Nghệ An: Sẽ đưa một số vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm ra xét xử

(Baonghean.vn) – Sáng 03/6, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo của Sở Y tế đã báo cáo nhanh về kết quả thực hiện công tác bảo đảm ATTP 5 tháng đầu năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Theo đó: Công tác truyền thông đã được chú trọng và đẩy mạnh, từng bước thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của mỗi người dân. Các thông điệp về ATVSTP được truyền tải trực tiếp đến từng người dân. Trên toàn tỉnh đã có 3.955 lượt phát thanh, 465 loại băng rôn khẩu hiệu, tổ chức 574 buổi nói chuyện, phát sóng 53 tin bài trên truyền hình, đăng tải 133 tin bài trên báo viết.

Đoàn thanh tra liên ngành Trung ương kiểm tra tại Siêu thị Big C Vinh; phát hiện một số thực phẩm không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.
Đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra tại Siêu thị Big C Vinh trong Tháng hành động vì ATTP năm 2016.

Các đoàn kiểm tra các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 7.916 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó: có 6.296 cơ sở đạt chiếm tỷ lệ 79,5%; có 1.620 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ 20,5%. Kết quả xử lý các cơ sở vi phạm: Có 3 cơ sở bị đóng cửa; 509 cơ sở bị cảnh cáo; 83 cơ sở bị phát tiền với tổng số tiền phạt là 155,2 triệu đồng; 369 cơ sở bị hủy sản phẩm với 127 loại sản phẩm, tổng giá trị tiêu hủy khoảng 85 triệu đồng. Ngoài ra một số cơ sở bị đình chỉ lưu hành sản phẩm, khắc phục nhãn mác...Toàn tỉnh từ đầu năm đến nay xảy ra 03 vụ ngộ độc thực phẩm, 08 người mắc, không có trường hợp tử vong (cùng kỳ năm 2015 có 01 vụ, 01 người mắc dẫn đến tử vong).

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vinh tiến hành lấy 3 mẫu nước tiểu lợn tại chuồng – khu vực giết mổ do gia đình ông Phạm Văn Hạnh quản lý và hoạt động.
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Vinh tiến hành lấy 3 mẫu tại lò mổ tập trung ở xã Nghi Phú để kiểm nghiệm.

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh, Báo Nghệ An, Đài PT&TH Nghệ An, Công an tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên và huyện Diễn Châu đã có những ý kiến phát biểu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Lãnh đạo UBND thành phố Vinh nêu lên những khó khăn trong công tác kiểm nghiệm mẫu để xác định vi phạm.
Lãnh đạo UBND thành phố Vinh nêu lên những khó khăn trong công tác kiểm nghiệm mẫu để xác định vi phạm.

Các ý kiến tập trung vào những vấn đề như: Tình trạng mất ATVSTP vẫn đang ở mức báo động, cần mở đợt tổng kiểm tra, giao chỉ tiêu cho từng ngành địa phương thực hiện. Bên cạnh đó cần xây dựng những kế hoạch dài hơi để thực hiện; Cần nêu cao vai trò của các địa phương cơ sở trong công tác kiểm tra, giám sát; Nêu cao đạo đức công vụ của cán bộ kiểm tra; Cần có cơ chế khuyến khích cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn; Cơ chế khuyến khích người dân tố cáo các hành vi gây mất ATVSTP; Xây dựng trung tâm đo lường, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm; Trang bị các dụng cụ chuyên dụng thiết yếu cho đoàn kiểm tra; Kiểm tra quy hoạch lại hệ thống lò giết mổ; bố trí hòm thư tố cáo nguy cơ đặt ở các điểm nóng; Tăng cường công tác tuyên truyền tại các chợ…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị: Ngành nông nghiệp làm mạt vấn đề chất lượng nông lâm, thủy sản như làm nông thôn mới; Ngành công thương cần kiểm tra từ Siêu thị trở đi đến các chợ nhỏ...Cần sớm xử lý hình sự  điểm những vi phạm để răn đe.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng đề nghị  xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm để răn đe.

Phát biểu kết luận cuộc hợp, đồng chí Nguyễn Xuân Đường khẳng định: Tình trạng thực phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, không đăng ký đang rất nhiều trên thị trường, gây nguy hiểm đến người tiêu dùng. Để đảm bảo ATVSTP cả hệ thống chính trị xã hội cần phải tích cực vào cuộc. Các cấp ngành, địa phương phải thực hiện quyết liệt trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thay vì những cuộc kiểm tra chất lượng chưa cao, hiệu quả không lớn như hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Xuân Đường  nêu rõ:Cả hệ thống chính trị, xã hội cần phải tích cực vào cuộc để đảm bảo ATVSTP.
Đồng chí Nguyễn Xuân Đường yêu cầu cả hệ thống chính trị, xã hội cần phải tích cực vào cuộc để đảm bảo ATVSTP.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: Các cấp, ngành, địa phương cần quán triệt Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính Phủ; xây dựng kế hoạch thực hiện và triển khai nghiêm túc, tạo sự chuyển biến về ATVSTP trên địa bàn; Công tác quản lý nhà nước phải tiến hành đồng bộ ở 3 cấp, cấp chính quyền càng sát dân càng phải có trách nhiệm hơn.

Trong công tác kiểm tra cần lựa chọn cán bộ có năng lực, bản lĩnh, không bị chi phối, đảm bảo hiệu quả kiểm tra, tránh tình trạng kiểm tra qua loa, thậm chí vui vẻ, chung chi với nhau. Thời gian tới khi Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực (01/7/2016), cần đưa một số vụ việc vi phạm ATVSTP ra xét xử nhằm tạo tác dụng răn đe.

Thanh Sơn

TIN LIÊN QUAN

Tin mới