Nghệ An: Sắm thuyền đi dạy học ở lòng hồ Bản Vẽ

(Baonghean.vn) - Nhiều điểm trường nằm bên lòng hồ Bản Vẽ, giáo viên không thể đến lớp bằng xe máy để dạy học, do vậy, tập thể trường Tiểu học Lượng Minh (huyện Tương Dương - Nghệ An) đã quyết định đầu tư thuyền đi lại cho giáo viên.
Bản Cà Moong và Xốp Cháo là 2 bản đặc biệt khó khăn của xã Lượng Minh (Tương Dương) nằm bên lòng hồ Bản Vẽ. Ảnh: Đào Thọ
Bản Cà Moong và Xốp Cháo là 2 bản đặc biệt khó khăn của xã Lượng Minh (Tương Dương) nằm bên lòng hồ Bản Vẽ. Ảnh: Đào Thọ

Con thuyền bằng sắt chắc chắn đã được tập thể giáo viên ở các điểm trường bản Cà Moong và Xốp Cháo (thuộc trường Tiểu học Lượng Minh) hạ thủy và đưa vào sử dụng cách đây mấy hôm. Với tổng số tiền đầu tư 30 triệu đồng, đây là lần đầu tiên trên địa bàn huyện Tương Dương, giáo viên được cấp thuyền để vào điểm bản dạy học. 

Điểm trường Xốp Cháo. Ảnh: Đào Thọ
Điểm trường Xốp Cháo. Ảnh: Đào Thọ

Hai điểm trường Cà Moong, Xốp Cháo được ví như một “ốc đảo” bên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Muốn đến được các điểm trường này có 2 con đường: Đường bộ phải qua nhiều ngọn núi và khe suối nhưng sạt lở rất khó khăn và nguy hiểm; còn đường thủy thì xuất phát từ bến thượng lưu ở nhà máy thủy điện mất chừng 40 phút. 

Trước đây, mỗi lần vào bản dạy học, các giáo viên ở đây phải thuê thuyền để đi lại. Ảnh: Đào Thọ
Trước đây, mỗi lần vào bản dạy học, các giáo viên ở đây phải thuê thuyền để đi lại. Ảnh: Đào Thọ

Hầu hết các giáo viên dạy học ở đây đều chọn cách đi thuyền để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên mỗi lần đi lại họ thường phải thuê thuyền riêng hoặc rủ nhau đi tập thể rất tốn kém. Thường họ phải bỏ ra cho mỗi chuyến đi từ 30-50 nghìn/người, còn thuê thuyền thì từ 250-300 nghìn đồng. 

Cuối tuần là thời điểm giáo viên phải mang balo xuống bến để đợi thuyền về nhà. Ảnh: Đào Thọ
Cuối tuần là thời điểm giáo viên phải mang balo xuống bến để đợi thuyền về nhà. Ảnh: Đào Thọ

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh cho biết: Ý tưởng này chúng tôi đã có từ đầu năm học nhưng đến nay mới thực hiện được. Sau khi được Công đoàn giáo dục tỉnh hỗ trợ 15 triệu đồng, chúng tôi vận động mỗi cán bộ, giáo viên đóng góp thêm mỗi người 200 nghìn. Số tiền còn lại nhà trường bỏ ra.

"Thuyền thì thuê thợ đóng trên này nhưng máy phải về tận thành phố Vinh mua rồi mang lên. Sắp tới chúng tôi còn phải sắm thêm áo phao cho giáo viên để họ đảm bảo an toàn hơn trong việc di chuyển trên sông" - thầy Thanh nói. 

Con thuyền mới được đầu tư cho giáo viên 2 điểm trường Cà Moong và Xốp Cháo. Ảnh: Đào Thọ
Con thuyền mới được đầu tư cho giáo viên 2 điểm trường Cà Moong và Xốp Cháo. Ảnh: Đào Thọ

Vốn dạy học nhiều năm ở 2 “ốc đảo” này nên các giáo viên ở đây đều có thể tự lái thuyền. Thầy Lô Văn Tuân vốn là cư dân của lòng hồ Bản Vẽ, dày dạn kinh nghiệm sông nước nên được giao cho công việc chèo lái.

“Bây giờ chúng tôi đã có thể chủ động trong công việc mà không phải phụ thuộc vào thuyền của người dân. Từ ngày có thuyền riêng, ai nấy đều vui mừng vì thấy mình được quan tâm và xem đó như một tài sản chung đáng quý” - cô giáo Vi Thị Vân cho hay.

Tin mới