Nghệ An tăng cường phòng bệnh cho đàn vật nuôi dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Thời tiết rét, mưa phùn... tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan và gây bệnh. UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 32/CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Chống rét và phòng dịch cho đàn vật nuôi

Trên địa bàn huyện Con Cuông vừa xảy ra điểm dịch tả lợn châu Phi tại bản Trung Hương, xã Yên Khê, làm 1 con lợn bị chết. Ông Lê Trung Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết, sau khi phát hiện ổ dịch tại bản Trung Hương, xã đã chỉ đạo ban cán sự bản, hướng dẫn người dân khẩn trương khoanh vùng dập dịch. Đồng thời, thông báo đến các bản nghiêm cấm việc mua, bán thịt lợn trên địa bàn xã trong thời gian chưa hết dịch. Các hộ nuôi thực hiện nghiêm công tác tiêu độc, khử trùng phòng bệnh cho đàn vật nuôi.

Người chăn nuôi cần phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi lợn để phòng dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Người chăn nuôi cần phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi lợn để phòng dịch bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo ông Lô Văn Lý – Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông, những năm gần đây, trên địa bàn huyện, dịch tả lợn châu Phi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn lợn, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do thiếu giống và rủi ro khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn. Để đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân trong dịp cuối năm, huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; kịp thời phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi để có giải pháp khống chế trong diện hẹp.

“Hiện tại, trên địa bàn huyện Con Cuông không có dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhưng tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh vẫn còn cao, bởi các điểm dịch tả lợn châu Phi cũ vẫn có nguy cơ tái phát. Do vậy, bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, huyện còn chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn bà con thực hiện các giải pháp chống đói, rét cho đàn vật nuôi”, ông Lô Văn Lý cho hay.

Xử lý môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Xử lý môi trường trong và ngoài khu vực chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Diễn Châu là địa phương có nhiều điểm giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, vì vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh đối với động vật luôn cao, nhất là dịch tả lợn châu Phi và dịch bệnh gia cầm H5N1, viêm da nổi cục trâu, bò…

Ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, cùng với phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, huyện tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật. Dịp cuối năm, nhất là thời điểm sát Tết Nguyên đán, người dân giết mổ lợn, bò, gà nhiều, nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh cho đàn vật nuôi cao, do vậy, công tác tuyên truyền phải thường xuyên và cùng đó là phun hóa chất khử trùng môi trường tại các điểm giết mổ tập trung.

Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang xảy ra rải rác tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; đặc biệt, trong tháng 11 vừa qua, xảy ra một số điểm dịch cúm gia cầm H5N1 tại huyện Hưng Nguyên và TP. Vinh. Do vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi vào dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là rất cao.

Đầu tháng 12 này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 32-CT-UBND về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh động vật vào cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Cán bộ thú y vùng cao tiêm vắc-xin cho gia súc. Ảnh: Q.An

Cán bộ thú y vùng cao tiêm vắc-xin cho gia súc. Ảnh: Q.An

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật: Các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương hoàn thiện phê duyệt và bố trí kinh phí để chủ động triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật tại địa phương của năm 2023 và các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã được tỉnh phê duyệt. Rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi: cúm gia cầm, viêm da nổi cục, dại, lở mồm long móng… đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn.

Đối với các địa phương đang có dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, tập trung chỉ đạo, huy động nhân lực, vật lực bao vây khống chế, xử lý dứt điểm ổ dịch trong diện hẹp. Tăng cường kiểm soát công tác giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật… Tổ chức triển khai tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để tiêu diệt các loại mầm bệnh, đặc biệt tại các địa phương đã và đang có dịch bệnh, vùng có nguy cơ cao…

Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập các đoàn công tác tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản nuôi, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc-xin. Các sở, ngành liên quan, kiểm tra đôn đốc các địa phương khẩn trương kiện toàn hệ thống thú y cấp xã đảm bảo về số lượng, chất lượng theo quy định để thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi và thú y tại địa bàn.

Tin mới