Nghệ An siết chặt tuyến biên giới để phòng dịch

(Baonghean.vn) - Thời điểm này, trên tuyến biên giới, lực lượng phòng, chống dịch của Nghệ An đã được tăng cường, đảm bảo ngăn chặn mọi nguy cơ người nhập cảnh mang mầm bệnh Covid-19 vào nội địa. Lực lượng địa phương cũng đang tăng dày “vành đai” trong thế trận toàn dân chống dịch.

Lá chắn thép

Chịu ảnh hưởng khí hậu của Lào, bây giờ tuyến biên giới dài 468km Nghệ An (Việt Nam) - Lào đã bước vào mùa mưa. Buổi sáng và trưa nắng có thể chói chang bỏng rát; song chiều và đêm mưa giông, lốc xoáy rất có thể xảy ra. Thời tiết khắc nghiệt đã và đang khiến cho công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 của các lực lượng chức năng thêm khó khăn. Đường tuần tra thêm trơn trượt, sạt lở, nhiều sên vắt; khe suối đục ngầu, nước sạch sinh hoạt cho các cán bộ, chiến sĩ trên chốt biên phòng càng hiếm hoi...

Ảnh: Thành Cường
Chốt 3, Đồn Biên phòng Thông Thụ (huyện Quế Phong) nằm giữa vùng núi non hiểm trở. Ảnh: Thành Cường

Khó khăn, vất vả nhiều nhưng đi bất cứ chốt, đồn biên phòng nào trên tuyến biên giới, đều có thể thấy rõ ý chí, quyết tâm giữ vững chủ quyền, ngăn chặn hiểm họa đại dịch của các cán bộ, chiến sĩ. Chốt 3, Đồn Biên phòng Thông Thụ (huyện Quế Phong) là một trong số đó. Chốt được thiết lập từ đầu năm 2020, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống nguy cơ dịch Covid-19 thẩm lậu từ tình trạng nhập cảnh trái phép.

Trung tá Phan Văn Quảng - Chốt Trưởng chốt 3 chia sẻ: “Chốt đóng giữa vùng núi non hết sức hiểm trở; chịu trách nhiệm quản lý một đoạn đường biên dài với nhiều đường mòn lối mở. Khó khăn vất vả nhiều nhưng anh em cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng, cố gắng “vượt nắng, thắng mưa”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Ảnh: Thành Cường
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tuần tra, phát hiện, ngăn chặn nhập cảnh trái phép. Ảnh: Thành Cường

Theo Trung tá Quảng: Những ngày này chốt 3 cũng như nhiều chốt, điểm, đồn biên phòng khác trên toàn tuyến biên giới Việt Nam đang căng mình chống dịch Covid-19. Ở Lào hiện nay, đã có hơn 1.400 ca nhiễm Covid-19, trung bình mỗi ngày có thêm 49 ca mắc; người Việt ở Lào hiện có 66 người mắc, 1 người tử vong. Có nhiều người Việt ở Lào khi nhập cảnh về nước được phát hiện nhiễm bệnh. Và cũng đã có người nhập cảnh trái phép từ Lào về lây nhiễm bệnh cho cộng đồng là trường hợp BN 3051 ở Hải Dương... Trước tình hình đó, lực lượng canh giữ biên giới phải tập trung cao độ, tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát, chốt chặn và các biện pháp nghiệp vụ nhằm chặn đứng nguy cơ dịch xâm nhập.

Lực lượng canh giữ biên giới phải tập trung cao độ nhằm chặn đứng nguy cơ dịch xâm nhập. Ảnh: Thành Cường
Lực lượng canh giữ biên giới phải tập trung cao độ nhằm chặn đứng nguy cơ dịch xâm nhập. Ảnh: Thành Cường

Giữa nhiệm vụ căng thẳng, đầu tháng 5 này, chốt 3 có thêm niềm vui, đó là được đón thêm 3 cán bộ, chiến sĩ trẻ của Bộ CHQS tỉnh tăng cường cho công tác đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới và phòng, chống dịch Covid-19.

Cuộc sống mới, điều kiện công tác mới tuy có nhiều khó khăn song với tinh thần “chống dịch như chống giặc” ai cũng quyết tâm, cố gắng thích nghi để rồi an tâm công tác, sẵn sàng bám trụ lâu dài. Bản thân tôi xác định rõ đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình

Thượng úy Trịnh Văn Hưng - cán bộ Ban CHQS huyện Quỳ Châu

Không riêng gì chốt 3 mà tất cả 5 chốt biên phòng (4 cố định và 1 lưu động) của Đồn Biên phòng Thông Thụ đều được tăng viện thêm cán bộ, chiến sĩ của Bộ CHQS tỉnh.
Thượng tá Hoàng Văn Huy - Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ cho biết: “Đợt này, đồn được Bộ CHQS tỉnh tăng cường thêm 10 cán bộ. Trước khi tổ chức phân công nhiệm vụ, Đảng ủy và Ban Chỉ huy Đồn đã đưa các cán bộ, chiến sĩ ra Trung tâm Y tế huyện tiêm vaccine phòng Covid-19; tổ chức gặp gỡ động viên, trao đổi thông tin liên quan về địa bàn, tình hình biên giới, xuất nhập cảnh; tổ chức tập huấn nghiệp vụ. Đồn giao trách nhiệm cho các chốt tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ cán bộ quân sự lên tăng cường sớm hòa nhập, thích ứng để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Ảnh: Thành Cường
 

