Với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” đến ngày 18/9, Nam Đàn đã thu hoạch xong 100% diện tích lúa hè thu. Song song với đó là triển khai Đề án sản xuất vụ Đông năm 2022-2023. Đến ngày 20/9/2022 toàn huyện Nam Đàn đã gieo cấy được 974ha ngô các loại, trong đó ngô trên đất lúa 114,2ha, lạc 30,5ha lạc, 751ha rau.

Che chắn những diện tích vừa xuống giống. Ảnh: Thanh Phúc

Che chắn những diện tích vừa xuống giống. Ảnh: Thanh Phúc

Để bảo vệ cây trồng vụ Đông trước diễn biến cực đoan của thời tiết, UBND huyện, Phòng NN&PTNT huyện đã tích cực bám sát cơ sở, có phương án cụ thể cho từng vùng sản xuất. Theo đó, đối với diện tích đến kỳ thu hoạch thì nhanh chóng thu hoạch trước mưa, bão; đối với diện tích cây mới xuống giống thì tập trung công tác chống mưa úng cục bộ; huy động lực lượng, tiến hành phát quang cây cối, giải phóng các chướng ngại vật, ách tắc trên tuyến kênh tiêu thoát lũ sau tràn…

Tại Hưng Nguyên, đến nay đã triển khai sản xuất được 10,5 ha bí xanh, dưa chuột, rau các loại tại xã Hưng Tân, Xuân Lam, Hưng Nghĩa; Thả cá vụ 3: 7,5 ha tại xã Xuân Lam, Hưng Phúc...

Theo khuyến cáo của phòng chuyên môn, nông dân Hưng Nguyên tạm ngừng xuống giống đối với diện tích đã làm đất trong thời gian mưa to do ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh: Thanh Phúc

Theo khuyến cáo của phòng chuyên môn, nông dân Hưng Nguyên tạm ngừng xuống giống đối với diện tích đã làm đất trong thời gian mưa to do ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Bá Thị Dung, Phó phòng nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: “Đối với các địa phương đã gieo trồng thì tập trung nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để kịp thời tiêu thoát nước khi mưa lớn xảy ra; đối với các địa phương đã làm đất, chưa xuống giống thì ngừng việc xuống giống, chờ nắng hửng, đất khô thì mới tiếp tục gieo trồng”.

Tại huyện Nghi Lộc, nhiều vùng sản xuất rau như: Nghi Long, Nghi Thuận… bà con đã xuống giống, đối với diện tích rau ngắn ngày thì chỉ đạo thu hoạch “chạy bão” như: rau cải các loại; đối với các loại rau vừa xuống giống như: mướp đắng thì che phủ cẩn thận; các loại bí xanh, bí đỏ, dưa chuột thì nạo vét dòng chảy, chống ngập úng cục bộ…

Thu hoạch sớm diện tích rau ngắn ngày. Ảnh: Thanh Phúc

Thu hoạch sớm diện tích rau ngắn ngày. Ảnh: Thanh Phúc

Theo kế hoạch, vụ đông năm 2022 toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.430 ha cây trồng các loại. Đến nay, nhiều địa phương đã bám lịch thời vụ, xuống giống các loại cây trồng theo cơ cấu. Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, các địa phương đã tích cực chỉ đạo, bám sát tình hình để có phương án ứng phó cụ thể; đồng thời, lên kịch bản bổ cứu sản xuất vụ Đông nếu xảy ra mưa to, ngập lụt, gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Tin mới