Nghệ An sẽ phạt vượt đèn vàng nhờ camera ghi hình

(Baonghean.vn) - Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Trung tá Lê Thanh Nghị - Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) xung quanh vấn đề này.

Hơn 100 hành vi vi phạm tăng mức phạt

PV: Nghị định 46/2016 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8/2016. Tuy nhiên, rất nhiều người dân chưa biết được những nội dung trong nghị định này ?.

Trung tá Lê Thanh Nghị
Trung tá Lê Thanh Nghị

Trung tá Lê Thanh Nghị: Kể từ năm 2013 đến nay, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Sau một thời gian triển khai Nghị định 171/NĐ-CP và 107/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có những chế tài xử phạt cũ không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Nghị định 46 ra đời theo tôi là kịp thời, phù hợp. Nghị định sửa đổi, bổ sung, mô tả lại để làm rõ hơn đối với 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm. Nghị định cũng bổ sung 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong các nghị định hiện hành để đáp ứng với các yêu cầu thực tiễn.

Nghị định 46 điều chỉnh mức phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả đối với 115 hành vi, nhóm hành vi như vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, vi phạm chở hàng quá tải trọng, vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và vi phạm về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ...

PV: Nhiều hành vi vi phạm Luật ATGT được tăng mức xử phạt trong Nghị định 46. Có phải nguyên nhân là để tăng nguồn thu ?.

Trung tá Lê Thanh Nghị:  Theo Nghị định 46, nhiều lỗi vi phạm tăng mức phạt so với quy định cũ như: vi phạm nồng độ cồn, đi xe qua giải phân cách, đi xe trên vỉa hè, vi phạm tốc độ...

Theo tổng hợp thì nguyên nhân của các vụ tai nạn chủ yếu tập trung vào các lỗi vi phạm trên. Đặc biệt, những năm gần đây, hành vi vượt nồng độ cồn, vi phạm tốc độ gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Vì thế, theo tôi việc tăng mức xử phạt là hợp lý, đặc biệt đối với những hành vi cố tình vi phạm nhiều lần, nguy hiểm cho xã hội.

Việc tăng mức phạt không có nghĩa là nhằm thu tiền phạt cao mà để tuyên truyền, ngăn chặn các hành vi vi phạm, tăng tính răn đe. Theo quan điểm của cá nhân thì mỗi lần xử phạt là một lần tuyên truyền, nhắc nhở. Hơn nữa, người dân nên chấp hành đúng quy định trong Luật, khi đó sẽ không cần quan tâm đến mức xử phạt nữa.

Mức phạt vượt đèn vàng và đèn đỏ ngang nhau

PV: Một số điều khoản trong Nghị định 46 đang khiến người dân băn khoăn, có nhiều ý kiến trái chiều. Điển hình như  việc nâng mức phạt vượt đèn vàng ngang đèn đỏ và gộp chung vào một lỗi?.

Trung tá Lê Thanh Nghị: Hiện còn cách hiểu chưa chính xác về quy định của pháp luật về việc không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu. Nếu không chấp hành bất kỳ hiệu lệnh nào của đèn tín hiệu đã được quy định thì đều bị xử lý với lỗi “không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông”.

Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; trong khi tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Từ ngày 1/8/2016, hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt ngang vượt đèn đỏ.
Từ ngày 1/8/2016, hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt ngang vượt đèn đỏ.

Như vậy, hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là việc người điều khiển phương tiện không chấp hành theo các tín hiệu đèn được quy định. Đối với việc một số người vẫn hiểu “vượt đèn vàng” là được phép hoặc nếu vi phạm thì chỉ bị nhắc nhở… là cách hiểu không đúng.

Theo nghị định 46, người chạy xe vượt đèn vàng hay đèn đỏ sẽ bị phạt tiền như nhau: với xe ô tô lên tới 2 triệu đồng và xe máy là 400.000 đồng.

PV: Nhiều người cho rằng, việc xử phạt hành vi vượt đèn vàng ngang đèn đỏ là không phù hợp vì trước khi dừng đèn đỏ thì thời gian đèn vàng là để người tham gia giao thông chuẩn bị tâm lý. Nếu phạt vì vượt đèn vàng thì có thể gây nguy hiểm khi lái xe phải phanh gấp ?.

Trung tá Lê Thanh Nghị: Hiện tất cả các cột đèn giao thông đều đã có hệ thống đếm ngược thời gian vì thế cho rằng thời gian đèn vàng chỉ 3 giây khiến cho người điều khiển xe lúng túng là không đúng.

Hơn nữa, theo nguyên tắc khi gần đến khu vực có đường giao nhau thì người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ để quan sát các phương tiện khác đang lưu thông. Vì thế, người điều khiển phương tiện phải làm chủ tốc độ và khi gặp đèn vàng có thể dừng lại được.

Như vậy, khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng mà người chạy xe không dừng lại trước vạch dừng thì được xác định đây là hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ và sẽ bị xử phạt. Việc xử phạt có thể bằng hình thức bắt lỗi trực tiếp hoặc qua camera ghi hình.

Để áp dụng các quy định trong Nghị định 46 vào thực tế, Phòng CSGT đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ tất cả các lực lượng hiểu đúng về quy định pháp luật để triển khai nhiệm vụ, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân được biết và chấp hành đầy đủ các quy định mới.

Xin cảm ơn ông !

Nguyên Hưng

TIN LIÊN QUAN

Tin mới