Thượng tá Hoàng Văn Huy khẳng định: Hơn 1 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, Bộ đội Biên phòng đã duy trì các tổ, chốt, trạm tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Không ít cán bộ, chiến sĩ trực chốt đã tạm gác những công việc riêng như hoãn đám cưới, không về quê đón Tết để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Chủ trương tăng viện lực lượng cán bộ Quân đội cho biên giới là sự bổ sung kịp thời, thêm sức mạnh cho biên phòng, tạo “lá chắn thép” trên biên giới.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4, ngày 2/5, Bộ CHQS tỉnh đã điều động, bàn giao 66 cán bộ tăng cường cho các chốt phòng, chống dịch Covid-19 ở tuyến biên giới. Những cán bộ được tăng cường lần này sẽ được biên chế tạm thời cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, điều động về các tổ, chốt phối hợp với các lực lượng tại chỗ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều lớp chống dịch

Lực lượng được tăng cường song không hẳn vì thế mà công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên tuyến biên giới có thể an yên. Theo các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong): Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ở các xã vùng biên, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, dân trí thấp, tệ nạn xã hội không ít. Duy trì cuộc sống, người dân các xã đặc biệt là những lao động trẻ vẫn thường ly hương, đi làm ăn xa. Trong bối cảnh dịch, những người này quay về và rất có thể mang theo mầm bệnh.

Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: Thành Cường
Công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa bàn còn nhiều diễn biến phức tạp. Ảnh: Thành Cường

Qua nắm bắt của Đồn Biên phòng Thông Thụ: Ở bên kia biên giới là tỉnh Hủa Phăn (Lào), số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động rất đông. Tính riêng huyện Sầm Tớ giáp với huyện Quế Phong có khoảng 500 người, đại đa số là công nhân thủy điện và lao động tự do. Thời điểm này dịch Covid-19 bùng phát ở Lào, công việc làm ăn khó khăn, số lao động này xa nhà đã lâu nên bản thân họ sẽ có nhu cầu trở về. Điều đáng nói, do khoảng cách địa lý từ Sầm Tớ đi Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn (Nghệ An), Na Mèo (Thanh Hóa) là rất xa, không thuận lợi vậy nên số lao động này muốn về sẵn sàng “liều mình” “năm ăn, năm thua” nhập cảnh trái phép. Từ đầu năm đến nay, Đồn đã bắt được 6 vụ, 15 đối tượng nhập cảnh trái phép, xử phạt hành chính, đưa đi cách ly y tế theo đúng quy định.

Thượng tá Hoàng Văn Huy chia sẻ thêm: Đồn đã tích cực phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương nắm bắt và tuyên truyền đến các đối tượng đi làm ăn xa trở về thực hiện khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn cách ly tại gia đình, cơ sở y tế; tuyên truyền cho người dân tích cực tố giác người nhập cảnh trái phép. Không chỉ đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền từng người dân trên địa bàn, mà Đồn còn phối hợp cùng ban quản lý các bản của nước bạn tuyên truyền việc không tiếp tay, dẫn đường cho người nhập cảnh trái phép... Chính vì vậy, đã có những trường hợp nhập cảnh trái phép được nhân dân phát hiện, tố giác để Đồn bắt giữ. Với thế trận toàn dân, Đồn Biên phòng Thông Thụ chưa để “lọt lưới” bất cứ đối tượng nhập cảnh trái phép nào.

Phòng, chống Covid-19 đã là một nhiệm vụ chung của toàn quân, toàn dân. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang thường trực 100% quân số, duy trì hơn 600 cán bộ, chiến sĩ tại 101 tổ chốt cố định, lưu động và trạm kiểm soát để tham gia kiểm soát, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch. Ngoài 66 quân nhân chuyên nghiệp được điều động, tăng cường đợt này, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã báo cáo Quân khu IV chuẩn bị thêm gần 200 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng tiếp tục lên tuyến biên giới để thực hiện công tác quản lý khi có yêu cầu. Các huyện, xã, thị trấn ở khu vực biên giới cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng thế trận toàn dân chống dịch, tăng dày “vành đai” chống dịch với nhiều tầng, lớp.

Ảnh: Thành Cường
66 quân nhân chuyên nghiệp của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được điều động tăng viện cho biên giới. Ảnh: Thành Cường

Ông Dương Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho hay: “Ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập từ biên giới, nhiều “lớp” chống dịch đã được hình thành. Lớp đầu tiên là những chốt chặn ngay dọc tuyến đường biên do cán bộ Quân đội đảm nhiệm; lớp thứ hai được đặt ở khu vực vành đai phía sau do cán bộ Biên phòng cùng lực lượng Công an xã, dân quân tự vệ địa phương tuần tra kiểm soát; lớp thứ ba là các tổ chốt chặn do Công an, Ban CHQS chốt chặn trên các tuyến đường, kiểm soát các đối tượng đi lại... Ngoài việc hình thành các lớp phòng tuyến chống dịch, huyện chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng, chính quyền xã, thị tăng cường tuyên truyền về khuyến cáo 5K, thực hiện kiểm tra, xử phạt; yêu cầu thực hiện khai báo y tế cho tất cả đối tượng từ nơi khác về địa phương”.

Tin mới