Nghệ An sẽ tiếp tục rà soát ‘đầu vào’ và ‘đầu ra’ dự án

(Baonghean.vn) - Trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về giải pháp hạn chế các dự án chậm tiến độ, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An cho biết, sẽ tiếp tục rà soát “đầu vào” và “đầu ra” của các dự án.
Clip: Thành Cường - Lâm Tùng

Chiều 12/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, đại biểu Đinh Thị An Phong - Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc đã chất vấn lãnh đạo Sở KH&ĐT:  “Còn bao nhiêu dự án dang dở, kéo dài” trên địa bàn tỉnh và giải pháp xử lý, cũng như giải pháp trong thời gian tới để hạn chế dự án chậm tiến độ.

Đại biểu Đinh Thị An Phong - Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc tham gia chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Đại biểu Đinh Thị An Phong - Tổ đại biểu huyện Nghi Lộc tham gia chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Trả lời đại biểu, ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, đối với một số dự án từ khâu triển khai đến khi hoàn thành có khoảng 10 thủ tục, bao gồm từ chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, quy hoạch 1/500; kiểm đếm, đo đạc, giải phóng mặt bằng, giao đất, thực hiện xây dựng;… 

Từ năm 2012 đến nay, Nghệ An đã kiểm tra 454 dự án, trong đó, thu hồi 183 dự án chậm tiến độ. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, số lượng kiểm tra gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. 

Người đứng đầu Sở KH&ĐT cho biết, trên địa bàn thành phố Vinh có 201 dự án chậm tiến độ, chiếm 44,27% tổng số dự án, đã kiểm tra và đã thu hồi 42 dự án. Còn trên địa bàn thị xã Cửa Lò đã kiểm tra 30 dự án, trong đó, thu hồi 10 dự án. 

Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời chất vấn của đại biểu về dự án chậm tiến độ. Ảnh: Thành Cường
Ông Nguyễn Xuân Đức - Giám đốc Sở KH&ĐT trả lời chất vấn của đại biểu về dự án chậm tiến độ. Ảnh: Thành Cường

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Đức cho biết: Sở sẽ đưa vào sử dụng phần mềm quản lý để cập nhật chi tiết các dự án. Hiện nay, số lượng các dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.400 dự án.

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục rà soát các dự án, bao gồm rà soát “đầu vào” và “đầu ra”. Theo đó, về “đầu vào” đơn vị sẽ phối hợp với Sở Tài chính, ngành Thuế để thẩm tra năng lực tài chính của chủ đầu tư có đáp ứng được 15 - 20% tổng mức đầu tư dự án (tùy vào dự án đầu tư); đồng thời, yêu cầu các chủ đầu tư ký quỹ từ 1 - 3% theo quy định trên tổng mức đầu tư dự án.

Hiện nay, tại Nghệ An các dự án đã ký quỹ là 320 tỷ đồng.

Tin mới