Nghệ An: Sớm ổn định đội ngũ cộng tác viên để nâng hiệu quả công tác dân số cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Hai năm qua, công tác dân số Nghệ An trải qua nhiều biến động sau khi tiến hành sáp nhập và sắp xếp lại đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở. Điều đó cũng đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động ở các địa phương và cần phải sớm tìm ra giải pháp nhằm không làm gián đoạn quá trình thực hiện các nhiệm vụ.

Trăn trở từ cơ sở

Đã nhận nhiệm vụ làm cộng tác viên dân số được gần 1 năm nhưng chị Vũ Thị Thùy Linh - cộng tác viên dân số khối Trung Hưng, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) vẫn còn nhiều bỡ ngỡ với công việc này.

Thành phố Vinh triển khai chiến dịch truyền thông dân số. Ảnh: PV

Thành phố Vinh triển khai chiến dịch truyền thông dân số. Ảnh: PV

Điều này là dễ hiểu, bởi so với nhiều cộng tác viên dân số trước đây, chị còn quá trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, lại chỉ về “làm dâu trong khối” nên chưa nắm được hết đầy đủ các số hộ trong thôn, xóm cũng như chưa nắm hết công tác gia đình. “Đặc thù của công tác dân số là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” và phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm và hoàn cảnh của từng hộ dân. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm qua do ảnh hưởng của dịch nên việc tiếp cận các hộ gia đình gặp nhiều khó khăn và việc triển khai các hoạt động cũng hạn chế vì tránh tập trung đông người. Bản thân tôi, mới làm quen với công việc nên cũng cần học hỏi nhiều để đúc rút kinh nghiệm”, chị Thùy Linh chia sẻ.

Từ 2 năm trở lại đây thực hiện Nghị quyết 15/2020/NQ - HĐND quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đội ngũ cộng tác viên dân số của thành phố Vinh đã được kiện toàn lại theo 2 hướng. Theo đó, với các phường, cộng tác viên dân số sẽ kiêm công tác y tế tại khối. Với các xóm thuộc các xã thì nhân viên y tế kiêm nhiệm công tác dân số.

Trong quá trình thực hiện, do quy định mới nên việc tổ chức lại đội ngũ cộng tác viên dân số ở các khối, xóm gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn thành phố chỉ có 129 nhân viên y tế kiêm công tác dân số ở các khối, xóm. Trong khi đó, gần 200 khối, xóm khác chưa có cộng tác viên dân số vì không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng (phải có chứng chỉ y tế). Đội ngũ mới được tuyển dụng hiện đa số trẻ tuổi, không tiếp cận được từng đối tượng và chưa có uy tín tại cộng đồng nên đa số không quản lý được số hộ dân đóng trên địa bàn.

Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản nâng cao chất lượng dân số tại phường Lê Mao. Ảnh: PV

Chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản nâng cao chất lượng dân số tại phường Lê Mao. Ảnh: PV

Thậm chí, một số cộng tác viên còn vi phạm chính sách dân số dẫn đến việc cản trở và gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền và vận động nhân dân thực hiện tốt công tác dân số. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên y tế kiêm dân số hiện ký hợp đồng trực tiếp với trung tâm y tế nên khối, xóm không quản lý đối tượng này. Đó cũng là lý do mà đội ngũ cộng tác viên hoạt động độc lập thiếu sự chỉ đạo và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và dẫn tới việc thu thập, báo cáo và cập nhật thông tin biến động dân số, y tế không đầy đủ.

“Việc thiếu hụt nhân lực ở tuyến cơ sở khiến cho các hoạt động dân số trên địa bàn thành phố Vinh gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng sinh có thứ 3 trở lên ngày càng tăng, từ 8,8% lên 15,8%. Đáng chú ý, hiện nay có những đơn vị phường, xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (40%) và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Bởi lẽ, có một bộ phận dân cư khá giả có điều kiện đều muốn sinh thêm, muốn có nhiều con”.

Bà Phùng Thị Thanh - Trưởng phòng Dân số và Truyền thông (Trung tâm Y tế thành phố Vinh)

Liên quan đến công tác dân số hiện nay, mới đây, tại hội nghị về công tác giảm sinh, lãnh đạo nhiều địa phương cũng cho biết: Sau khi sáp nhập, hiện tại phòng dân số của trung tâm y tế nhiều cán bộ có thâm niên, hăng hái nhiệt tình đã nghỉ hoặc luân chuyển công tác.

