Nghệ An: Siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ

(Baonghean) - Kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động công vụ là yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động tại các cơ quan, đơn vị. Đó cũng là thước đo để người dân thực hiện chức năng giám sát đối với thái độ, nền nếp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức…

Những câu chuyện buồn…

Thời gian gần đây, một số sai phạm liên quan đến đạo đức, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong đó có cả cán bộ, đảng viên xảy ra trên địa bàn tỉnh đã và đang gây ảnh hưởng không tốt đến dư luận xã hội, gây mất niềm tin trong nhân dân.

Điển hình như vụ việc ngày 14/8/2016, tại nhà riêng của ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1962) - Đội phó Đội quy tắc đô thị xã Nghi Phú (TP. Vinh) ở xóm 15, cơ quan công an bắt quả tang ông này đang có hành vi nhận tiền hối lộ của 7 người dân có quầy bán hàng rong trước cổng Bệnh viện Hữu nghị  Đa khoa Nghệ An. Tại cơ quan công an, ông Sơn thừa nhận từ tháng 11/2015 đến nay đã nhận tiền hàng tháng của khoảng 20 người kinh doanh trước cổng bệnh viện để không xử lý họ. 

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa Sở  Giao thông Vận tải.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa Sở Giao thông Vận tải.

Hay như vụ việc các ông Lê Viết Sỹ - nguyên Chủ tịch UBND, Nguyễn Hữu Sâm - cán bộ địa chính xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Đàn) bị khởi tố tội tham ô tài sản. Khởi nguồn từ đơn tố cáo của công dân, UBND huyện Nghĩa Đàn đã thành lập đoàn xác minh sự việc và kết luận: Trong đợt đấu giá đất Cỏ Voi, UBND huyện đã thu hồi 5.195 m2 đất công ích của UBND xã Nghĩa Thịnh và đền bù, hỗ trợ số tiền 140.265.000 đồng.

Khi nhận tiền đền bù, ông Sỹ và ông Sâm lợi dụng chức vụ và quyền hạn tham nhũng số tiền trên mà không nộp vào ngân sách Nhà nước. Sau quá trình điều tra, Công an huyện Nghĩa Đàn đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 ông này.

Còn tại xã tái định cư Thanh Sơn (Thanh Chương) cuối tháng 4 năm 2016 xảy ra sự việc hàng chục gia đình bị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam sử dụng chiêu trò tham gia mua hàng để "bẫy" người dân, thu hàng tỷ đồng. Nhưng điều xót xa là việc một số cán bộ có chức vụ (trong đó có phó chủ tịch HĐND và phó chủ tịch phụ trách văn hóa) của xã lại chính là người “đưa” dân vào vòng xoáy đa cấp. Mặc dù sau đó, những cán bộ này đã bị xử lý kỷ luật nhưng vẫn gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền đối với người dân…

Xử lý chưa nghiêm…

Qua thực tế kiểm tra Chỉ thị 17 cũng cho thấy nhiều vấn đề tồn tại trong ý thức thực thi công vụ, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chấp hành chưa nghiêm thời giờ làm việc (đi muộn, vắng không rõ lý do, chơi games trong giờ làm việc...)  xảy ra ở xã Kim Liên, Nam Hưng (Nam Đàn). Hay tại UBND thị trấn Tân Kỳ có nhiều sai phạm trong thực hiện Chỉ thị 17, cán bộ lãnh đạo, công chức chuyên môn thiếu tinh thần phối hợp với đoàn kiểm tra của tỉnh.

Một hiện tượng được người dân, doanh nghiệp phản ánh nhiều khi trực tiếp giao dịch thủ tục hành chính là cán bộ công chức hướng dẫn, giải thích công việc cho người dân một cách lòng vòng, khó hiểu. Khi cần bổ sung hồ sơ không hướng dẫn cụ thể, bắt người dân phải đi lại nhiều lần, nhiều cán bộ công chức có thái độ vòi vĩnh, ngâm hồ sơ nhằm vụ  lợi… 

Kết quả điều tra xã hội học thuộc đề tài nghiên cứu khoa học về chất lượng đội ngũ công chức hành chính nhà nước năm 2015 của lãnh đạo Sở Nội vụ cho thấy: Về số lần đi lại để giải quyết thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp, có 29,8% phải đi 1 lần; 67,8% phải đi 2 đến 3 lần; đặc biệt, có 8,4% phải đi lại trên 3 lần và 14,8% phải đi lại trên 4 lần. Về thái độ phục vụ: có 23,1% công chức được đánh giá ở mức trung bình; 1,5% được đánh giá ở mức không tốt.

