Nghệ An: Sửa chữa, nâng cấp trụ sở từ 500 triệu trở lên phải được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt

(Baonghean.vn) - Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất có giá trị thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.

Đây là một trong những nội dung tại dự thảo Quyết định của UBND tỉnh Quy định về thẩm quyền và trình tự thực hiện sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sáng 18/4, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nghe và cho ý kiến đối với dự thảo Quy định về thẩm quyền và trình tự thực hiện sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sáng 18/4, đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các sở, ngành, đơn vị liên quan để nghe và cho ý kiến đối với dự thảo Quy định về thẩm quyền và trình tự thực hiện sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo dự thảo, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất có giá trị thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và từ 1 tỷ đồng trở lên với tài sản kết cấu hạ tầng. 

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất có giá trị thực hiện dưới 500 triệu đồng đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và dưới 1 tỷ đồng đối với tài sản kết cấu hạ tầng.

Thủ trưởng đơn vị dự toán các cấp quyết định chủ trương sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất và phê duyệt thiết kế - dự toán, báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình có giá trị thực hiện dưới 100 triệu đồng. 

Quyết định này thực hiện đối với nguồn kinh phí thuộc nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước và các nguồn thu được để lại theo chế độ quy định (kể cả các quỹ của đơn vị sự nghiệp) dùng để sửa chữa, nâng cấp quy mô nhỏ với tổng mức dưới 5 tỷ đồng. Trường hợp công trình có tổng mức đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên thực hiện bằng vốn đầu tư công.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Việt Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Giám đốc Sở Tài chính Trần Việt Dũng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Đối tượng áp dụng là các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ; các đơn vị sự nghiệp công lập; ban quản lý các dự án; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc làm việc, trên cơ sở tờ trình của Sở Tài chính, đại diện các sở, ngành và một số địa phương đã nêu ý kiến góp ý vào dự thảo về tính cấp thiết phải ban hành quy định, song cũng phải đảm bảo theo đúng căn cứ tại quy định của luật và các nghị định liên quan.

Trụ sở làm việc của xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu
Trụ sở làm việc của xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu. Ảnh tư liệu

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Minh Thông yêu cầu Sở Tài chính tổ chức làm việc lại với các sở, ngành liên quan để thống nhất nội dung tại các điều của quyết định, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, trước khi trình UBND tỉnh xem xét ban hành.

Tin mới