Trong khi đó, khi về cơ quan mới có nhiều chức năng như khám, phòng, chống dịch bệnh (đặc biệt, thời gian qua dịch diễn biến phức tạp) nên nhiều nhân lực của ngành Dân số đã phải điều động và chỉ còn vài người dẫn đến khó khăn, thiếu nhân lực trong quá trình hoạt động, ảnh hưởng đến các hoạt động.

Người dân huyện Hưng Nguyên tại hội thi tìm hiểu về công tác dân số trong tình hình mới. Ảnh: Mỹ Hà

Người dân huyện Hưng Nguyên tại hội thi tìm hiểu về công tác dân số trong tình hình mới. Ảnh: Mỹ Hà

Những người làm công tác dân số cũng trăn trở, bởi sau khi sáp nhập, một số chế độ, chính sách chưa phù hợp. Vì thế, có những viên chức dân số dù đã có bằng đại học, đã đi học để được nâng cao trình độ nhưng chưa được chuyển ngạch.

Ổn định tổ chức và bộ máy ngành Dân số

Từ giữa tháng 8/2020, Nghệ An đã tiến hành và hoàn thành việc sáp nhập các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình vào Trung tâm Y tế theo Nghị quyết 19-NQ/TW và Kế hoạch số 111-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sáp nhập các cơ quan cấp huyện, trong đó có Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Y tế.

Điều này là phù hợp với thực tiễn hiện nay, nhưng sau gần 2 năm thực hiện việc sáp nhập vẫn đang còn những khó khăn, trăn trở. Đây cũng là lý do, tại hội nghị do Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức có rất nhiều ý kiến băn khoăn được gửi gắm từ cơ sở.

Người dân huyện Tương Dương tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: MH

Người dân huyện Tương Dương tìm hiểu về chính sách dân số. Ảnh: MH

“Sau khi sáp nhập, bộ máy những người làm công tác dân số đã phát huy được vai trò, triển khai được nhiều hoạt động ở cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn có những khó khăn bởi việc phân công nhiệm vụ theo quy định và của cấp trên chưa rõ ràng, nên việc tiến hành các hoạt động chuyên môn của dân số đang còn những bất cập.

Chưa kể trong 2 năm qua, ngành Dân số phải làm song song 2 nhiệm vụ vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện chuyên môn của ngành nên nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai các chiến dịch truyền thông phần nào bị ảnh hưởng”.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nay công tác dân số của Nghệ An cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất hiện nay là mức sinh cao (2,79 con), đứng thứ 2 cả nước (sau Hà Tĩnh). Đặc biệt, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao và có xu hướng tiếp tục tăng ở hầu hết các huyện, thành, thị; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức báo động; chất lượng dân số mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế; tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh, tật di truyền, suy dinh dưỡng còn ở mức cao...

Bất cập là hiện nay kinh phí đầu tư cho công tác dân số ngày càng hạn hẹp. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên và nâng cao chất lượng dân số.

Công nhân huyện Yên Thành tham gia chương trình sức khỏe của bạn, khám tư vấn về SKSS. Ảnh: PV

Công nhân huyện Yên Thành tham gia chương trình sức khỏe của bạn, khám tư vấn về SKSS. Ảnh: PV

Chia sẻ với những khó khăn của ngành Dân số hiện nay, ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho rằng, để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động thì ngành Dân số cần tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt như: Nghị quyết số 15 của Hội đồng nhân dân tỉnh, các kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành năm 2021. Đặc biệt, quyết liệt trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các chỉ tiêu, trong đó, chú ý các chỉ tiêu quan trọng: Tiếp tục giảm sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.

Về tổ chức bộ máy Y tế - Dân số, sau khi cơ bản đã ổn định, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị ngành cần kiểm soát, kiện toàn bộ máy, sắp xếp, bố trí đủ nhân lực cho phòng Dân số và đội ngũ nhân viên y tế xóm, bản kiêm cộng tác viên dân số hoặc cộng tác viên dân số kiêm nhiệm công tác y tế khối (đối với những đơn vị còn thiếu) để đi vào hoạt động có hiệu quả.

Mặt khác, người đứng đầu trung tâm y tế cần phải tìm hiểu, nghiên cứu, nắm chắc chính sách dân số; coi công tác dân số là một trong những nhiệm vụ chính trị của cơ quan cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ. Đồng thời, cần tạo điều kiện về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ dân số làm việc tại trung tâm và tại trạm y tế.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần tiếp tục duy trì hoạt động của ban chỉ đạo hiệu quả, để từ đó tranh thủ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện về cơ chế, xây dựng văn bản, chính sách của địa phương, đầu tư nguồn lực cho công tác dân số.


Tin mới