Một số lĩnh vực như y tế, thu chi ngân sách, đất đai, môi trường vẫn còn tỷ lệ khá cao công chức được đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chưa tốt. Mức độ thỏa mãn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp còn thấp. Đánh giá về đạo đức công vụ: có 86,1% ý kiến phản ánh công chức còn có hiện tượng gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thực trạng trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm thường chỉ xếp hạng trung bình hoặc là đầu của loại khá (năm 2013 thứ 46, năm 2014 thứ 28, năm 2015 thứ 32).

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính

Xuất phát từ thực trạng chung, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính thông qua việc ban hành những văn bản cụ thể, điển hình là Chỉ thị 17 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình triển khai, Nghệ An đã gắn việc thực hiện Chỉ thị 17 với các chủ trương của Đảng, Nhà nước như: Chỉ thị số 05 ngày 31/1/2008 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước"; Nghị định 34 ngày 17/5/2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức; Đề án 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao tính gương mẫu, chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên.

Nhiều cơ quan, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng quản lý hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức bằng việc áp dụng công nghệ hiện đại như: Sở Kế hoạch và Đầu tư áp dụng công nghệ thẻ quẹt điện tử; Sở Thông tin và Truyền thông sử dụng công nghệ quét vân tay… 

Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, tỉnh cũng quyết định đổi mới cách thức kiểm tra. Theo đó, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành  tiến hành kiểm tra đột xuất ở các đơn vị, địa phương và tái kiểm tra ở những đơn vị đã kiểm tra.

Thông qua việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 17, nhận thức của cán bộ, công chức đã được nâng lên, hoạt động của nhiều địa phương, cơ quan đã đi vào nề nếp. Đơn cử, thực hiện kiến nghị của Tổ kiểm tra, giám sát Chỉ thị 17, Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn đã có Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 2 cán bộ, công chức xã Nam Hưng, còn huyện Tân Kỳ cũng đã chỉ đạo kiểm điểm tập thể lãnh đạo và công chức có liên quan của thị trấn Tân Kỳ. Đồng thời chấn chỉnh lại tác phong lề lối làm việc tại đơn vị này, chọn đây làm điểm tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Lâm Sơn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém, Huyện ủy yêu cầu tất cả các cán bộ, đảng viên phải có cam kết thực hiện Chỉ thị 17 và Chỉ thị 28 của BTV Huyện ủy. Đồng thời, gắn việc thực hiện chỉ thị với việc thi đua, đánh giá, xếp loại đối với tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên, công chức. Nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân vi phạm chỉ thị sẽ xử lý nghiêm.

Kiểm tra Chỉ thị 17 tại thị trấn Nam Đàn
Kiểm tra Chỉ thị 17 tại thị trấn Nam Đàn, ảnh tư liệu

Theo đồng chí Lê Đình Lý - Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Để nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ và đặc biệt là tinh thần phục vụ của người cán bộ, công chức, trước hết phải giao trách nhiệm cho người đứng đầu. Qua đó, phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo đơn vị để cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, cần đánh giá đúng chất lượng, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức làm cơ sở sắp xếp, điều chuyển, bố trí nhân sự phù hợp với vị trí việc làm. Kiên quyết thực hiện tinh giản số công chức, viên chức năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nhắc nhở công chức chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương  hành chính. Vì suy cho cùng thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính là nhằm tạo môi trường tốt nhất cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc có hiệu quả, làm tròn trách nhiệm của mình trước việc Đảng, việc dân.

Tại Hội nghị quán triệt Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Xuân Đường yêu cầu: Thường xuyên kiểm tra, giám sát, rà soát sắp xếp bộ máy, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu… tạo sự chuyển biến trong thực thi nhiệm vụ từ thủ trưởng cơ quan, đơn vị đến từng cán bộ, đảng viên; đưa hệ thống hành chính làm việc sâu sát và phục vụ tốt cho nhân dân. Tại cuộc họp cho ý kiến vào Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình triển khai, thực hiện đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, các nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Nâng cao đạo đức công vụ là cơ sở để tỉnh Nghệ An tăng chỉ số PCI”.

Khánh Ly - Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN

Tin mới